ĐỜI SỐNG

Công nghệ đốt rác phát điện – giải pháp hiệu quả cho môi trường Việt Nam

Lan Hương • 02-08-2022 • Lượt xem: 283
Công nghệ đốt rác phát điện – giải pháp hiệu quả cho môi trường Việt Nam

Sản xuất điện từ rác ngày nay không còn quá xa lạ với các nước tiên tiến trên thế giới. Giải pháp này đem đến những thành công nhất định tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ… Góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu ô nhiễm và tăng xử lý, tận dụng tài nguyên rác một cách triệt để. Với Việt Nam, liệu giải pháp này có đáp ứng được kỳ vọng về giải quyết các vấn đề xử lý rác thải ngày càng quá tải như hiện nay?

Theo con số thống kê hàng năm, lượng rác thải ra trong một ngày tại Việt Nam là rất lớn, bình quân khoảng 34.000 tấn chất thải sinh hoạt nông thôn và khoảng 35000 tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị. Với các thành phố lớn như Hà Nội hay tp Hồ Chí Minh thì một ngày lượng rác thải có thể lên tới 7000 – 8000 tấn rác thải.

Với số lượng rác thải khổng lồ như thế nhưng hiện nay tại Việt Nam, chỉ có khoảng 85% được xử lý bằng công nghệ chôn lấp. Việc này dẫn đến nhiều hệ lụy như lãng phí, ô nhiễm nguồn nước, không khí…, ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của các loài sinh vật tự nhiên và đời sống con người. Đặc biệt, chôn lấp rác thải còn đòi hỏi tiêu tốn nhiều quỹ đất, việc này rất nan giải với các thành phố lớn trước tình trạng đất chật người đông như hiện nay.

Đứng trước một lượng rác thải khổng lồ như vậy, tiềm năng biến rác thành tài nguyên và cụ thể là điện năng ở Việt Nam là rất lớn. Theo các nhà nghiên cứu về môi trường và điện năng, mô hình đốt rác thải để tạo ra điện đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Bởi nó mang đến nhiều ưu điểm nổi bật chẳng hạn như có thể giảm được 90 – 95% lượng chất thải, giảm được khí nhà kính, giảm ô nhiễm, mùi hôi và có thể tận dụng được năng lượng nhiệt.  

Mô hình đốt rác phát điện không phải mới mẻ ở nhiều nước tiên tiến, công nghệ này hoạt động theo một quy trình cơ bản bao gồm thu gom phân loại và xử lý rác một cách chuyên nghiệp.

Rác chúng ta thải ra thường ngày bao gồm tổng hợp các loại chất liệu từ sành sứ, kim loại, rác hữu cơ, nilon, giấy, nhựa, và thậm chí là cát đá, vật liệu xây dựng… Với đặc tính đa dạng như vậy, rác thải cần được phân loại trước khi xử lý để đảm bảo tận dụng được tất cả các nguồn lợi từ rác hiện nay:

+ Với rác chứa nilon, nhựa, cao su, vải vụn,… loại rác này chứa nhiều chất cháy. Sau khi được phân loại kỹ càng, các chất này được tách cho ráo nước, sau đó đem sấy khô rồi nghiền thành viên nhiên liệu hoặc đốt để chuyển thành điện.

+ Với rác quá ẩm hoặc ít thành phần cháy được, đa phần là rác hữu cơ thì việc đốt rác sẽ không hiệu quả bởi lượng nhiệt thu được là không đủ và quá trình cháy sẽ không tiếp diễn lâu dài. Phân loại rác hữu cơ để có thể chôn lấp đúng kỹ thuật, ủ phân hữ cơ, ngâm ủ để sinh ra khí CH4 sau đó đốt cháy trong lò hơi…

+ Các chất trơ như vật liệu xây dựng, sành sứ, thủy tinh có thể đưa đi chôn lấp.

+ Ngoài ra phân loại rác còn có thể loại ra các sản phẩm tái chế hoặc tái sử dụng, kim loại có thể đem bán…

Công nghệ đốt rác phát điện hiện nay bao gồm hai phương án chính

Đốt rác phát điện từ nguồn rác có nhiệt trị cao

Rác được phân loại kỹ càng ngay từ khâu phân loại tại nguồn, nên nguồn năng lượng thu được là rất lớn. Mô hình này đang được áp dụng tại các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu…

Đốt rác phát điện từ nguồn rác có nhiệt trị thấp

Với phương án này, rác thải sẽ được phân loại sơ bộ (nguồn rác tổng hợp đã loại trừ sành, sứ, kim loại, thủy tinh), Phương pháp này sẽ cho lượng nhiệt thu hồi được ít hơn, tỷ lệ tro đáy cao hơn  à phù hợp với điều kiện hiện tại của Việt Nam. Hiện nay đã có nhiều nhà máy đang áp dụng công nghệ này tại khắp các tỉnh thành Việt Nam

Mới đây, nhà máy điện rác Thiên Ý tại Sóc Sơn (Hà Nội) đã chính thức vận hành giai đoạn 1 vào ngày 25/7. Cho thấy tiềm năng phát triển mô hình điện rác tại Việt Nam đang có hướng đi rất tốt.

Những thách thức của mô hình này tại Việt Nam

Đốt rác để phát điện là mô hình vừa có thể xử lý được lượng rác thải khủng khiếp con người thải ra mỗi ngày, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và chuyển hóa chúng thành năng lượng. Hơn thế, công nghệ đốt rác phát điện còn góp phần thúc đẩy sự tuần hoàn nền kinh tế. Quả thật đây chính là biện pháp tối ưu hơn cả.

Tuy nhiên với thực trạng phân loại rác tại nguồn hiện nay chưa được nhất quán của đất nước ta, có thể thấy được đây chính là khó khăn lớn nhất cần được khắc phục. Bên cạnh đó, ngoài vấn đề vốn và lựa chọn công nghệ phù hợp, các chính sách, giá mua điện, quy hoạch, quy trình thủ tục… cần được hỗ trợ nhiệt tình từ các ban ngành lãnh đạo để mô hình này được đẩy mạnh và đem lại hiệu quả cao.