Trong cuộc sống, mỗi người đều mang trong mình những câu chuyện riêng, những nỗi đau âm thầm mà không phải ai cũng thấy. Một câu chuyện đáng suy ngẫm về tổn thương tâm lý bắt đầu từ một chàng trai bị bạn học bắt nạt, dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng trong cuộc sống. Hành trình tìm kiếm sự chữa lành của anh không chỉ là một cuộc chiến với bản thân, mà còn mở ra những góc nhìn mới về sức khỏe tâm thần và cách mà chúng ta đối xử với nhau. Qua câu chuyện này, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá sự nhạy cảm trong tâm hồn con người và những bài học quý giá về lòng nhân ái và sự thấu hiểu.
Mình từng đọc một cuốn sách về chấn thương tâm lý, trong đó có một câu chuyện đáng suy ngẫm về một chàng trai bị bạn học bắt nạt khi đang học trung học. Những tổn thương tâm lý đã khiến anh không thể tiếp tục tái hòa nhập xã hội cũng như tham gia việc học. Để chữa bệnh cho mình, anh tham gia trị liệu tâm lý, một quyết định mà không phải ai cũng dám thực hiện (vì đâu đó trong xã hội luôn nhìn nhận đàn ông là phái mạnh, chẳng ai muốn thừa nhận mình là một người dễ tổn thương và yếu đuối).
Ảnh: Freepik
Khi anh ta buộc phải dừng lại việc học, khép mình ở bệnh viện điều trị ở tuổi mười tám - đôi mươi, thì người bắt nạt anh sau này đã trở thành một doanh nhân thành đạt. Và đến bệnh viện anh đang điều trị để làm nhà tài trợ cho một dự án mang tên là tâm kịch*.
*Tâm kịch là phương pháp trị liệu tâm lý do Jacob L. Moreno xây dựng vào những năm 1920 trong đó thông qua việc diễn kịch những mâu thuẫn, tâm tư bị dồn nén được bộc lộ và giải tỏa.
Liệu pháp tâm kịch thường được sử dụng theo nhóm, mỗi thành viên trong nhóm cũng là chủ thể trị liệu cho các thành viên khác trong nhóm.
Trong tâm thần học, liệu pháp tâm kịch có thể được sử dụng trong hỗ trợ điều trị rối loạn cảm xúc, ám sợ, rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn ăn uống, lạm dụng nghiện chất...
Tại đó, người doanh nhân ngồi ở hàng ghế khán giả, nhìn bệnh nhân làm biên kịch để diễn tả lại cảnh anh ta từng bị bạn bắt nạt thời trung học. Những người bạn nhốt anh vào nhà vệ sinh, đánh đập, cười cợt và lấy đi chiếc quần đang mặc khiến anh không thể thoát ra khỏi đó. Trong vở kịch của anh, ngoài sự tổn thương khi bị người khác bắt nạt, còn có sự tự trách, xấu hổ và bất lực khi bản thân đã không bảo vệ được tự tôn và "chiếc quần" của chính mình.
Anh tạo nhân vật đóng vai chiếc quần ở xa mình nhất, ngoài tầm với và vẫn luôn đứng đó, nhưng anh không thể nào tìm thấy hay mang nó về bên cạnh mình.
Khi anh đến trước mặt và hỏi người doanh nhân đang dửng dưng thưởng thức vở kịch kia và hỏi rằng: "Chiếc quần của tôi đâu?", câu hỏi như hàm chứa nhiều điều: Tự tôn của tôi đâu? Tại sao lại tước đoạt thể diện, sự tự tin của tôi? Tại sao lại bắt nạt tôi?
Khi người doanh nhân biết mình cũng là một nhân vật trong vở kịch kia. Ký ức của anh ta chỉ mơ hồ, không nhớ rõ. Anh ta cũng không chắc là mình đã từng đối xử với bạn học cấp ba như vậy.
Tuy vậy dù đã thừa nhận thì anh ta cho đó là việc không đáng kể, chẳng đến mức phải buồn hay trầm cảm.
Người bệnh nhân kia khi về đã viết một bài thơ rất dài (anh ta rất có năng khiếu về lĩnh vực này, nếu không mắc căn bệnh về tâm thần thì có thể đã trở thành một tác giả thành công), cuối bài thơ có một câu được lặp lại nhiều lần:
"Họ làm tổn thương người khác, rồi họ quên đi".
Câu chuyện này không chỉ đơn thuần là một ví dụ cá nhân mà còn phản ánh một thực trạng lớn hơn trong xã hội. Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quốc gia về Sức khỏe Tâm thần (NIMH), khoảng 20% thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 13 đến 18 trải qua các vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong đó có chấn thương tâm lý do bị bắt nạt. Những người bị bắt nạt có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu và giảm khả năng tự tin trong giao tiếp xã hội.
Chúng ta ai cũng nhạy cảm ở một vấn đề nhất định: có người sẽ dị ứng mùi hương, lông chó mèo, có người sẽ dị ứng với một số thức ăn hoặc thành phần thuốc nhất định. Và cũng sẽ có người tâm lý rất dễ tổn thương. Mỗi người có một sức khỏe tinh thần khác nhau nên đừng đánh đồng khả năng chịu đựng hay sức sát thương trong lời nói và hành động của bạn đối với người khác. Vì có thể với bạn đó là chuyện chẳng đáng kể, nhưng có thể với ai đó, đó là vết thương mà phải rất lâu sau đó họ mới có thể chữa lành được.
Ảnh: Freepik
Hãy luôn cẩn trọng với những gì ta nói, cách ta đối xử với người khác. Bởi có những vết thương không hiện hữu ngoài da nhưng lại khắc sâu trong tâm trí, chỉ chờ thời gian giúp hàn gắn. Hãy nhớ rằng, trong mỗi con người, có thể có những câu chuyện mà ta không biết, những nỗi đau mà ta không thể nhìn thấy. Đối xử với người khác như cách mà bạn muốn người khác đối xử với mình!