GIẢI TRÍ

Đạo diễn Hoàng Duẩn: Tình người trong đại dịch COVID-19

DDVN • 02-03-2022 • Lượt xem: 1234
Đạo diễn Hoàng Duẩn: Tình người trong đại dịch COVID-19

Hiện tại, dịch bệnh COVID-19 đang tăng trở lại khiến nhiều người âu lo. Trong đợt đỉnh điểm dịch năm 2021 tại TP.HCM, nhiều gia đình ở thành phố rơi vào nỗi buồn mất người thân, trong đó, có những đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Và đã có nhiều người tốt dang rộng cánh tay cưu mang, giúp đỡ các em.

Đạo diễn Hoàng Duẩn không phải là một “đại gia” lắm tiền nhiều của, thậm chí anh xuất thân nghèo khó, nhưng anh vẫn giúp đỡ và xoa dịu nỗi đau của các em theo cách của mình. Anh làm điều ấy vì đã từng đi qua tuổi thơ cơ hàn và những thử thách đầy mồ hôi, nước mắt cuộc đời.

Nghệ thuật vị nhân sinh

Trong hành trình nghệ thuật của mình, Hoàng Duẩn đã gặt hái được nhiều thành tựu đặc biệt. Tại Liên hoan Sân khấu toàn quốc 2021 vừa qua, anh đoạt giải Xuất sắc qua vai trò đạo diễn vở kịch Câu hò đất mẹ. Đây là vở diễn duy nhất được trao giải xuất sắc trong toàn Liên hoan. Vào năm 2011, anh đoạt giải Cù nèo vàng trong vai trò đạo diễn và biên kịch vở kịch Đám cưới thời @. Hiện tại, ngoài công việc của một đạo diễn kịch sân khấu và truyền hình, Hoàng Duẩn còn là giảng viên tại trường Đại học Văn hóa TP.HCM. Ở vai trò này, Hoàng Duẩn không chỉ dạy học trò kỹ năng hóa thân mà còn chỉ cho các em những bài học về sự chia sẻ. Nói cụ thể hơn, anh dạy học trò trường nghệ thuật cách kiếm tiền để tồn tại với nghệ thuật, và đồng thời giúp đỡ lại cho những người nghèo. Hướng đi ấy, xuất phát từ nỗi ám ảnh của quá khứ.


Đạo diễn Hoàng Duẩn

Đạo diễn Hoàng Duẩn sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em tại làng Sung Tích, xã Tịnh Long, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Theo Hoàng Duẩn, ngày nhỏ anh một buổi đi học, một buổi phải phụ gia đình chăn bò, vậy mà bữa ăn hằng ngày của anh thường xuyên là cơm độn khoai sắn. Một lần anh đang lùa bò ngoài đồng ngập nước thì sự cố xảy ra. Các chú bò đang gặm cỏ bỗng nhiên hoảng loạn chạy tứ tung, và anh thì bị một con bò lớn đạp chìm xuống nước. Với bản năng sinh tồn mạnh mẽ, anh cố ngoi lên, con bò khác tiếp tục đạp lên đầu, nhấn anh chìm xuống. Anh chới với ngoi lên, chìm xuống nhiều lần, rồi chìm hẳn. Một người đàn ông đang làm việc gần đó đã đến cố gắng cứu anh lên nhưng không thể.

Lâu sau, thân thể anh nổi lên ở một chỗ khác, tím tái và bất động. Tưởng rằng anh không thể sống sót nhưng sau nhiều giờ ủ trong rơm, cậu bé Hoàng Duẩn hồi sinh một cách kỳ diệu.

Từ cõi chết trở về, Hoàng Duẩn trở nên mạnh mẽ. Bao nhiêu khó nhọc, thiếu thốn bủa vây gia đình, anh vẫn xem như điều bình thường. Đói ăn nhưng anh vẫn theo cha học chơi đàn ghi ta, vĩ cầm, sáo. Cái máu văn nghệ trong người phần nào đó giúp cho trí tưởng tượng lãng mạn của anh hướng đến một chân trời tươi sáng ở tương lai, quên bớt nỗi nhọc nhằn ở hiện tại.

