Hoài Phương, ông xã Việt Hương dành lời trìu mến cho ba vợ.
Việt Hương vừa trải qua biến cố lớn khi bố qua đời ở tuổi 84. Hoài Phương luôn ở bên động viên vợ vượt qua sóng gió.
Mới đây, anh dành những lời yêu thương và kể về kỷ niệm đẹp cùng ba vợ.
Việt Hương nghẹn ngào vì ba qua đời
Anh nói: "Có lẽ mình có thể tự cho mình là một người con rể may mắn được gần cả ba và má vợ. Trước đây khi má còn sống, má đã sang Mỹ nhiều tháng để chăm sóc con gái và cháu ngoại mới sinh. Má là một người tỉ mỉ, gia giáo, và kỹ tính. Tuy nhiên má lại rất lãng mạn, yêu thơ, yêu hoa, yêu thiên nhiên, hội họa. Những điều này là điểm chung giữa mình và má. Vì vậy hai má con rất hợp nhau.
Còn với ba vợ thì mình không có nhiều thời gian bên ông bằng má. Mặc dù vậy, 2 ba con cũng có đủ thời gian để hiểu nhau".
Hoài Phương kể lại, những ngày ba vợ sang Mỹ chơi, anh đưa đi khắp mọi nơi để được trải nghiệm những gì đặc biệt ở đất Mỹ. Từ những xa hoa, phù phiếm trên Las Vegas Strip đến những gian hàng đồ cổ tại chợ trời. Những chuyến xe du lịch đường dài tới chuyến tàu cruise đi Mexico.
Hoài Phương song hành Việt Hương trong mọi buồn vui
"Khi có hai ba con với nhau, ba kể lại cái thời lừng lẫy của một anh chàng điển trai con nhà võ theo Đoàn Xiếc Bắc Nam Huỳnh Thái Sơn (sau này đã hiến tặng cho nhà nước trở thành tiền thân của Đoàn Xiếc Thành phố Hồ Chí Minh) lưu diễn khắp mọi miền đất Việt với những màn khí công nằm trên bàn đinh đập vỡ tảng đá trên ngực, bẻ cong thanh sắt... Sau này khi ngưng nghề xiếc, ba trở thành huấn luyện viên thể dục thể thao. Rồi sau này ba lại quay qua theo đuổi niềm đam mê nhiếp ảnh. Những câu chuyện của ba tưởng chừng như ngàn lẻ một đêm, không hồi kết" - Hoài Phương tâm sự.
Hoài Phương nhớ hoài kỷ niệm vui về ba vợ: "Những năm gần đây tuy đã ở vào lứa tuổi trên dưới 80, ba vẫn luôn là người năng động, hoạt bát và lanh lẹ. Có lần đi chơi trong một mall lớn ở Nam Cali, Mỹ, ba đi loanh quanh rồi lạc đâu mất tiêu. Con cháu bủa đi tìm ba. Tuy rằng không có điện thoại di động và cũng không biết tiếng Anh, ba vẫn tìm được đến mấy người nhân viên nhờ họ liên lạc với mình. Ba luôn để ý từng góc phố, từng tên đường nên nhiều khi đi lang thang chơi một mình nhưng vẫn tìm được đường trở về. Tính ba thích lãng du như vậy đấy. Ở Việt Nam sở thích của ba là nhảy lên chiếc xe đạp mini gọn nhẹ của ba rồi đạp đi khắp nơi, không điểm đến. Mỗi ngày ba lại khám phá một khu phố mới.
Rồi một sở thích mới lại được hình thành với ba. Mỗi buổi sáng sau bữa điểm tâm, ba nhảy lên chiếc xe buýt với tấm vé xe miễn phí dành cho người cao niên và theo xe đi quanh thành phố. Cứ như vậy ngày này qua ngày khác, ba đã đồng hành cùng bao bác tài đến quen mặt qua bao nhiêu bến đỗ, du lịch quanh thành phố, rồi về là ghé qua làm một chầu massage thuốc Bắc. Nhưng ba không chỉ dừng lại ở đó. Thỉnh thoảng bất chợt ba lại khoác ba lô nhảy lên xe đò đi du lịch một chuyến miền Tây xuống tận Cà Mau hoặc một mình lên tàu ra Bắc. Mỗi nơi ghé lại một hai ngày để thăm quan mỗi địa danh và trải nghiệm những gì đặc trưng của vùng miền đó. Đối với ba cuộc đời là sự khám phá, là không có điểm dừng. Vì tính cách rất dễ thích nghi, không cầu kỳ, ba đúng là dân phượt chuyên nghiệp bằng... xe đò, một ông "ta" ba lô chính hiệu.
Ở trong nhà có lẽ ba là một người cha, người ông dễ tính nhất. Chẳng bao giờ la lối, cằn nhằn con cháu, chẳng đòi hỏi, cũng chẳng làm phiền ai. Nhưng khi ai cần gì thì ba nhiệt tình giúp đỡ. Tuy vậy tính ba cũng thuộc diện đầu đội trời chân đạp đất. Ai làm được cái gì thì ba làm được cái đó. So với lứa 3x thì ba thuộc tuýp người khoái khám phá gadget. Khi về xế chiều, ba cũng bắt đầu có thêm một sở thích khá lạ lùng. Đó là sở thích "ghiền một món". Chẳng hạn hàng ngày ba chỉ ăn duy nhất một món cánh gà ròng rã cả năm trời không thay đổi. Rồi bỗng một ngày đẹp trời, ba bỏ món cánh gà chuyển sang món lòng heo phá lấu. Cứ mỗi món ba đổi sang như vậy là ăn cả năm ròng. Bên cạnh món ăn chính như vậy, ba tự mua hàng ký trái cây về xay sinh tố và uống mỗi ngày mấy ly. Nhiều khi con cháu sợ ông ăn uống như vậy không cân bằng dinh dưỡng nên khuyên can ông, nhưng ông nói: "Tao ngần này tuổi rồi, kiêng cữ cũng chẳng làm gì". Ý ba như vậy rồi, chẳng ai cản nổi".
Với Hoài Phương, ba vợ là cỗ máy hoạt động không ngừng nghỉ. Thế nhưng "rồi một ngày kia cỗ máy tám mươi mấy tuổi không hỏng hóc gì bất chợt ngưng hoạt động. Ba bỗng yếu hẳn đi chỉ trong một ngày. Ba không muốn ăn nữa. Chỉ nằm một chỗ. Không đau. Không bệnh. Không kêu rên. Cũng chẳng than vãn. Ba nằm như vậy khoảng hơn 2 tuần. Hôm mình gọi điện về thăm ba thì ba yếu quá không trả lời mình được, tuy rằng vẫn nhận ra con rể và gật đầu nhẹ. Cũng trong đêm đó, ba nhẹ nhàng ra đi trong giấc ngủ ngàn thu. Nhẹ nhàng như một giấc mơ đưa ba đến một phương trời xa hơn, rộng hơn để ba tiếp tục khám phá.
Ba ơi! Ba hãy cứ là ba, cứ luôn vô tư và luôn bình thản với cuộc hành trình mới của cuộc đời nhé ba".
Nhạc sĩ Hoài Phương là chồng danh hài Việt Hương, sinh năm 1971 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Anh học nhạc từ nhỏ, năm 1998 anh đỗ thủ khoa ngành kèn clarinet. Khi ở Việt Nam, anh lập nhóm nhạc cùng Bằng Kiều. Sau khi nhóm tan rã, anh sang Mỹ du học và định cư luôn bên đó.