GIẢI TRÍ

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh với gánh nặng 'Gạo chợ nước sông'

Lâm Hạnh • 06-02-2018 • Lượt xem: 3389
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh với gánh nặng 'Gạo chợ nước sông'

Sáng 5.2, tại Nhà dưỡng lão Nghệ sĩ, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cùng đoàn làm phim đã công bố dự án phim điện ảnh Gạo chợ nước sông. Đây vừa là buổi họp báo vừa là dịp để những người làm nghệ thuật nhắc nhớ, chia sẻ những phần quà cho những nghệ sĩ lớn tuổi đang sống tại Nhà dưỡng lão.

Buổi giới thiệu dự án phim diễn ra tại không gian đặc biệt như Nhà dưỡng lão đã tạo nên một không khí vừa náo nhiệt lại vừa ấm cúng. Tại đây, những người có mặt đã có dịp xem những dòng lưu bút của các nghệ sĩ cải lương ngày xưa, từ những diễn viên nổi tiếng cho đến những người làm hậu đài, mà nghệ sĩ Xuân Lan đã gìn giữ bao nhiêu năm nay. Trong buổi họp báo, nghệ sĩ Xuân Lan tâm sự chân tình: "Tôi là người thích giữ lại những đồ vật kỷ niệm cũng như lưu bút của bạn bè nên ngày xưa mỗi lần đi hát tôi đều nói anh em trong đoàn ghi lại cảm xúc của mình. Tôi không ngờ giờ nó trở thành những món quà quý cho thế hệ sau".

Những trang lưu bút của các nghệ sĩ được nghệ sĩ Xuân Lan giữ lại đến nay

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cùng nghệ sĩ Xuân Lan trong buổi họp báo

Cô đào võ nổi tiếng một thời - nghệ sĩ Diệu Hiền - cũng đã có mặt sáng hôm ấy. Ở tuổi 74, có lẽ đã lâu bà mới có dịp ngồi trước đông đảo mọi người để tâm sự về những câu chuyện thời con đi hát. Bà kể về thời đòi mẹ đi theo gánh hát, rồi vì sao có nghệ danh Diệu Hiền v.v... Bệnh tật làm bà đi lại khó khăn nhưng khi hát trích đoạn Nhụy Kiều tướng quân, khán giả không hề sự tàn úa trong giọng ca của bà.

Huỳnh Tuấn Anh trò chuyện với NSƯT Diệu Hiền trước khi bà hát các trích đoạn cải lương

22 nghệ sĩ chọn Nhà dưỡng lão để sống tuổi xế chiều có lẽ đã ấm lòng với những lời thăm hỏi của thế hệ sau, của những người hâm mộ và những phần quà nhỏ nói rằng họ không bị lãng quên. Những trích đoạn cải lương vang lên trên sân khấu không cảnh trí, ánh sáng hay phục trang nhưng không ngớt những tràng vỗ tay và ở phía dưới, những cô chú khán giả lớn tuổi nhắc lại những kỷ niệm hồi xưa đi coi cải lương như thế nào.

Không gian - sân khấu buổi họp báo

Đoàn làm phim đã biến không gian buổi họp báo thành buổi triển lãm giản dị về những trang lưu bút mà theo đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh thì khi lật từng trang để scan ngực anh "đánh lô tô" vì sợ làm hỏng một vật quý, những bộ trang phục mà các nghệ sĩ năm xưa từng mặc diễn trên sân khấu như chiếc áo của NSND Diệp Lang khi diễn vở Tình yêu trên chiến trận (năm 1970), Lệ Thủy trong vở Kiếp nào có yêu nhau (1970), Thành Được trong vở Tiếng hạc trong trăng (1966), Minh Vương trong Bông hồng sa mạc (1974), Thanh Nga trong Tiếng trống Mê Linh (1977)... cùng những phụ kiện mũ mão, cân đai...

