ĐỜI SỐNG

Chúng ta học được gì từ bi kịch gia đình của cử nhân 33 tuổi thất nghiệp ăn bám cha mẹ?

Khanh Khanh • 18-11-2023 • Lượt xem: 1270
Chúng ta học được gì từ bi kịch gia đình của cử nhân 33 tuổi thất nghiệp ăn bám cha mẹ?

Câu chuyện về bi kịch của một nữ cử nhân 33 tuổi vẫn sống bám cha mẹ được phát sóng trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV khiến nhiều người phải suy ngẫm. Trong video phỏng vấn, gia đình của Kim Thành vẫn không ngăn được việc xảy ra tranh cãi và thậm chí mắng con gái trên sóng truyền hình. 

Nhân vật chính trong câu chuyện là Phạm Kim Thành, cô gái 33 tuổi có xuất thân từ một gia đình làm nông ở ngoại ô thành phố Đường Sơn (tỉnh Hà Bắc). Kim Thành là con gái thứ hai, cha mẹ sinh ra cô trong bối cảnh Trung Quốc đang áp dụng kế hoạch hóa gia đình (chính sách một con). Chính áp lực này đã khiến bố cô mất việc, ông chỉ có thể quay về làm nông để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, họ vẫn đặt cho cô cái tên “Kim Thành” và đặt toàn bộ niềm tin về sự thành tài của cô con gái sau này.

Thay vì đáp lại những kỳ vọng như cái tên cha mẹ đặt cho, Kim Thành lại hết lần này đến lần khác khiến cả gia đình thất vọng. Ở độ tuổi 33, cô vẫn sống dựa dẫm vào cha mẹ với lí do chưa tìm được công việc phù hợp dù đã có bằng đại học cách đây 10 năm. 

"Bố mẹ đánh gãy đôi cánh của tôi từ nhỏ nhưng lại trách tôi không biết bay" 

Như bao đứa trẻ khác, Kim Thành luôn là niềm mong mỏi lớn lao của cha mẹ. Ngay từ cấp bậc tiểu học, điểm số và thái độ của cô luôn nhận được đánh giá cao từ giáo viên. Tuy nhiên, tất cả mọi sự cố gắng của Kim Thành vẫn không được cha mẹ mình công nhận vì nó không đạt được mức mà họ đặt ra. 

Lâu dần, Kim Thành sống khép mình hơn. Lên cấp 2, cô đặc biệt có niềm say mê với vẽ tranh và thiết kế. Ai nấy đều khen ngợi, duy chỉ có mẹ cô luôn cho rằng đó là “những thứ không đâu” và không thể giúp ích được gì. Mỗi lần thấy Kim Thành vẽ tranh, bà sẽ mắng, thậm chí là đánh. 

Dưới áp lực đó, thành tích những năm trung học của Kim Thành ngày càng giảm sút và đỉnh điểm là trượt đại học. Sau 3 năm ôn luyện, cuối cùng Kim Thành cũng vào được đại học theo đúng chuyên ngành thiết kế mà cô thích. Dẫu thế, Kim Thành luôn cảm thấy tự ti vì thành tích của mình kém xa các bạn đồng trang lứa. Sau đó, cô được nhận thực tập ở công ty thiết kế nhưng cũng chóng vánh thôi việc vì sự nhạy cảm của bản thân và thiếu kỹ năng xã hội. 

Nhận thức được việc mình không đi làm là sai, Kim Thành xin cha mẹ cho mình đi học khóa đào tạo tâm lý trong ba tháng. Nhưng công việc cũng nhanh chóng kết thúc với lý do tâm trạng không tốt, không phù hợp để nói chuyện với khách hàng. Đây chính là lúc gia đình Kim Thành rơi vào những cuộc tranh cãi gay gắt không hồi kết. Riêng Kim Thành khăng khăng với ý nghĩ rằng thất bại của cô ngày hôm nay bắt nguồn chính từ sự hà khắc của cha mẹ.

Và những ngày tháng tiếp theo, cô buông thả bản thân như một phương thức trả thù gia đình bằng cách chỉ ở nhà ngủ và xem ti vi. Song song với đó là những lời chửi rủa, xúc phạm đến từ cha mẹ. Lâu dần, những vấn đề trong gia đình không có cách nào giải quyết và tâm lý của Kim Thành ngày càng tệ hơn. 

Lắng nghe – Thấu hiểu

Trong một chương trình của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc năm 2017, gia đình Kim Thành đã có dịp ngồi lại và nói về những mâu thuẫn đã diễn ra. Lúc này cô cũng đã 33 tuổi và thất nghiệp được 10 năm và vẫn “ăn bám” như cách cha mẹ cô hay nói. Ngay trên sóng truyền hình vẫn là câu chuyện tranh cãi suốt 10 năm qua, giữa một bên cần được lắng nghe và một bên cần được thấu hiểu. 

Cha mẹ Kim Thành cho rằng những mong muốn của họ chỉ mong cho cô tốt hơn, có công việc ổn định để đáp ứng cho cuộc sống như cô hằng mơ ước. Tuy nhiên về phía Kim Thành, cô cho đó là áp đặt và nói rằng chính sự hà khắc đó của cha mẹ đã khiến cô thất bại như hiện tại.

Nhờ vào những lời khuyên và những giải pháp tâm lý của chuyên gia đến với Kim Thành và gia đình, sau vài giờ trò chuyện cô cùng đã có cái nhìn khách quan hơn và hứa sẽ tìm việc sau khi về nhà. 

Lời yêu thương cũng là một cách nuôi dưỡng và chữa lành tâm hồn

Không quá khó để bắt gặp những trường hợp chê bai con cái trước đám đông hoặc phủ nhận những thành quả nhỏ nhặt mà con đạt được ở hầu hết các gia đình. Và Kim Thành là một ví dụ điển hình cho phương pháp giáo dục con sai cách. Không có gì là sai nếu các bậc cha mẹ đặt kỳ vọng vào con mình, nhưng thay vì biến động lực trở thành áp lực sẽ khiến tâm lý con phát triển không bình thường. 

Bi kịch của gia đình Kim Thành là hồi chuông cảnh tỉnh đến các bậc phụ huynh. Gia đình là môi trường nền tảng giúp trẻ nhỏ phát triển toàn diện, để trẻ phát triển khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Các bậc cha mẹ nên thường xuyên động viên và nói lời yêu thương đến con. Dù ở bất cứ lứa tuổi nào, lời yêu thương bao giờ cũng mang sức mạnh rất lớn, nó có thể chữa lành con người nhưng đôi khi cũng có thể giết chết con người.