Ngày Hoàng Duẩn tốt nghiệp trung học, anh quyết định vào Sài Gòn theo đuổi ước mơ nghệ thuật. Đó là những năm đầu thập niên 1990. Đêm trước khi anh đi, cha anh cho anh 20 ngàn đồng. Ông nghẹn ngào nói với anh: “Cha chỉ có chừng này để làm hành trang cho con”. Anh cầm số tiền nhỏ nhoi từ đấng sinh thành mà rơi nước mắt, vì anh hiểu được tấm lòng của người cha nghèo khó.

Hoàng Duẩn lúc ấy đã nhảy tàu, đi lậu vé, từ quê nhà vào Sài Gòn. Món tiền ít ỏi ấy anh giữ thật kỹ để dành cho những việc cần thiết nhất. Anh phải đi luyện thi bằng cách đứng ngoài cửa lớp học lóm. Cô giáo thương cho vào lớp học miễn phí. Trong khi bạn bè xung quanh mướn người dựng tiểu phẩm, mua đạo cụ, thì Hoàng Duẩn tự lo mọi thứ.

Anh đã đậu với số điểm rất cao.

Vào học Trường cao đẳng nghệ thuật sân khấu 2, Hoàng Duẩn xin vào ở ký túc xá. Để có tiền ăn, anh phải xin đóng vai quần chúng, giữ xe, dạy đàn và làm tất cả công việc không tên. Ngày ấy, ở tuổi 19 -20, Hoàng Duẩn gầy nhom nhưng anh vẫn xin làm cascadeur và liều mạng thực hiện nhiều pha nguy hiểm.


Đạo diễn Hoàng Duẩn tại trường quay

Hoàng Duẩn nhớ lại: “Thời ấy ký túc xá trường đóng cửa đúng giờ, mỗi khi tôi đi đóng quần chúng về trễ phải ra sạp chợ ngủ. Đóng thế vai cũng có ít tiền nhưng chấn thương như cơm bữa. Tôi bươn chải rất nhiều việc vậy mà vẫn không đủ ăn. Những lúc quá túng bách, tôi phải đi bán máu để có tiền mua thức ăn. Nước da lúc nào cũng xanh tái, đi khám sức khỏe, bác sĩ bảo bị phù thủng vì suy gan và thiếu dinh dưỡng. Khó khăn đến thế nhưng chưa lúc nào tôi thôi hy vọng vào tương lai”.

Gây quỹ học bổng cho trẻ mồ côi vì COVID-19

Nhờ học hành chăm chỉ, và sẵn sàng lăn xả trên thực tế, nên Hoàng Duẩn xin được vị trí trợ lý đạo diễn phim. Dần dà anh tích lũy cho mình vốn kiến thức và kinh nghiệm sàn quay, sàn diễn dày dặn. Anh được mời dạy diễn xuất tại các nhà văn hóa, tại đó, anh đã góp phần đào tạo nên nhiều diễn viên trẻ mà sau này 2 người công nhận anh là thầy có Tiến Luật và Lê Nam. Chí cầu tiến và ham muốn học hỏi đã trao anh Hoàng Duẩn cơ hội được mời về công tác tại Nhà hát Kịch TP.HCM. Ở đây, anh đã dàn dựng rất nhiều vở cho nhà hát cho cả hình thức bán vé tại rạp Công nhân, lẫn các vở phục vụ khán giả vùng sâu vùng xa.

Một bước ngoặt đặc biệt trong cuộc đời nghệ thuật của Hoàng Duẩn là việc anh nghiên cứu thể loại nghệ thuật rối đen rất mới lạ tại Việt Nam. Từ đây, anh đã có cơ hội tham gia nhiều liên hoan nghệ thuật quốc tế ở nhiều quốc gia. Những chuyến đi này giúp anh tích lũy được nền tảng kiến thức nghệ thuật cũng như cập nhật được phong cách nghệ thuật đương đại.

