ĐỜI SỐNG

Chuyên gia nói gì khi bác sĩ đi làm thêm?

Nguyễn Hậu • 09-10-2022 • Lượt xem: 240
Chuyên gia nói gì khi bác sĩ đi làm thêm?

Những ngày gần đây sự việc y bác sĩ của một bệnh viện ở TP.HCM đi làm thêm ở một phòng khám tư của tỉnh Tiền Giang đã gây ra nhiều tranh luận trái chiều. Vậy hành động của bác sĩ có vi phạm quy định hay không, hãy lắng nghe các chuyên gia giải đáp.

Câu chuyện đi làm thêm của bốn bác sĩ tại bệnh viện Thủ Đức vừa qua đã gây xôn xao dư luận với những luồng ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng việc đi làm thêm ở phòng khám tư chưa xin phép, chưa được sự đồng ý của giám đốc bệnh viện là sai. Có ý kiến cho rằng hiện nay thu nhập của bác sĩ thấp nên nhu cầu làm thêm bên ngoài là chính đáng. Theo giải trình của bốn bác sĩ này thì do không nắm được quy định của pháp luật nên đã tự ý sắp xếp thời gian ca trực để đi làm thêm và chưa báo cáo, xin phép lãnh đạo bệnh viện Thủ Đức. Nguyên nhân đi làm thêm của bốn bác sĩ trên là do khó khăn về kinh tế.

Vậy việc bác sĩ đi làm thêm là đúng hay sai?

Theo Sở y tế TP.HCM cho biết căn cứ vào điều 14 luật viên chức 2010 quy định rõ quyền của viên chức về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian quy định cụ thể như sau:

1. Được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.

Căn cứ vào kế hoạch triển khai thực hiện việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong ngành y tế thành phố được Sở y tế TP.HCM ban hành ngày 17-7-2018 nêu rõ: “Không để xảy ra tình trạng công chức, viên chức, người lao động tham gia khám bệnh, chữa bệnh ngoài giờ hành chính tại các cơ sở y tế ngoài công lập khi chưa được người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý”. Trong bản kế hoạch này Sở y tế TP.HCM yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành y tế TP.HCM phải kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời đối với các cá nhân, tập thể vi phạm.

Theo bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, Trưởng khoa nội soi - tiêu hóa bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM chia sẻ: Sau giờ làm việc hành chính từ 16h30 - 17h trở đi bác sĩ có thể làm thêm tại phòng mạch tư, phòng khám đa khoa. Ngoài ra bác sĩ cũng có thể làm giờ hành chính tại các phòng khám tư từ 1-2 ngày/ tuần nếu đổi được ca trực với các đồng nghiệp. Tuy nhiên phải xin phép lãnh đạo bệnh viện nơi mình làm việc để thuận tiện cho công việc quản lý của bệnh viện.

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết: quy định của Sở Y tế TP.HCM không cấm các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề làm thêm ngoài giờ làm chính tại cơ sở y tế mình đang công tác. Thủ tục xin làm việc ngoài giờ tại các cơ sở y tế đều rất dễ dàng, chứ không có gì khó khăn. Các bệnh viện, các cơ sở y tế đều tạo điều kiện cho bác sĩ, nhân viên y tế làm việc ngoài giờ để có thêm thu nhập.

Căn cứ vào các quy định của pháp luật đã nêu trên, và ý kiến của các chuyên gia cũng như bản tường trình của bốn bác sĩ thì việc đi làm thêm của bốn bác sĩ là sai về lý. Nhưng xét về tình thì nên có sự cảm thông. Bởi ngành y tế là ngành có thời gian học dài, chi phí học cao hơn so với các ngành khác. Hơn thế nữa còn phải chịu áp lực cao, rủi ro lớn mà mức lương thấp không thể trang trải cuộc sống. Trong khi đó mức lương tư nhân lại cao hơn rất nhiều so với công lập nên việc đi làm thêm, thậm chí nghỉ việc bệnh viện công sang tư làm rất dễ xảy ra.