ĐỜI SỐNG

Chuyện nhà rộng - hẹp, không chỉ là không gian sống

Bài và ảnh: Hà Thành • 25-09-2023 • Lượt xem: 1343
Chuyện nhà rộng - hẹp, không chỉ là không gian sống

Khi nói chuyện xây nhà, làm nhà; một trong những thông tin đầu tiên được trao đổi, dù là giữa chủ nhà với kiến trúc sư, hay chủ nhà với người quen, bạn bè – là vấn đề diện tích, quy mô. Câu hỏi: “Đất rộng không?”,  “Xây nhà bao nhiêu mét vuông?”, “Xây mấy lầu?”… là những câu hỏi thường nghe, thường thấy. Đúng, không thể phủ nhận, diện tích là một trong những yếu tố tiên quyết vấn đề rộng - hẹp. Nhưng diện tích không phải là yếu tố duy nhất để làm nên một ngôi nhà rộng hay hẹp.

Về vấn đề đất đai, rộng - hẹp còn phụ thuộc vào cả hình đất xây dựng. Một “cuộc đất” có diện tích (được cho) là lớn, nhưng lại hẹp và dài; thì cũng bị xếp vào dạng hẹp. Ngược lại, có cuộc đất rộng mặt tiền thôi, nhưng lại nông, thiếu chiều sâu; thì cái rộng này e chừng cũng chưa đủ đầy, trọn vẹn.

Rộng - hẹp, với nhà ở nói chung, có vẻ là khái niệm mang ý nghĩa định lượng bởi gắn liền với con số, với diện tích, nhưng thực chất chỉ tương đối. Cũng với một “định lượng” như vậy, với người này có thể là rộng, với người kia có thể là hẹp; ở chỗ này có thể là rộng, chỗ kia có thể là hẹp… Nhưng dường như rộng - hẹp vẫn là yếu tố được đem ra để đong đếm, so sánh về chất lượng, đẳng cấp trong việc xây nhà. Chẳng thế mà người ta vẫn thường khoe nhau: Tôi xây nhà mấy chục, mấy trăm mét vuông; mấy tầng lầu…, như thể để… hù doạ; còn ngôi nhà như thế nào, công năng, hình thức, môi trường, cảnh quan, các yếu tố khác liên quan… bị xếp đằng sau, được đề cập sau.

Tư duy “mặt bằng”, tư duy “mét vuông” đi sâu vào tiếp trong ngôi nhà với những phòng ốc, không gian chức năng cụ thể, với sự đo đếm, so sánh: Phòng ngủ bao nhiêu mét vuông, phòng bếp bao nhiêu mét vuông?... Và số “mét vuông” đó sẽ quyết định, ấn định cho người ta là rộng hay hẹp. Từ đó có thể... tự hào hay ngậm ngùi về ngôi nhà, cơ ngơi của mình!?

Một ngôi nhà rộng rãi, sáng sủa là mơ ước của bất kỳ ai.

Trong những năm gần đây; thị trường thiết kế nhà ở tư nhân ngày càng phát triển. Người dân đã biết tìm đến kiến trúc sư nhiều hơn, thay vì việc tự loay hoay thiết kế cùng chủ thầu xây dựng. Người ta đã biết sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp để có một sản phẩm – ngôi nhà có giá trị đích thực về kiến trúc (trên nhiều phương diện), biết tận hưởng giá trị của kiến trúc đem lại cho cuộc sống.

Chất lượng một ngôi nhà không chỉ là vấn đề diện tích, rộng - hẹp nữa, mà còn phụ thuộc vào các yếu tố khác, với yêu cầu ngày càng khắt khe hơn. Người ta đã biết tự tin để ít đặt câu hỏi với kiến trúc sư theo kiểu: “Đất nhỏ thể này có làm được (đẹp) không?”; hay không còn tự ti khi nói với bạn bè về ngôi nhà mới của mình: “Đất nhỏ nên chỉ được có vậy thôi!”  Thậm chí, ngược lại, người ta có thể tự hào về cuộc đất bé, ngôi nhà nhỏ của mình mà có chất lượng thẩm mỹ cao, có giá trị công năng sử dụng tốt, đáp ứng được những nhu cầu thiết thực và nhu cầu tinh thần trong cuộc sống.

