ĐỜI SỐNG

Cung điện gió – Công trình nghệ thuật độc đáo đến kinh ngạc của Ấn Độ

Lan Hương • 08-06-2023 • Lượt xem: 928
Cung điện gió – Công trình nghệ thuật độc đáo đến kinh ngạc của Ấn Độ

Cung điện Hawa Mahal là một công trình nổi tiếng và biểu trưng của thành phố Jaipur (Ấn Độ). Trong tiếng Hindi, Hawa có nghĩa là gió, Mahal nghĩa là cung điện, cái tên chính là sự minh họa không gì thiết thực hơn cho kiến trúc độc đáo của công trình này.

Thành phố Jaipur được ví như viên ngọc ruby của vùng bán sa mạc Ấn Độ, nơi này nổi tiếng với những tòa nhà màu hồng lâu đời thu hút nhiều khách du lịch ghé thăm. Đây là thành phố được vua Sawai Jai Singh, một nhà thiên văn học quy hoạch đầu tiên. Những năm sau đó các vị vua tiếp theo cũng đã tiếp tục phát triển công trình kiến trúc nghệ thuật tại đây trở nên độc đáo, trong đó có vua Sawai Pratap Singh. Theo các nhà khoa học, Jaipur thực chất là thành phố thông minh, bền vững và đáng sống qua hàng thế kỷ.

Cung điện Hawa Mahal được xây dựng bởi Maharaja Sawai Pratap Singh, ông là vị vua thứ 5 của Jaipur và là một người có năng khiếu đặc biệt về nghệ thuật. Hawa Mahal chính là minh chứng rõ ràng cho tình yêu nghệ thuật và mang đến những bài học xây dựng bền vững của ông dành cho nhân loại.

Công trình mang kiến trúc kim tự tháp năm tầng hùng vĩ được hoàn thành vào năm 1799, nằm cách thủ đô Delhi 300km và chính là một phần của khu phức hợp cung điện thành phố Jaipur. Nhìn từ xa cung điện được thiết kế bởi kiến trúc sư Lal Chand Usta trông giống như tổ ong khổng lồ với gần 1000 cửa sổ nhỏ độc đáo.

Nhìn từ xa cung điện Hawa Mahal như một tổ ong khổng lồ với rất nhiều cửa sổ.

Nơi thu hút sự chú ý chính là mặt sau cung điện

Cung điện được xây dựng có chiều cao 26,5m với 953 cửa sổ được trang trí công phu. Các cửa sổ chính là nơi để quý bà, quý cô hoàng gia ngắm nhìn đường phố hay quang cảnh lễ hội một cách thoải mái mà không sợ người dân chú ý. Theo tập quán xã hội thời trung cổ ở Ấn Độ, phụ nữ và đặc biệt là những phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu phải che thân và ẩn mình trước cái nhìn của công chúng.

Các cửa sổ chính là nơi để các quý cô, quý bà hoàng gia ngắm nhìn khung cảnh đường phố một cách thoải mái mà không sợ dân chúng chú ý.

Hawa Mahal được xây dựng từ đá sa thạch đỏ và hồng, công trình khi được ánh nắng chiếu vào càng trở nên đặc biệt và thu hút ánh nhìn của du khách. Đã có rất nhiều người chụp hình lưu niệm trước khung cảnh tuyệt đẹp tại đây nhưng chẳng mấy ai ngờ rằng đây lại chính là mặt sau của cung điện.

Được biết nhà vua Sawai Pratap Singh là tín đồ của thần Hindu Krishna, ông đã ủy quyền cho kiến trúc sư Lal Chand Usta xây dựng một cung điện mang hình hài như vương miện của thần Krishna và Hawa Mahal chính là kết quả. Tuy nhiên, cung điện gió ngày nay còn mang ý nghĩa đặc biệt hơn thế. Với người dân tại đây, mặt sau cung điện là tuyệt tác nghệ thuật ấn tượng về thị giác. Với nhà vua đây chính là công trình huyền thoại khiến bao thế hệ người dân nhớ đến ông. Còn với những người tinh tường, cung điện chính là công trình mang đầy yếu tố kỹ thuật thông minh và hấp dẫn về thẩm mỹ.

Kỹ thuật xây dựng ấn tượng của Hawa Mahal

Hawa Mahal được xây dựng dựa trên kiến trúc Mughal và Rajput, với thiết kế hình chóp độc đáo được trang trí họa tiết vô cùng tinh xảo. Bên trong cung điện là lối hành lang chật hẹp nhưng có nhiều phòng nhỏ và ban công riêng biệt.

Thời điểm chiêm ngưỡng Hawa Mahal đẹp nhất chính là vào buổi sáng.

Cung điện Hawa Mahal ngày nay được xem là công trình điển hình cho việc ứng dụng nhiệt động lực học vào thiết kế và cho thấy sự hiểu biết rộng lớn của những người đi trước đã vượt xa thời đại.

Cung điện có hướng nằm trên trục Đông Tây, phù hợp với hướng gió tự nhiên trong khu vực. Khi luồng gió thổi vào cung điện từ hướng Tây sẽ rút hơi ẩm từ hồ nước trong sân vào cung điện. Theo nguyên lý dòng đối lưu, khí lạnh luôn nặng hơn khí nóng, vì thế cung điện lúc nào cũng trong tình trạng mát mẻ.

Mặt khác, gió tiếp tục đưa hơi ẩm len qua các cửa sổ và làm mát không khí trong cung điện nhờ hiệu ứng Venturi (không khí đi qua lối đi bị hạn chế làm tăng tốc độ gió trong khi áp suất giảm). Hệ thống cửa sổ sẽ phân bố luồng không khí đồng đều, đảm bảo không có nơi nào trong cung điện còn điểm nóng, đồng thời các cửa sổ còn có công dụng kiểm soát độ chói trực tiếp của ánh sáng mặt trời. Ngoài ra, phần vôi sử dụng trong công trình cũng có tác dụng điều chỉnh nhiệt độ.

Cung điện Hawa Mahal xứng đáng là một công trình thể hiện trí tuệ và sự tinh thông của những người đi trước.

Đặc biệt, Hawa Mahal còn được thiết kế để thích ứng với mọi điều kiện khí hậu. Các tầng của cung điện được thiết kế phù hợp với từng mùa thông qua số lượng cửa sổ cũng như kích thước các lỗ trên khung cửa sổ. Cửa sổ một số tầng được lắp kính màu, tỷ lệ không gian mở của mỗi tầng cũng được điều chỉnh theo mùa sử dụng.

Để cảm nhận được cảnh đẹp và trải nghiệm tất cả mọi điểm đặc biệt ở Hawa Mahal, du khách hãy khám phá bên trong cung điện và sẽ mất một khoản phí vào cửa. Thời điểm đẹp nhất để chiêm ngưỡng cung điện là vào lúc mặt trời mọc, bạn cũng có thể ngắm nhìn vẻ đẹp công trình khi ngồi ở một trong những quán cà phê nhỏ đối diện và chụp hình Hawa Mahal trong ánh nắng bình minh buổi sớm.