GIẢI TRÍ

Đánh giá phim Phá Địa Ngục - The Last Dance: Phim nội địa ăn khách nhất mọi thời đại tại Hồng Kông

K.A • 10-01-2025 • Lượt xem: 136
Đánh giá phim Phá Địa Ngục - The Last Dance: Phim nội địa ăn khách nhất mọi thời đại tại Hồng Kông

Với sự góp mặt của hai ngôi sao kỳ cựu, Ảnh đế Hứa Quán Văn và danh hài TVB Huỳnh Tử Hoa, Phá Địa Ngục (tựa tiếng Anh: The Last Dance), do Trần Mậu Hiền đạo diễn, đã trở thành bộ phim nội địa ăn khách nhất mọi thời đại tại Hồng Kông.

Những phức tạp trong mối quan hệ gia đình và gánh nặng của các phong tục truyền thống đè nặng lên vai các nhân vật chính trong Phá Địa Ngục, một bộ phim mang lại nhiều thông điệp về giá trị cuộc sống, lấy bối cảnh là ngành tang lễ của Hồng Kông và có sự góp mặt của hai biểu tượng hài kịch - Huỳnh Tử Hoa và Hứa Kiến Văn - trong những vai thuần về chính kịch.

Huỳnh Tử Hoa (trái) và Hứa Kiến Văn (Phải)

Đạo Sanh (Huỳnh Tử Hoa thủ vai) từng làm nghề tổ chức tiệc cưới nhưng không may thất bại vì đại dịch Covid-19. Không còn lựa chọn, anh chuyển sang dịch vụ tang lễ, hài hước tự nhủ: Sống không kiếm được tiền thì chuyển sang kiếm từ người... đã khuất, cũng hợp lý thôi.

May mắn thay, Đạo Sanh gặp được sư phụ Văn (Hứa Quán Văn đóng), một đạo sĩ tang lễ lâu năm, nghiêm khắc nhưng tận tâm. Ông hướng dẫn anh từ những việc nhỏ nhất như vệ sinh tử thi đến thực hiện nghi lễ "Phá Địa Ngục" – nghi thức tâm linh giúp linh hồn người đã khuất siêu thoát theo tín ngưỡng dân gian.

Sư phụ Văn có hai người con: Quách Bân (Chu Pak-hong) và Văn Nguyệt (Michelle Wai). Nhưng vì Bân lấy vợ theo đạo Công giáo nên ông không muốn anh kế nghiệp. Ngược lại, Đạo Sanh nhờ sự hỗ trợ của Bân mà ngày càng vững vàng hơn trong nghề, từng bước khám phá giá trị sâu sắc của công việc tưởng chừng lạ lẫm này.

Cao trào kịch tính và xúc động ở cuối phim, khi sư phụ Văn tuổi cao sức yếu qua đời, Đạo Sanh đã làm một việc táo bạo: đề nghị hai người con ruột của ông, Bân và Văn Nguyệt, trực tiếp thực hiện nghi thức “Phá Địa Ngục” để tiễn biệt cha mình.

Quyết định này ngay lập tức vấp phải sự phản đối gay gắt từ các đạo sĩ đồng nghiệp và cả những người dự tang lễ. Trong mắt họ, phụ nữ từ lâu đã bị coi là “không sạch sẽ” và không xứng đáng tham gia vào nghi thức trang trọng như vậy.

Dù đối mặt với áp lực lớn, Đạo Sanh vẫn kiên định bảo vệ ý tưởng của mình. Anh lập luận rằng tình yêu và lòng thành kính của con cái dành cho cha mẹ không phân biệt giới tính. Hành động này không chỉ là cách để cha họ yên lòng, mà còn là cơ hội để phá vỡ định kiến đã tồn tại quá lâu trong ngành tang lễ.

Trong khoảnh khắc đầy cảm xúc, Văn Nguyệt, người con gái luôn bị gạt ra bên lề vì định kiến, đã mạnh mẽ bước lên cùng anh trai mình hoàn thành nghi lễ. Sự hợp tác của hai anh em không chỉ khiến những người có mặt thay đổi cách nhìn, mà còn là lời nhắc nhở sâu sắc về ý nghĩa thực sự của gia đình và lòng hiếu thảo.

Kịch bản do Trần Mậu Hiền và Trịnh Vĩnh Cường cùng viết nên đã làm rất tốt trong việc đặt ra nhiều câu hỏi hiện sinh, từ giới hạn của trách nhiệm gia đình đến ý nghĩa của cuộc sống, mà không quá sướt mướt ủy mị.

Tựa tiếng Trung của bộ phim, “Break Hell’s Gates”, ám chỉ một nghi thức tang lễ của Đạo giáo, nhằm giải thoát linh hồn của người chết và giúp họ tái sinh. Trần Mậu Hiền đã sử dụng nó như một phép ẩn dụ cho mong cầu tìm kiếm sự bình yên trong cuộc sống của những người ở lại – một thông điệp trực tiếp được truyền tải một cách tinh tế xuyên suốt bộ phim hấp dẫn này.


Tag: