ĐỜI SỐNG

Công nghệ da điện tử siêu học giúp gõ máy tính không cần bàn phím

Trung Tú • 10-01-2023 • Lượt xem: 839
Công nghệ da điện tử siêu học giúp gõ máy tính không cần bàn phím

Theo Bộ Khoa học và CNTT Hàn Quốc, tháng 12 vừa qua các nhà khoa học đã nghiên cứu và phát triển thành công công nghệ da điện tử siêu học (meta-learning electric skin technology). Đây là công nghệ đầu tiên trên thế giới cho phép người dùng có thể gõ máy tính dễ dàng mà không cần đến sự trợ giúp từ bàn phím.

Nhóm nghiên cứu bao gồm giáo sư Jo Sung-ho - hiện đang giảng dạy tại Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), giáo sư kỹ thuật hóa Zhenan Bao và giáo sư kỹ thuật cơ khí Ko Seung-hwan đã mất rất nhiều thời gian để có thể phát triển thành công công nghệ này. Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu và áp dụng một cơ chế mới với tên gọi là “xịt lên da thông minh”. Nhóm nghiên cứu sẽ áp dụng phương pháp này để phun một lượng chất lỏng lên da. Lượng chất lỏng này sẽ phản ứng với điện để in một tấm lưới cảm ứng có độ dài từ cẳng tay đến mu bàn tay. Khi bàn tay chuyển động, tấm lưới cảm ứng sẽ ghi nhận và phát ra tín hiệu điện. Các tín hiệu điến phát ra sẽ được một mô-đun Bluetooth ở cuối phần lưới trên tay ghi nhận. Toàn bộ thông tin thu thập được sẽ truyền đến một máy tính không dây đã được thiết lập sẵn.

Làn da thông minh dạng xịt

Tiếp đến, nhóm nghiên cứu sẽ ứng dụng công nghệ AI để giúp cho máy tính nhanh chóng học được các chuyển động cơ bản của bàn tay. Quá trình này khá phức tạp và cần rất nhiều thời gian, nhưng cuối cùng nhóm nghiên cứu cũng đã thành công.

Họ xác nhận rằng việc áp dụng cơ chế “xịt lên da thông minh” đã thành công trong viêc giúp người dùng gõ máy tính mà không cần bàn phím. Thậm chí nhóm nghiên cứu còn khẳng định rằng cách thức này cũng có thể giúp cho người dùng có thể dễ dàng vẽ trên máy tính mà không cần phải thao tác qua chuột hay bàn phím.

Bộ Khoa học và CNTT Hàn Quốc cho rằng điểm yếu của các thiết bị sử dụng công nghệ da điện hiện nay là có kích thước khá lớn và chưa thật sự linh hoạt. Ngoài ra, cấu trúc của các thiết bị này hiện vẫn chưa phù hợp với các cử động của khớp tay, khớp chân cơ thể người. Không những vậy, theo các nhà nghiên cứu thiết bị đeo hiện nay vẫn chưa thể mở rộng sang các lĩnh vực khác vì gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc đáp ứng những nhu cầu khác nhau của người dùng.

Nghiên cứu mới này được Bộ Khoa học và CNTT đánh giá là khá linh hoạt vì có bộ cảm biến được phun lên da trực tiếp. Bên cạnh đó, nghiên cứu này còn khắc phục được điểm yếu cố hữu của các thiết bị hiện tại đó là hạn chế được tình trạng thu thập dữ liệu chuyển động hàng loạt.

Nghiên cứu này là sự kết hợp thành công của công nghệ da điện và trí thông minh nhân tạo AI. Giáo sư Ko Seung-hwan và giáo sư Jo Sung-ho cho biết, nghiên cứu này sẽ được ứng dụng vào các lĩnh vực như điều trị từ xa, nghiên cứu và phát triển robot và cả lĩnh vực siêu dữ liệu.