ĐỜI SỐNG

Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững tại Diễn đàn Mekong Connect năm 2022

Thiện Thuật • 26-11-2022 • Lượt xem: 287
Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững tại Diễn đàn Mekong Connect năm 2022

Ngày 24/11 tại TP. Cần Thơ, các tỉnh, thành phố trong mạng lưới liên kết ABCD Mekong (An Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Đồng Tháp), TP Hồ Chí Minh và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức khai mạc Diễn đàn Mekong Connect 2022 lần thứ 7 với chủ đề: Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững. Tham gia dự và phát biểu chỉ đạo có ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội.

Chủ động liên kết

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết:  Liên kết, hợp tác để cùng phát triển đã được xác định, đây là một trong các chìa khóa quan trọng để dẫn đến thành công, phát triển bền vững, để có thể vận dụng và phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của các bên, cùng đạt được mục tiêu đề ra với hiệu quả cao nhất. Diễn đàn Mekong Connect mang ý nghĩa hết sức tích cực vừa là hoạt động thường niên nhưng cũng vừa là cơ hội để chia sẻ, thấu hiểu, gắn kết cùng xây dựng mối liên kết bền vững giúp nhau cùng phát triển.

Diễn đàn là hoạt động thường niên dành cho các doanh nhân, doanh nông, nông dân, nhà quản lý, chuyên gia… và các đối tượng có mối quan tâm đặc biệt đến Đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu gắn kết, kết nối giữa các địa phương An Giang - Bến Tre - Đồng Tháp - Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh với mục tiêu gắn kết góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội giữa các tỉnh, thành phố.

Tại Diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn có bài phát biểu kỳ vọng, từ những kết quả nổi bật của vùng, sự quan tâm chỉ đạo phát triển, triển khai hạ tầng đã và đang đầu tư nêu trên, sự chủ động liên kết, kết nối của các địa phương và đặc biệt thông qua Diễn đàn này sẽ góp phần tạo động lực quan trọng tiếp tục hoàn thiện về mặt thể chế, giúp khơi thông những điểm nghẽn tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ để phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long toàn diện theo hướng sinh thái, bền vững, mang bản sắc sông nước trong bối cảnh mới.

Ông Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu tại diễn đàn - Hình ảnh: TTXVN

Những thách thức phải đối mặt

Thời gian qua không chỉ riêng TP. Cần Thơ và nhiều địa phương khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tận dụng những lợi thế đưa ra các chính sách xây dựng vùng nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, nhiều vùng nguyên liệu đã dần hình thành. Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn như biến đổi khí hậu, kinh tế suy giảm, thiếu hụt lao động do di cư, nguồn nguyên liệu chưa đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu, logistics còn manh mún… trong khi đó các ngành công nghiệp chủ lực là công nghiệp chế biến phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu.

Đại diện Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Lý Kim Chi đánh giá: Các tỉnh ABCD Mekong (An Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Đồng Tháp) đang gặp phải tình trạng chung là rất thiếu hệ thống kho lạnh dẫn đến nông sản sản xuất ra chưa theo kịp tín hiệu thị trường; khâu chế biến, dự trữ, bảo quản nông sản kém.

Bên cạnh đó, các tỉnh ABCD Mekong vẫn chưa có cơ sở dữ liệu chung về thông tin sản phẩm, nhu cầu tiêu thụ, cần tiêu thụ mặt hàng gì, sản lượng bao nhiêu, tiêu chuẩn cần đáp ứng dẫn đến việc liên kết, phát triển còn gặp nhiều bất cập.

Giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu

Trong thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp sẽ lần lượt thực hiện các dự án: Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại TP. Cần Thơ; Trung tâm đầu mối sản xuất và phân phối lúa gạo cấp vùng tại tỉnh An Giang; Bến Tre và các tỉnh duyên hải phía Đông qua tăng cường kết nối hạ tầng liên kết vùng; các dự án liên kết của tỉnh Đồng Tháp và Bàn ăn Xanh.

Bà Ngô Tường Vy, đại diện Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu đã thành công từ xây dựng mã vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm tại diễn đàn. Theo bà Vy, thực hiện chuỗi liên kết sẽ theo 2 hình thức: Nông dân - Hợp tác xã - Công ty - Tiêu thụ; Nông dân - Hợp tác xã - Thương lái - Công ty - Tiêu thụ. Công ty đã đăng ký thực hiện mã số vùng trồng, kết hợp với các Hợp tác xã, tổ hợp tác chuẩn bị vùng trồng kiểm tra, hướng dẫn cho nông dân các quy định cần thiết cho vùng trồng. Thu mua sản lượng sầu riêng trong vùng trồng liên kết. Công ty cũng có thể thực hiện thu mua trực tiếp tại vùng trồng không qua hệ thống thương lái tại công ty.

Kỹ sư Trần Chí Dũng cũng đề xuất: Mekong Connect nên gắn với chiến lược phát triển Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Ứng dụng công nghệ để xây dựng các chuỗi cung ứng số sẽ là biện pháp hữu ích nhất giúp Đồng bằng sông Cửu Long phát triển vượt trội.