ĐỜI SỐNG

'Chốt' khuyến nghị tăng lương 6% năm 2024 

Hoài Nhung • 25-12-2023 • Lượt xem: 1051
'Chốt' khuyến nghị tăng lương 6% năm 2024 

Hội đồng Tiền lương quốc gia chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 là 6% để trình Chính phủ xem xét. 

Sau hai phiên họp thảo luận, sáng ngày 20/12, Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa thông qua phương áp khuyến nghị Chính phủ về tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động áp dụng cho năm 2024. Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Lê Văn Thanh, đa số phiếu đồng thuận với mức tăng lương thêm 6%. Đây là mức phù hợp và được sự thống nhất của các thành viên, trong đó có đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ngay sau phiên họp, đề xuất này sẽ trình Chính phủ xem xét và quyết định. Nếu được Chính phủ thông qua, lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ ngày 1/7/2024 (cùng thời điểm cải cách tiền lương khu vực nhà nước). 


Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất phương án tăng lương tối thiểu vùng là 6%, áp dụng từ ngày 1/7/2024. 

Trước đó, tại phiên họp thứ nhất, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (đại diện cho người lao động) kiến nghị tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 thêm 5-6% so với hiện hành. Song vẫn còn một số thành viên có ý kiến khác, chưa thống nhất phương án. Việc dời thời gian xem xét lương tối thiểu vùng vào năm 2024 để các bên trong hội đồng đánh giá thêm tình hình hoạt động của doanh nghiệp, việc làm và cuộc sống người lao động. Với mức tăng trên, mức lương tối thiểu có thể được áp dụng cụ thể như sau: Vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng 280 nghìn đồng); Vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250 nghìn đồng); Vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220 nghìn đồng); Vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng (tăng 200 nghìn đồng).


Kể từ sau đại dịch Covid-19, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn khi liên tục bị cắt giảm thu nhập do thiếu việc làm. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp gặp khủng hoảng trầm trọng, đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng.

Một khảo sát do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam thực hiện hồi tháng 7 cho thấy tiền lương tối thiểu hiện tại chỉ đáp ứng 1/3 hoặc 1/4 chi tiêu của gia đình người lao động; 75,5% người trả lời cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu, trong đó thấp nhất chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu; 52,3% người lao động phải làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Điều này gây khó khăn đối với nhiều người lao động đặc biệt là trong thời gian kinh tế không ổn định. Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết: "Chúng tôi đồng tình với việc tăng lương tối thiểu vùng cùng với thời điểm tăng lương ở khu vực công để đảm bảo tính đồng bộ, thể hiện trách nhiệm chung ở cả 2 khu vực". 


Nếu đề xuất được duyệt, lương tối thiểu Vùng I tăng thêm 280.000 đồng; Vùng II tăng thêm 250.000 đồng; Vùng III tăng thêm 220.000 đồng; Vùng IV tăng thêm 200.000 đồng.

Theo các chuyên gia, việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 cũng là một quyết định hết sức khó khăn do tình trạng kinh tế suy thoái, doanh nghiệp thiếu đơn hàng và tình trạng lao động thiếu việc làm, thất nghiệp. Trong khi đó, nhiều người lao động phải chật vật khi bị cắt giảm thu nhập do thiếu việc làm. Tuy nhiên, nếu không có phương án tăng lương thì sẽ khó đảm bảo cuộc sống cho người dân trong bối cảnh lạm phát. Trong báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đánh giá, từ năm 2015 tới nay, Việt Nam luôn tăng lương tối thiểu ổn định và nhất quán, từ mức 119 USD/tháng lên 168 USD/tháng hiện hành. Hơn nữa, Việt Nam là số ít giữ được việc tăng lương giúp tăng giá trị thực tế cho người lao động (tăng thêm 0,7%) trong khu vực ASEAN. Mức đề xuất tăng lương tuân theo nguyên tắc tính toán để lương tối thiểu phải bằng hoặc cao hơn mức sống tối thiểu của người lao động.