ĐỜI SỐNG

Chữa lành: Xu hướng tích cực hay trào lưu nhất thời?

Hải Ly • 02-09-2024 • Lượt xem: 1377
Chữa lành: Xu hướng tích cực hay trào lưu nhất thời?

“Chữa lành” là một trong những trào lưu diễn ra gần đây, đang được lan truyền rộng rãi trên các phương tiện xã hội. Vậy “chữa lành” có nghĩa là gì? Và nó thật sự đang được sử dụng đúng ý nghĩa hay chưa?

 

(Nguồn: Internet)

Theo từ điển Oxford, “chữa lành” là quá trình làm cho ai đó hoặc cái gì đó phục hồi sức khoẻ hay tình trạng ban đầu. Hoặc là quá trình phục hồi sau một cú sốc tinh thần hoặc tổn thương tâm lý. Với định nghĩa này, có thể nói rằng “chữa lành” được hầu hết mọi người nói đến, đó là họ đang phục hồi sức khoẻ nói chung, đặc biệt là sức mạnh về mặt tinh thần sau một ngày làm việc vất vả. 

Có rất nhiều hoạt động “chữa lành” khác nhau được đăng tải và chia sẻ rộng rãi trên phương tiện truyền thông mạng xã hội, trong đó có: ăn uống, đi dạo phố vào ban đêm, chơi với thú cưng và nhiều hoạt động khác. Ngoài ra, một loại hoạt động tự “chữa lành” khác gọi là “kỳ nghỉ chữa lành”.  

“Tôi cần chữa lành! Tôi phải xin nghỉ vài ngày để đi du lịch thôi.” (Nguồn: Internet)

Có rất nhiều bài đăng được chia sẻ trên các trang mạng xã hội phổ biến như Twitter, Instagram, Facebook, TikTok, Youtube về việc “chữa lành” bằng cách đi đến các địa điểm nghỉ dưỡng. Bài đăng của những người đi “chữa lành” đã trở thành một xu hướng và nhận về hàng loạt các lượt tương tác. Ví dụ, một tài khoản TikTok tên A. đã đăng hành trình “chữa lành” của cô ấy thông quá chuyến dã ngoại gần một con sông thơ mộng, nhận về 830,4 nghìn lượt thích và 34,4 nghìn lượt chia sẻ. Hay một video khác được đăng tải trên TikTok cũng nhận về 452,1 nghìn lượt thích và 10,7 nghìn lượt chia sẻ, video quay lại một nhóm bạn đang chơi đùa trên cánh đồng cỏ với chú thích “Hãy cùng chúng tôi đi chữa lành”. Dần dần, cụm từ “chữa lành” được hiểu tự động là “kỳ nghỉ”, nhưng chính xác hơn thế thì nó là một quá trình chữa lành sức khoẻ tâm thần của một người có những chấn thương tinh thần trong quá khứ hoặc có cảm xúc tồi tệ, theo nhà tâm lý học lâm sàng Nirmala Ika.  

Đừng xem nó như một điều đơn giản. Giống như một hiệu ứng domino, những video hay bài đăng khi nhận được nhiều lượt tương tác và trở nên thịnh hành, những người theo dõi, đặc biệt là những người trẻ, thường có xu hướng cộng hưởng, “tôi đồng tình và tôi cũng muốn như vậy”. Từ đó, hành vi và tư duy của họ cũng bị ảnh hưởng. Vậy lý do gì đã khiến “chữa lành” được giới trẻ đón nhận nhiều đến vậy? 

Trước tiên, hãy tìm hiểu xem điều gì đã khởi đầu xu hướng này

Theo một báo cáo từ Cục An toàn lao động vào năm 2019, Việt Nam là nước có số giờ làm việc cao nhất Đông Nam Á với thời gian làm việc của người lao động Việt Nam là 2.320 giờ/ năm. Trong khi đó, người lao động Việt Nam được hưởng 11 ngày nghỉ lễ, ngang bằng với Singapore, nhưng đây vẫn là con số thấp nhất Đông Nam Á. Đây có thể là lý do khiến mọi người, đặc biệt là giới trẻ bắt đầu muốn có những hoạt động “chữa lành” khi họ bị quá tải công việc.

(Nguồn: Internet)

Họ nghỉ ngơi, đi du lịch nhiều hơn để giải toả sức khoẻ tinh thần khỏi những áp lực, khó khăn trong công việc và học tập. Điều này quả là có ý nghĩa tích cực vì nó giúp mọi người nghỉ ngơi và lấy lại năng lượng vào ngày hôm sau. Nhưng đồng thời, nếu không lựa chọn được phương án “chữa lành” phù hợp, chỉ muốn đến những nơi nghỉ dưỡng đắt tiền hay chạy theo phẩm vị số đông, thì vô hình trung việc “chữa lành” này sẽ gây hại ngược lại cho bạn. 

