ĐỜI SỐNG

Đầm Thị Tường – Điểm du lịch hoang sơ đầy tiềm năng của Cà Mau

Khanh Khanh • 19-09-2023 • Lượt xem: 1014
Đầm Thị Tường – Điểm du lịch hoang sơ đầy tiềm năng của Cà Mau

Nổi bật với vẻ đẹp tự nhiên do thiên nhiên ban tặng, đầm Thị Tường thu hút số lượng lớn khách du lịch đến thưởng thức ngoạn và trải nghiệm. Đây được xem là khu đầm tự nhiên lớn nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long, hứa hẹn mang nhiều tiềm lực về phát triển du lịch, kinh tế và cả văn hóa lịch sử.

Cách thành phố Cà Mau khoảng 40km, Đầm Thị Tường (hay còn gọi là Đầm Bà Tường) được tạo nên từ phù sa bồi đắp của sông Mỹ Bình, sông Ông Đốc và nhiều kênh rạch khác. Đầm có tổng diện tích mặt nước khoảng 700ha với chiều dài hơn 10km, chiều rộng gần 2km cấu tạo thành 3 phần chính là đầm trên, đầm giữa và đầm dưới. Đây cũng là khu đầm tự nhiên rộng lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long có diện tích mặt nước nằm sâu trong đất liền. 

Đến với đầm Thị Tường, du khách được dịp trải nghiệm tham quan xung quanh đầm bằng phương tiện vỏ lãi bởi các hộ dân khai thác du lịch. Vi chưa được đầu tư khai thác mạnh nên vẻ đẹp cảnh quan tại đầm Thị Tường còn khá hoang sơ, không khí trong lành tạo cảm giác thoải mái dễ chịu. Thời điểm thơ mộng nhất để chiêm ngưỡng rơi vào bình minh hoặc khi ráng chiều. 

Hơn nữa là hình ảnh đời sống sinh hoạt hàng ngày của cư dân nơi đây với các nghề truyền thống: chài, lưới, nò, đó, vó, lú… Vì thế, các loại thuỷ, hải sản nước lợ đều được đánh bắt tại chỗ, đảm bảo độ tươi sống, chế biến thành các món đặc sản phục vụ du khách như: tôm, cua, cá, mực, vẹm… Đặc biệt, cá vồ chó hay lịch huyết là loài đặc sản hương vị riêng biệt rất lạ miệng. Mặt khác, mô hình nuôi sò huyết phát triển cũng làm phong phú thêm các trải nghiệm du lịch tham quan tại đây. 

Ngoài giá trị về du lịch, đầm Thị Tường còn mang đậm ý nghĩa lịch sử truyền thống cách mạng của các thế hệ đi trước. Trong những năm dài kháng chiến bảo vệ tổ quốc, đây chính là khu căn cứ của lực lượng cách mạng. Hay đáng nói là cơ quan đầu não của phong trào cách mạng vùng nông thôn Cà Mau giai đoạn 1960 - 1975. 

Khu căn cứ Tỉnh ủy Xẻo Đước (ấp Xẻo Đước, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân) là nơi ghi dấu và chứng kiến hành trình kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng của Đảng và quân dân Cà Mau. Ngày nay, di tích này được xây dựng lại khang trang, trở thành di tích lịch sử cấp tỉnh do UBND tỉnh Cà Mau công nhận vào ngày 11/6/2007 và nhanh chóng trở thành điểm tham quan lịch sử nổi bật đối với du khách. Các hạng mục như: văn phòng làm việc của Tỉnh ủy, nơi làm việc của Bí thư Tỉnh ủy, hội trường hội họp… được tỉnh tập trung đầu tư trùng tu và tôn tạo. Công trình lịch sử mang ý nghĩa lớn trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng địa phương. 

Chị Lê Ngọc Nhân - du khách đến tham quan trải nghiệm tại đầm Thị Tường chia sẻ: “Vừa du lịch ngắm cảnh thưởng thức đặc sản, lại vừa được thuyết minh về lịch sử dân tộc là một trải nghiệm tuyệt vời mà tôi có được khi đến đây. Thật sự vô cùng ý nghĩa. Không chỉ tôi mà cả gia đình tôi cũng rất thích thú.”

Dù được xác định là một trong những dự án phát triển du lịch trọng điểm của tỉnh Cà Mau, thế nhưng các nhà đầu tư vẫn gặp một số trở ngại trong các bước lập, điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch. Hiện tại, có một hợp tác xã và một hộ dân khai thác đang thực hiện quá trình đưa khách trải nghiệm du lịch và đạt số lượng khách đến đầm hàng năm khoảng 10.000 lượt người dù hoàn toàn theo hướng tự phát và chưa được đầu tư bài bản. 

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân - ông Nguyễn Đức Thông cho biết: "Xã xác định du lịch là ngành công nghiệp không khói. Từ lợi thế có được, xã tập trung thực hiện kế hoạch phát triển du lịch trên đầm gắn với Khu di tích của Tỉnh ủy. Bên cạnh đó, xã đã thành lập được hợp tác xã để khai thác du lịch tại đầm. Qua đánh giá, một năm riêng địa bàn xã có khoảng 5.000 lượt du khách đến tham quan".