Một ngôi nhà, hay một không gian, phòng chức năng cụ thể rộng hay hẹp - tất nhiên không thể bỏ qua yếu tố diện tích; nhưng còn phụ thuộc vào việc tổ chức không gian, bài trí nội thất, ánh sáng, sự kết nối với cảnh quan, môi trường và các không gian liên quan khác. Điều này cần tới bàn tay của kiến trúc sư. Ngoài ra, nó còn phụ thuộc vào cả thói quen sinh hoạt, cách nhìn, cách nghĩ, văn hóa của mỗi người. Xét một cách khách quan, có những ngôi nhà, những không gian tưởng rộng (về diện tích) mà sao vẫn thấy hẹp; có những chỗ tưởng hẹp, nhỏ bé mà lại thấy rộng rãi, thênh thang, thoáng đãng. Một căn phòng rộng mà lúc nào cũng phải che kín rèm cửa (vì nếu mở ra là thấy ngay “ông hàng xóm” đối diện cùng ngõ kề sát mặt), chắc chắn sẽ “chật” hơn nhiều với một căn phòng nhỏ mà cửa sổ mở rộng nhìn ra một khu vườn xanh. Một căn phòng rộng mà bố trí nội thất không hợp lý, hoặc ngồn ngộn quá nhiều đồ cũng sẽ trở thành chật. Một không gian thiếu ánh sáng, thông thoáng cũng cho người ta cảm giác chật chội, bức bối…

Rộng, nhiều khi cũng thấy… trống trải nếu không có giải pháp nội thất hợp lý.

Nhà ống -  nhà hẹp - kiến trúc điển hình trong đô thị ngày nay. Nhưng nếu biết cách làm thì diện tích nhỏ vẫn cho những không gian thoáng đãng, thẩm mỹ.

Mở ra khoảng xanh, không gian rộng hơn.

Ông cha ta xưa có câu “Ăn thì nhiều chứ ở hết bao nhiêu”. Có thể hiểu rằng ngày xưa vấn đề ăn quan trọng hơn ở, và sự khó khăn về kinh tế - liên quan trực tiếp đến miếng ăn nên ăn cần thiết hơn, “có thực mới vực được đạo”. Nhưng câu đó cũng hàm ý về sự linh hoạt trong nơi chốn sinh hoạt, tổ chức không gian sống và khái niệm rộng - hẹp chỉ là tương đối. Ngày nay, khi “ăn” không còn là vấn đề quá khó khăn nữa, thì môi trường sống, không gian sinh hoạt, ngôi nhà… vấn đề ở được chú trọng nhiều hơn, điều đó hoàn toàn hợp lý. Và trong những yếu tố để tạo nên chất lượng tốt cho một không gian sống, một ngôi nhà, chính là yếu tố “rộng”. Ai chả muốn nhà rộng?!

Nhưng xem ra cho tới giờ, điều đó cũng vẫn chỉ là tương đối. Có chắc “rộng” đã làm người ta sung sướng hơn, thoải mái hơn, hạnh phúc hơn không? Anh bạn tôi xây nhà mới, chuyển sang nhà mới lâu lâu rồi, vẫn kêu không quen vì thấy… rộng quá, trống trải quá; và nhớ ngôi nhà cũ nhỏ bé cùng bao kỷ niệm gắn bó. Rất nhiều người có cảm giác như vậy! Và trong cuộc sống hiện đại này, với phương tiện thông tin cá nhân, với thông tin đến tận mỗi giường ngủ; cùng sự riêng tư của mỗi người… thì hình như cái sự “rộng” lại làm con người càng xa cách nhau hơn, thiếu sự kết nối cần thiết. Vậy thì, rộng - hẹp không chỉ mang ý nghĩa định lượng, mà là định tính nữa.

Nếu thử nhìn ở một góc độ khác, thuần túy về vấn đề chuyên môn. Chất lượng sống của người dân đô thị, được cải thiện hơn, thông qua số diện tích ở/người ngày càng tăng. Như vậy nghĩa là nhà ở nói chung đã rộng hơn, phòng rộng hơn… Nhưng thực tế cho thấy những không gian khác cứ “hẹp” đi: Những con đường, những con ngõ, những khoảng xanh… Tất cả đều đang chật hẹp, bức bối… Người ta vơ thêm một chút rộng cho nhà mình và làm hẹp đi con ngõ, làm hẹp đi khoảng trời. Người ta tận dụng thêm một chút diện tích sàn kinh doanh cho rộng hơn, và làm hẹp đi không gian của phố…

Tôi chợt nhớ phố cổ Hội An, nhớ những con phố nhỏ, những ngôi nhà, và đặc biệt là những con ngõ. Hội An nhỏ bé, những con ngõ nhỏ bé theo đúng nghĩa đen, mà sao đi ở đó, đứng ở đó không thấy hẹp, luôn có một cảm giác thân thuộc, gần gũi, bình yên.

Tôi nhớ ở đâu đó, ai đó nói rằng: “Rộng - hẹp là bởi lòng người”. Với tôi, có lẽ điều đó là đúng!

Giếng trời, giải pháp “hy sinh” diện tích nhưng ”được” nhiều, trong đó có yếu tố rộng và thoáng.

Hẹp nhà, hẹp ngõ, hay hẹp… lòng người?

Những con ngõ hẹp ở khắp mọi nơi trong đô thị.

Ngõ (kiệt) ở Hội An rất hẹp , nhưng dường như con người ta không thấy chật chội, bức bối, mà là cảm giác gần gũi, bình yên.