(Nguồn: Internet)

Có thể nói rằng, việc bị ảnh hưởng và chi phối bởi hiện tượng văn hoá ngày càng phổ khắp này đã khiến tâm lý của thanh niên thế hệ Y đến thế hệ Z có nhiều sự thay đổi về lý tưởng sống và làm việc, mà không hề có chọn lọc. Khi ý nghĩa “chữa lành” càng được thổi phồng, họ cảm thấy cần trân trọng cảm xúc của bản thân hơn, vì “you only live once” – “bạn chỉ sống một lần”, nên một chút va chạm hoặc vấp ngã nhỏ trong cuộc sống cũng thôi thúc họ phải đi “chữa lành”. Và khi đăng những tấm hình ở nơi sang trọng, đắc tiền hay đẹp đẽ, những lượt thả tim và bình luận ngưỡng mộ, khen ngợi sẽ là niềm an ủi lớn lao cho họ. Sẽ ra sao nếu thế hệ trẻ đang là nguồn lao động và chất xám chính của xã hội, lại dễ dàng buông bỏ trách nhiệm, trốn tránh khó khăn, đầu hàng thất bại và dốc hết ngân sách của mình để tìm đến một kỳ nghỉ mà ai đó trên mạng gọi là “chữa lành” như một lối thoát duy nhất?   

“Chữa lành” tích cực: Hiểu đúng bệnh, dùng đúng thuốc

Bạn phải hiểu rằng, việc “chữa lành” tốt nhất không phải là nhìn người khác đi đến những nơi bạn không thể đến, hay cố tìm đến những nơi không thuộc về bạn, mà phải tập trung vào chính mình; Điều gì khiến bạn hạnh phúc, bình yên? Bạn cần gì, bạn thiếu gì để lấp đầy tâm hồn? Khi hiểu được điều này, chúng ta thật sự có thể đạt được điều mà chúng ta gọi là “chữa lành”. Lúc bạn tìm được đúng liều thuốc cho tâm hồn, sẽ chẳng khó khăn gì để quay trở lại guồng quay cuộc sống với một năng lượng dồi dào và nhiệt huyết hơn, mạnh mẽ và bản lĩnh hơn.   

(Nguồn: Internet)

Ngoài việc chi tiền cho những chuyến đi để “chữa lành”, hãy tìm một sở thích thật sự phù hợp với bạn, tìm một điều bạn muốn làm và sẽ chắc chắn tìm thấy sự bình yên khi trải nghiệm nó. Đôi khi, “chữa lành” đơn giản chỉ là mặc bộ váy thật đẹp, ra ngoài uống một tách cà phê đúng gu và đọc một cuốn sách yêu thích còn đang dang dở. Hay đăng ký một buổi học làm gốm, điều mà bạn thích thú và muốn thử từ lâu nhưng “ngại” vì không có hoa tay. Hay là cùng bạn bè chở nhau dạo trên những con đường đông đúc, vội vã, cứ đi mà chẳng sợ lạc, rồi lại ngắm thành phố lên đèn lúc chiều tà… Thật quá nhiều phương pháp “chữa lành” mà chẳng cần nghĩ ngợi xa xôi, toan tính cho những chuyến đi. 

Những điều trên không có nghĩa “chữa lành” bằng những kỳ nghỉ là bất khả thi, nhưng hãy thực tế nó hơn với những điều kiện mà bạn đang có, đừng cố theo đuổi những hình mẫu “chữa lành” trên mạng xã hội. 

(Nguồn: Internet)

Thiết nghĩ, một thời gian không lâu nữa thôi, trào lưu “chữa lành” bằng việc đi nghỉ dưỡng sẽ lắng xuống, khi mọi người dần nhận ra có nhiều áp lực hơn về thời gian, tiền bạc và mối quan hệ công việc sau mỗi chuyến đi, họ sẽ phải tìm đến những cách “chữa lành” khác phù hợp hơn, hoặc trước hết, nên thực hiện những thay đổi và cải cách trong công việc, tư duy, để cuộc sống trở nên linh hoạt và ít căng thẳng hơn thay vì lập tức đi “chữa lành”.  

Kết luận

(Nguồn: Internet)

Đời sống vật chất và tinh thần luôn đồng hành cùng nhau, hãy nâng niu tâm hồn của bạn, hãy yêu thương cảm xúc bản thân, vì khi tinh thần bạn khoẻ mạnh thì đời sống vật chất mới được cải thiện. “Chữa lành” không phải là điều xấu, chỉ là chúng ta chưa thật sự hiểu đúng và tìm đúng cách để “chữa lành”. Sau những chia sẻ này, hy vọng “chữa lành” sẽ dần trở thành một xu hướng tích cực và bền vững, chứ không phải chỉ là một trào lưu nhất thời. Và chúc bạn sẽ là một phiên bản mới nhất, tốt nhất của chính mình sau mỗi lần “chữa lành” nhé!