ĐỜI SỐNG

Chủ động phòng chống đậu mùa khỉ trước ca bệnh đầu tiên tại Việt Nam

Lan Hương • 05-10-2022 • Lượt xem: 238
Chủ động phòng chống đậu mùa khỉ trước ca bệnh đầu tiên tại Việt Nam

Trước tình hình ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam, việc chủ động phòng, chống dịch hiện nay là rất quan trọng, nhằm giúp bảo vệ bản thân và gia đình tránh khỏi nguy cơ lây nhiễm cách tốt nhất.

Như thông tin của Bộ Y tế thông báo về ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 3/10 vừa qua là một bệnh nhân nữ. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân nhiễm đậu mùa khỉ chủng Monkeypox virus, thuộc phân nhóm 2b và có nguồn gốc lây lan từ nước ngoài.

Vấn đề y tế toàn cầu

Đậu mùa khỉ đã từng bùng phát dịch tại Hoa Kỳ vào năm 2003 nhưng không có ca tử vong. Từ tháng 5/2022, khoảng hơn 90 quốc gia đã có báo cáo về các ca mắc đậu mùa khỉ và cho đến hiện nay, WHO đã tuyên bố đậu mùa khỉ bùng phát toàn cầu năm 2022 là tình trạng về sức khỏe cần được cộng đồng quốc tế quan tâm.

Đậu mùa khỉ có triệu chứng tương tự như bệnh thủy đậu, khởi phát bằng những cơn sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết. Sau đó là những nốt ban ở mặt rồi lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Giai đoạn đầu bề mặt tổn thương phẳng, tiếp theo là hình thành mụn nước, mụn mủ, đóng vảy, khô lại rồi hình thành lớp da mới.

Điểm khác biệt giữa thủy đậu và đậu mùa khỉ là vị trí các bóng nước. Với thủy đậu, bóng nước bắt đầu thừ thân sau đó lan ra, ít khi có hạch và các vết sẹo thường nông. Đối với đậu mùa khỉ, vị trí bóng nước lại bắt đầu từ mặt, nổi hạch to và vết sẹo sâu hơn.

Hầu hết các trường hợp đậu mùa khỉ có thể tự khỏi trong vài tuần, thế nhưng một số những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra như giảm thị lực, giảm ý thức, suy hô hấp, co giật, nhiễm trùng da, viêm phổi…

Chủ động phòng chống dịch bệnh là vấn đề của cả cộng đồng

Trước diễn biến gia tăng của dịch bệnh, các cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành phòng chống dịch ở khắp các địa phương, cửa khẩu, nhằm phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời. Bên cạnh đó bản thân mỗi người trong cộng đồng rất cần nâng cao tự giác về phòng ngừa dịch bệnh để tránh lây nhiễm và bùng phát nặng nề.

Theo các chuyên gia khuyến cáo, đậu mùa khỉ được nhận định liên quan đến hô hấp và giọt bắn. Bệnh có nguy cơ lây nhiễm khi sống chung hoặc dùng chung đồ đạc của người mắc. Có 3 con đường chính khiến lây nhiễm đậu mùa khỉ cần lưu ý là qua vết xước hay vết cắn của động vật nhiễm virus, ăn thịt động vật nhiễm bệnh và tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh.

Bộ Y tế khuyến cáo về biện pháp phòng ngừa dịch bệnh trong mỗi người dân bằng các điểm lưu ý sau đây:

+ Thực hiện thói quen che miệng, mũi khi ho, hắt hơi.

+ Rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng thường xuyên.

+ Liên hệ với cơ quan y tế khi phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân và có kèm theo những triệu chứng nghi ngờ đậu mùa khỉ, đồng thời tự chủ động các ly tại nhà.

+ Tránh tiếp xúc gần với người mắc, nghi ngờ mắc bệnh.

+ Không quan hệ tình dục khi mắc hoặc nghi mắc bệnh.

+ Không tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn, vết thương, dịch cơ thể, các đồ dùng nhiễm mầm bệnh.

+ Thông báo cho cơ quan chức năng khi nơi làm việc hoặc nơi ở có người nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.

+ Tránh tiếp xúc với động vật có thể chứa virus đậu mùa khỉ khi đến các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh. Đồng thời khai báo y tế khi trở về Việt Nam để được tư vấn và hỗ trợ các bước tiếp theo.

Bên cạnh đó mỗi người chúng ta cần thực hiện tốt lối sống lành mạnh, tăng cường vận động, bổ sung dinh dưỡng, nâng cao đề kháng và nghiêm túc thực hiện phòng chống dịch vì một sức khỏe tốt cho toàn thể cộng đồng.