Các kỷ vật của nghệ sĩ được trưng bày tại họp báo

Gạo chợ nước sông (đạo diễn: Huỳnh Tuấn Anh, biên kịch: Nguyễn Thị Minh Ngọc) là một dự án phim điện ảnh dự kiến sẽ được bấm máy vào tháng 6 năm nay. Bộ phim được phóng tác từ truyện ngắn Cuối mùa nhan sắc của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Nếu truyện ngắn là câu chuyện của một công tử con nhà giàu bỏ nhà theo gánh hát vì si mê cô đào hát tên Hồng thì Gạo chợ nước sông mượn cái tứ đó để khắc họa rõ hơn về những đoàn hát ngày xưa - thời hoàng kim của cải lương Nam bộ những năm 60, 70... Tuy nhiên, đạo diễn Tuấn Anh cho biết, phim chỉ là một lát cắt đẹp của cải lương Nam bộ một thời chứ không có tham vọng làm cho người xem tỏ tường mọi ngóc ngách của bộ môn nghệ thuật đặc trưng của miền Nam. Bộ phim sẽ kể về những câu chuyện vui buồn trong gánh hát, những cạnh tranh đầy kịch tính về nghề nghiệp và tình cảm của những nhân vật - là những đào, kép - trong phim.

Từ trái qua: Nghệ sĩ Hà Linh (con trai cố nghệ sĩ Thanh Nga), nhà sản xuấtPhi Ngọc Ánh, diễn viên Huy Khánh và đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh

Tuy nhiên, đây là một dự án khó cho cả đạo diễn và nhà sản xuất khi muốn làm toát lên phần nào hồn cốt của cải lương Nam bộ. Vậy nên, quá trình làm phim sẽ vừa đầy cảm hứng nhưng cũng rất nhiều áp lực với đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh. Đạo diễn cho biết: "Với phim này, tôi không casting diễn viên mà sẽ nhắm diễn viên phù hợp để mời vào. Ngoài việc yêu thích kịch bản phim và nhân vật của mình, tôi còn yêu cầu diễn viên dành cho tôi 6 tháng để tìm hiểu về cải lương, học ca và tập điệu bộ. Tôi cũng không nói nhiều về diễn viên một phần vì vẫn đang trong quá trình chọn mời, một phần vì tôi cũng muốn truyền thông tập trung vào "nhân vật chính" là nghệ thuật cải lương hơn là tên tuổi của diễn viên". Ngoài ra, việc dựng bối cảnh những nhà hát ở Sài Gòn hay những gánh hát trên ghe những năm 60, 70 và phục trang, đạo cụ... thời ấy cũng là một áp lực lớn cho đạo diễn và nhà sản xuất. Áp lực đã thấy ngay trước mắt nhưng đạo diễn và những người tham gia dự án phim vẫn hào hứng mang vác "gánh nặng" này bởi vì họ một lòng yêu quý và chua xót khi nghệ thuật cải lương đang mai một. Qua một lát cắt mà họ bắt mình phải cố gắng làm thật tốt để mong khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, hiểu rằng cải lương không hề quê mùa, không bình dân mà đầy tính học thuật và sang trọng. 

Các nghệ sĩ trẻ diễn trích đoạn vở cải lương Thủ Khoa Huân tại buổi họp báo

Nhà sản xuất Phi Ngọc Ánh của Ocean Company đã chia sẻ: "Tuy là người trẻ, không có dịp tiếp cận nhiều với nghệ thuật cải lương nhưng tôi là người miền Tây, có lẽ vì vậy mà sự yêu thích bộ môn nghệ thuật này đã có sẵn trong con người tôi. Vì vậy, khi gặp kịch bản Gạo chợ nước sông, tôi muốn đầu tư ngay". Dự án còn nhận được khá nhiều sự hỗ trợ chuyên môn từ các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ am tường về cải lương, tư liệu - kỷ vật từ gia đình các nghệ sĩ... và nhà sưu tầm hàng ngàn băng đĩa cải lương Nguyễn Lê Hiếu