Theo thông tin từ tạp chí Nature Medicine, một nhóm các nhà nghiên cứu đã ứng dụng thành công công nghệ kích thích tủy sống để giúp những bệnh nhân bị tai biến mạch máu não. Theo nhóm nghiên cứu, công nghệ đột phá này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho những bệnh nhân bị yếu cơ, tê liệt ở tay hoặc chân có thể cử động tay, chân một cách có chủ ý.
Heather Rendulic bị liệt hoàn toàn nửa người bên trái sau một cơn đột quỵ. Điều này khiến cô gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Cô không thể tự buộc dây giày, tự cắt thức ăn hay đánh máy vì sau nhiều năm cánh tay trái của cô vẫn không thể cử động được.
Nhưng điều bất ngờ đã xảy đến khi cô đồng ý tham gia vào nhóm nghiên cứu công nghệ đột phá về kích thích điện tủy sống. Sau một tháng, cánh tay trái của cô đã có thể vận động trở lại. Giờ đây, Rendulic có thể mở ổ khóa bằng chìa, tự cắt thức ăn, thậm chí là có thể vẽ cả bản đồ Italy.
Tai biến mạch máu não nguy hiểm như thế nào?
Vào tháng 12/2021, Heather Rendulic phải đến bệnh viện để kiểm tra khi cô cảm thấy ngứa ran nửa bên trái cơ thể. Bác sĩ chẩn đoán cô bị u mạch dạng hang. Tuy nhiên, do mạch máu nằm quá sâu trong não nên bác sĩ không thể phẫu thuật.
Thực tế, nhiều người bị u mạch hang như Rendulic vẫn có thể sống và sinh hoạt bình thường. Nhưng điều may mắn đã không xảy ra với Rendulic, cô xuất huyết đến 5 lần trong 11 tháng tiếp theo. Lần cuối cùng là một cơn tai biến đã làm nửa bên trái cơ thể cô không thể cử động được.
Biến cố này đã khiến cô gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, mọi sinh hoạt đều phải nhờ đến chồng cô giúp đỡ. Cô không thể tự mặc quần áo, tự buộc dây giày hay thậm chí là tự cắt đồ ăn. Những điều này khiến cô vô cùng mệt mỏi và chán nản.
Theo tạp chí Wired của Mỹ, tai biến mạch máu não là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tê liệt ở người trưởng thành. Tai biến mạch máu não sẽ xảy ra khi nguồn máu cung cấp lên não bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm do mạch máu bị tắc hoặc vỡ. Tùy theo mức độ tổn thương não mà sau tai biến, người bệnh sẽ bị tê liệt, suy giảm trí tuệ, gặp các vấn đề về khả năng nói…
Niềm hy vọng cho những bệnh nhân tai biến mạch máu não
Để giúp các bệnh nhân tê liệt chân tay có thể cử động được, các nhà nghiên cứu sẽ cấy các điện cực bằng kim loại đã được kết nối với hệ thống kích thích dọc theo tủy sống của bệnh nhân. Khi dùng dòng điện để kích thích, những bệnh nhân bị tê liệt chân tay đã có thể cử động ngón tay, ngón chân và dễ dàng thực hiện một số động tác tay, chân có chủ ý.
Nhóm nghiên cứu sử dụng thiết bị kích thích để giúp Rendulic cử động cánh tay
Trong thời gian tham gia thử nghiệm, Rendulic được giao thực hiện rất nhiều động tác khác nhau theo mức độ dễ đến khó, ví dụ như tự di chuyển tay, chân, nắm chặt và di chuyển vật dụng bằng tay.
Khi thực hiện thí nghiệm sắp đặt đồ vật trong hộp, Rendulic có thể đạt tới 14 điểm khi có sự trợ giúp của thiết bị kích điện. Tuy nhiên, khi không có sự hỗ trợ của thiết bị, cô chỉ đạt được 6 điểm.
Sau thời gian 4 tuần thử nghiệm, Rendulic và những bệnh nhân tham gia thử nghiệm khác phải tháo thiết bị ra để kiểm tra độ hiệu quả của thiết bị kích thích.
Kết quả khiến cho nhóm nghiên cứu hết sức ngạc nhiên, nhóm bệnh nhân tham gia nghiên cứu vẫn có thể cử động tay, chân nhưng có phần chậm và kém linh hoạt hơn một chút so với khi sử dụng thiết bị kích thích.
Heather Rendulic đã có thể tự cắt đồ ăn sau khi áp dụng công nghệ kích thích tủy sống
Tiến sĩ Capogrosso, một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu vẫn chưa rõ nguyên nhân tại sao những bệnh nhân bị tê liệt chân, tay lại có thể cử động được khi đã tháo thiết bị kích thích. Theo ông, nguyên nhân có thể là do não bộ đã ghi nhớ quá trình các dây thần kinh thực hiện vận động nên bệnh nhân vẫn có thể cử động được khi không còn thiết bị hỗ trợ.
Tuy nhiên, mức giá để thực hiện một ca cấy ghép thiết bị kích thích tủy sống hiện nay là khá cao và khó tiếp cận với rất nhiều bệnh nhân. Được biệt, mức giá thực hiện ca cấy ghép hiện nay là từ 15.000-50.000 USD.