Người năng nổ thường được trọng dụng. Sau khi rời khỏi Nhà hát Kịch TP.HCM, anh về cộng tác cho đài truyền hình TP.HCM trong vai trò tác giả và đạo diễn của mục Siêu thị cười và Chuyện bốn mùa. Chương trình Siêu thị cười từng giúp anh giành giải Cù nèo vàng năm 2011 rất uy tín của báo Tuổi trẻ Cười qua tiểu phẩm Đám cưới thời @. Không chỉ dựng chương trình của đài, Hoàng Duẩn rất đắt show lễ hội. Các lễ hội lớn cấp quốc gia diễn ra ở miền Trung, Tây Nguyên, miền Tây thường xuyên có sự góp sức của anh. Chính nhờ đắt show mà cuộc sống kinh tế của Hoàng Duẩn ngày càng ổn định, hay nói cách khác là anh đủ điều kiện để chăm lo cho gia đình riêng, và nuôi các em học hành đến nơi đến chốn.

Hiện tại, Hoàng Duẩn được mời giảng dạy của Trường Đại học Văn hóa (TP.HCM). Ở đây, anh phụ trách hướng dẫn môn tổ chức sự kiện. Đây là một môn học có tính thực tế cao. Hoàng Duẩn đã hướng dẫn cho sinh viên của mình phương cách để tổ chức được một sự kiện hay, đẹp và hấp dẫn. Qua môn học này, nhiều bạn đã có thể nhận nhiều show cho các sự kiện trong toàn quốc nên có cuộc sống kinh tế vững chắc. Nhưng Hoàng Duẩn không dừng lại ở việc giúp sinh viên kiếm được tiền. Anh còn khuyến khích các bạn sinh viên làm sao tổ chức được những sự kiện thu hút được các doanh nhân sẵn lòng sẻ chia với cộng đồng.

Đó là chương trình văn nghệ tạp kỹ “mang nắng về bên em” gây quỹ cho 10 học sinh mồ côi vì dịch COVID-19 tại TP. Thủ Đức từ nay cho đến tốt nghiệp đại học. Tất cả mọi thứ đã sẵn sàng, các mạnh thường quân đã nhận lời, chỉ còn chờ ngày chính thức công bố. 10 em học sinh mồ côi sẽ được nuôi dưỡng và cho ăn học đến ngày trưởng thành. Trước đó, anh đã tổ chức thành công các sự kiện gây quỹ xây 3 căn nhà tình thương cho bà con nghèo ở Gia Lai, Vĩnh Long, Bình Thuận.

Sắp tới, anh và các sinh viên của mình sẽ tổ chức chương trình “Sắc màu đarahoa" nhằm gây quỹ hỗ trợ cho học sinh nghèo làng dân tộc làng đarahoa huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.


Theo Hoàng Duẩn, người nghệ sĩ trên sân khấu mang lại niềm vui và những bài học hay cho khán giả, như vậy đã là làm đúng phận sự. Vậy nhưng, nếu người nghệ sĩ có thể chia sẻ với người nghèo khó và yếu thế trong xã hội, điều đó càng tuyệt vời hơn.

Theo Hoàng Duẩn, người nghệ sĩ trên sân khấu mang lại niềm vui và những bài học hay cho khán giả, như vậy đã là làm đúng phận sự. Vậy nhưng, nếu người nghệ sĩ có thể chia sẻ với người nghèo khó và yếu thế trong xã hội, điều đó càng tuyệt vời hơn. Nhờ vậy, mà ngày nay các học trò thành danh của anh, trong đó, có Tiến Luật - chồng Thu Trang rất nhiệt tình giúp đỡ người khốn khó. Anh đã truyền cho họ bài học về đạo làm người rất nhẹ nhàng mà ý nghĩa.

Sắp tới đây, nếu không có gì thay đổi, đạo diễn Hoàng Duẩn sẽ bảo vệ luận án tiến sĩ chủ đề Kịch nói ở TP.HCM trong bối cảnh văn hóa Nam Bộ. Luận án này sẽ thống kê lại toàn bộ lịch sử hình thành và phát triển môn kịch nghệ miền Nam, đồng thời phân tích sự giống và khác nhau trong phong cách kịch Bắc và Nam.

Được biết, từ trước đến giờ tài liệu về kịch nói Nam Bộ rất tản mát, vì vậy, Hoàng Duẩn sẽ in thành sách để công chúng yêu kịch nghệ có cái nhìn xuyên suốt về loại hình nghệ thuật rất được công chúng ưa thích.

Theo Nguyễn Huy/1thegioi.vn