ĐỜI SỐNG

Đặt câu hỏi - phương pháp giải quyết vấn đề theo cách đơn giản nhất

Cẩm Chi • 18-11-2022 • Lượt xem: 2952
Đặt câu hỏi - phương pháp giải quyết vấn đề theo cách đơn giản nhất

Dù làm việc ở lĩnh vực nào thì giải quyết vấn đề vẫn luôn là kỹ năng cần thiết với mọi người. Thu nhập cao hay thấp phụ thuộc mức độ phức tạp của vấn đề bạn có thể giải quyết. Vậy làm sao để rèn luyện kỹ năng này?

Tự đặt câu hỏi để tìm ra đáp án

Trong số nhiều cách rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề thì đặt câu hỏi (và sau đó tự trả lời) chính là phương pháp dễ luyện tập bậc nhất. Đây là cách thức sử dụng những câu hỏi để tìm ra các lời giải. Sau đó xử lý lần lượt những khó khăn gặp phải để đạt được mục đích.

Tương tự khi đi học, học sinh được giao một bài toán với những giả thiết và tìm đáp án dựa theo công thức giáo viên đưa ra. Trưởng thành đi làm cũng vậy, vấn đề chính là “bài toán” và giải quyết vấn đề chính là đáp án bạn cần tìm ra. Chỉ là lúc này không có giáo viên đưa ra sẵn các công thức mà bạn phải tự đi tìm biện pháp giải quyết vấn đề.

 

Bí quyết của phương pháp đặt câu hỏi chính là thần chú “5W + 1H”.

Và “đặt câu hỏi” chính là việc bạn cần làm để tìm ra cách thức giải quyết các vấn đề. Và cốt lõi của cách thức này là 6 chữ: 5W (why, what, who, when, where) và 1H (how). Lý thuyết thì dễ, nhưng để sử dụng phương pháp này hiệu quả thì cần luyện tập thường xuyên để có thể vận dụng thuần thục và sáng tạo.

Nhận diện vấn đề (what) và vì sao phải giải quyết (why)

Why và what luôn là hai câu hỏi đầu tiên phải đặt ra khi đối mặt với một vấn đề cần giải quyết. Bởi nhận diện đúng vấn đề thì mới đưa ra phương án giải quyết hợp lý được. Và đối mặt với mọi việc trong cuộc sống, mỗi người luôn cần tự trả lời được câu hỏi vì sao (why) thì mới thuyết phục được bản thân cố gắng hết sức hành động.

Tuy chỉ đơn giản hai chữ (why, what) nhưng có rất nhiều cách đặt câu hỏi. Người sử dụng thuần thục có thể nghĩ ra được nhiều câu hỏi hơn, ở nhiều khía cạnh hơn... và nhờ vậy tìm được nhiều thông tin hữu dụng hơn phục vụ cho các bước tiếp theo.

Với chữ “what”, các câu hỏi thường được đặt ra sẽ là: vấn đề này là gì? kết quả mong muốn như thế nào? kết quả tệ nhất cần tránh là gì? có những khó khăn gì cần lưu ý? nút thắt chuyện này ở đâu? bản thân có lợi ích gì khi xử lý việc này?... Rất nhiều câu hỏi có thể đặt ra tùy tình huống cụ thể.

Nhận diện chính xác xem như giải quyết được 50% vấn đề.

Với chữ “why”, các câu hỏi cần trả lời là: vì sao tôi phải làm việc này? vì sao tôi không thể đẩy nó cho người khác? nếu tôi không làm thì sao?... Thực tế, câu hỏi why trong đa số trường hợp thường là câu hỏi quan trọng nhất cần phải trả lời. Bởi nó là động lực chính để bản thân giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, để trả lời được câu hỏi “why” một cách chính xác nhất thường cần phải làm rõ câu hỏi “what” trước đó.

Sau khi xử lý và tìm được đủ thông tin cần thiết với hai yếu tố đầu tiên (why, what) thì có thể chuyển sang bước tiếp theo.

Lên plan giải quyết vấn đề với bốn câu hỏi: how, when, where, who

Trong số bốn yếu tố còn lại thì how (như thế nào) chính là nhân tố quan trọng nhất. Những cái còn lại sẽ đóng vai trò phụ trợ để hoàn thiện kế hoạch xử lý vấn đề.

Câu hỏi thường đặt ra từ “how” là: làm thế nào giải quyết vấn đề này? Đây là một câu hỏi khó. Tuy nhiên nó có thể trở nên dễ dàng hơn nhờ sử dụng các dữ kiện đã tìm được từ câu hỏi “what” phía trên.

Trường hợp có nhiều cách thức giải quyết đưa đến các kết quả khác nhau (xuất sắc, tốt, chấp nhận được...) thì cần thận trọng cân nhắc. Tùy từng tình huống cụ thể mà sử dụng biện pháp phù hợp nhất. Đôi lúc để có kết quả xuất sắc lại tiêu tốn quá nhiều thời gian lẫn tài chính sẽ không thể hợp lý bằng một kết quả chấp nhận được nhưng tiết kiệm chi phí và nhanh hơn.

Một mẹo để đặt và trả lời câu hỏi hiệu quả là ghi những suy nghĩ ra. Những dòng chữ, những nét vẽ nguệch ngoạc đó nhiều lúc là khởi nguồn cho các ý tưởng tuyệt vời. 

Trả lời các câu hỏi từ chữ “when” để tìm ra deadline và những cột mốc thời gian quan trọng cần nhớ...

Các câu hỏi từ “where” có thể cung cấp các dữ kiện về địa điểm diễn ra vấn đề (sự kiện) hay nơi có thể tìm được sự trợ giúp, mua sắm các vật tư cần thiết...

Chữ “who” sẽ có thể đặt ra các câu hỏi: chịu trách nhiệm trực tiếp vấn đề này với ai? ai là cộng sự trong dự án này? tìm kiếm sự giúp đỡ từ ai? hay thậm chí ai sẽ là người cản trở, khiến cho công việc này trở nên không suôn sẻ?...

Đặt câu hỏi là một phương pháp giải quyết vấn đề cực kỳ hiệu quả và dễ ứng dụng. Và dĩ nhiên muốn sử dụng hiệu quả thì mỗi người cần phải luyện tập thường xuyên. Một lưu ý nhỏ là trong cuôc sống thường sẽ không có quá nhiều thời gian để trả lời các vấn đề. Sẽ luôn có người, có các yếu tố thúc ép, tạo áp lực để bạn không đủ thời gian suy nghĩ thấu đáo. Vì vậy hãy nhớ luôn tỉnh táo và cho bản thân đủ thời gian đặt câu hỏi để tìm ra giải pháp hợp lý nhất.