ĐỜI SỐNG

Cù lao Tắc Cậu - vị ngọt trên đất Kiên Giang

Phạm Trang • 15-08-2020 • Lượt xem: 11157
Cù lao Tắc Cậu - vị ngọt trên đất Kiên Giang

Ai đã một lần ghé tới mảnh đất Kiên Giang thì không thể không biết đến Cù lao Tắc Cậu. Nơi đây phủ một màu xanh hiền hòa bởi mô hình kinh tế ba tầng khóm – cau – dừa, tạo nên một vẻ đẹp thật trù phú và bình yên quyến rũ đến lạ.

Cù lao Tắc Cậu được bao bọc bởi hai con sông Cái Lớn và Cái Bé, thuộc huyện Châu Thành, nằm cách thị trấn Minh Lương 5 km và cách Thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang 20 km với tổng diện tích 1.700 ha. Theo những cụ cao niên ở đây, vùng đất Tắc Cậu được khai phá từ những năm 30 của thế kỷ trước, phần lớn người Hoa đến đây khai hoang, lập nghiệp.

Mô hình kinh tế 3 tầng: Khóm, cau, dừa

Tại nơi tách biệt hoàn toàn với đất liền này, người ta không những được tận hưởng nét dịu dàng của sông nước, mà còn trầm trồ thích thú với sự sáng tạo của mô hình kinh thế sinh thái 3 tầng: Khóm - cau - dừa.

Do đất ở đây có đặc tính phèn, mặn và chua rất khó để chọn cây trồng phù hợp nên trước đây đời sống kinh tế của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Đến những năm 1940, có người lấy giống khóm (thơm) từ miệt Cạnh Đền (Huyện Vĩnh Thuận - Kiên Giang) về trồng thử, thấy thích hợp nên trồng nhiều hơn. Bước sang những năm 1950 thì cây khóm đã khá phổ biến ở vùng này. Bên cạnh đó, người dân thường tận dụng hai bên bờ mương trồng xen thêm dừa hoặc cau để tăng thêm thu nhập. Dần dần, họ nhận thấy có thể kết hợp trồng ba loại cây trên cùng một diện tích đất. Từ đó, mô hình kinh tế 3 tầng khóm - cau - dừa ra đời. Hiện nay, hầu hết người dân nơi đây đều áp dụng rộng rãi mô hình này, với ba tầng sinh thái trên cùng một diện tích: Dừa trên cao, đến cau và dưới cùng là cây khóm.

Khóm được chất lên xe để đem đi tiêu thụ.

Các sản phẩm làm từ khóm

Khóm Tắc Cậu nổi tiếng từ lâu, bởi cái vị ngọt thanh đượm lòng người. Ai có dịp ghé qua Tắc Cậu, dù chỉ đi ngang trên đường cũng sẽ không kiềm lòng được trước mùi thơm ấy. Bởi dọc tuyến đường xuyên cù lao, là các gian hàng bày bán khóm và các sản phẩm nhà làm từ khóm như khóm sấy, bánh hoa mai, nước màu khóm... Điều đặc biệt làm nên quả khóm ngọt thơm cho cù lao này nằm ở đất và nước. Cứ tưởng đất phèn chua là bất lợi cho nông nghiệp, nhưng đối với cây khóm, đất càng chua thì sẽ cho ra quả khóm càng ngọt. Lại một điểm khác biệt nữa của khóm Tắc Cậu, nhờ được cây cau và dừa trực tiếp che đi ánh nắng, nên hình dáng thường tròn đều, bông khóm to đẹp ít bị nhỏ ở phần đầu như những vùng chỉ trồng chuyên canh. Chính nhờ những lẽ đó, mà khóm Tắc Cậu được ưa thích, giá bán cũng cao hơn nhiều so với khóm ở vùng khác. Năm 2013 khóm Tắc Cậu được nhà nước cấp chứng nhận thương hiệu tập thể.

Khóm Tắc Cậu có vỏ mềm và trái rất to

Những trái dừa sau khi thu hoạch và đang chờ để đưa đi tiêu thụ.

 Giàn hàng bày bán khóm - cau. 

Cái hay của mô hình xen canh ba tầng này là khóm- cau- dừa mỗi loại cây có điều kiện sinh trưởng khác nhau và hỗ trợ nhau. Cau và dừa vươn lên tạo bóng mát cho khóm phát triển tốt. Nhờ sự kết hợp độc đáo của mô hình này mà đời sống nhân dân nơi đây ngày một ấm no, sản phẩm thu hoạch luân phiên quanh năm. Ông Trần Minh Khải (phó trưởng ấp An Ninh) chia sẻ: “Ấp có 315 thì đã có hơn khoảng 200 hộ sinh sông bằng mô hình kinh tế 3 tầng. Nhờ có cây khóm, cây cau, cây dừa, có phương tiện di chyển mà kinh tế ở đây phát triển đi lên”. Nhờ giá tương đối ổn định lại được thu hoạch quanh năm, ba loại cây trên đã góp phần làm tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân. Những ngôi nhà khang trang mọc lên xứng đáng cho quá trình lao động miệt mài mà người nhận nơi đây xứng đáng được nhận.

Những ngôi nhà khang trang mọc lên ngày càng nhiều.

Con đường quê nho nhỏ chạy dọc bờ sông với những hàng cau lẫn dừa xanh mát. Những nếp nhà quê yên bình, tạo nên cảnh đẹp không thua kém gì thôn Vĩ Dạ ở xứ Huế của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Có những cây dừa đến nay đã 70 năm tuổi, vẫn hiên ngang đưa mình trong gió. Chúng gắn bó với người dân nơi đây như những chứng nhân lịch sử để nhìn vùng đất hoang sơ ngày nào càng thay da đổi thịt, cùng người dân vượt qua những thách thức của thiên nhiên.

Khóm - cau - dừa, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn là minh chứng cho sự cần cù của con người nơi đây. Bởi thế, mà chúng tôi gọi Cù Lao Tắc Cậu là “Vị ngọt của cần lao”.