ĐỜI SỐNG

Đau dạ dày ở người trẻ và những thói quen cần tránh

Lan Hương • 13-07-2023 • Lượt xem: 857
Đau dạ dày ở người trẻ và những thói quen cần tránh

Đau dạ dày là nỗi ám ảnh của nhiều người và càng phổ biến trong cuộc sống với nhiều áp lực như hiện nay. Bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe nếu không phát hiện và điều trị sớm.

Theo Hội khoa học Tiêu hóa, Việt Nam hiện có 26% dân số mắc bệnh viêm loét dạ dày và có xu hướng trẻ hóa so với trước đây.

Đau dạ dày và những thói quen tai hại

Đau dạ dày là tình trạng tổn thương dạ dày do nhiều nguyên nhân khác nhau, hoặc đôi khi chỉ là rối loạn vận động do axit dịch vị dạ dày tăng tiết. Bệnh gây ra các cơn đau âm ỉ, nóng rát tại vùng thượng vị. Cảm giác khó chịu, nóng rát thường tồn tại trong thời gian ngắn, tuy nhiên khi gặp các cơn đau kéo dài và dữ dội thì có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe.

Đau dạ dày thường là những cơn khó chịu tại vùng thượng vị chính giữa bụng, có khi lệch sang trái hoặc phải, có khi đau sau lưng. Các cơn đau thường gặp vào ban đêm, khi quá đói hoặc sau khi ăn no.

Những bệnh lý đau dạ dày thường gặp có thể kể đến như viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, nhiễm vi khuẩn HP và nặng hơn là ung thư dạ dày.

Ngoại trừ các nguyên nhân bệnh lý, đau dạ dày thường gặp ở những đối tượng có đặc thù công việc chịu nhiều áp lực, căng thẳng trong học tập, thi cử, do thói quen ăn uống sinh hoạt không điều độ, do lạm dụng rượu bia, thuốc lá…

+ Stress và lo lắng kéo dài: Căng thẳng, stress trong công việc, học tập khiến tâm lý luôn trong tình trạng gồng gánh áp lực nặng nề. Khi đó cơ thể sẽ giải phóng các hormone và các chất dẫn truyền thần kinh gây ảnh hưởng nhu động ruột, hoạt động co bóp của dạ dày cũng bị tác động. Stress kéo dài làm tăng bài tiết axid trong niêm mạc dạ dày dẫn đến tình trạng đau bụng, đầy hơi, ợ chua… và gây ra các cơn đau bao tử thường gặp.

+ Thói quen trong sinh hoạt, ăn uống thiếu khoa học: Có thể nói ăn uống không lành mạnh chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng đau bảo tử hiện nay. Ăn uống không đảm bảo vệ sinh, ăn quá nhanh, để bụng quá đói, ăn quá no, ăn uống không đúng giờ, bỏ bữa hoặc ăn quá khuya… Những thói quen xấu này khiến cho axit dạ dày tấn công niêm mạc bao tử. Nhiều bạn trẻ hiện nay còn có sở thích với các loại thức ăn chiên rán, đồ ăn nhiều gia vị chua – cay – nóng và còn cả thói quen vừa ăn vừa xem phim, chơi game hay đọc sách… các thói quen tai hại này kéo dài lặp đi lặp lại sẽ khiến dạ dày ngày càng suy yếu.

Thói quen ăn uống không lành mạnh là một trong những nguyên nhân dẫn tới các cơn đau dạ dày.

+ Thuốc lá và chất có cồn: Cồn trong bia rượu và nicotin trong thuốc lá được xem là kẻ thù không đội trời chung với dạ dày. Các hoạt chất này khiến cho lớp nhày trong bao tử bị bào mòn, làm tăng tiết axit dịch vị và gia tăng nguy cơ viêm loét dạ dày nghiêm trọng.

Rượu bia, thuốc lá góp phần gây tổn thương dạ dày nghiêm trọng.

Có thể nhận biết đau dạ dày bằng các triệu chứng như ợ nóng, ợ chua, đầy hơi, hơi thở có mùi, buồn nôn, khó tiêu, ợ hơi đôi khi kèm theo chất lỏng vị đắng có mùi hôi… khiến người bệnh có cảm giác vô cùng khó chịu và gặp nhiều phiền toái trong sinh hoạt.

Tuy nhiên, khi phát hiện triệu chứng, đa số người bệnh thường chủ quan và không có hướng điều trị tích cực khiến bệnh ngày càng trở nên trầm trọng, dẫn đến nguy hại rất lớn cho sức khỏe.

Viêm loét dạ dày ngày càng trẻ hóa

Không chỉ ở người lớn, viêm loét dạ dày ở lứa tuổi học đường hiện nay đang trở nên phổ biến và có xu thế xuất hiện ở nhiều trẻ em nhỏ tuổi. Các chuyên gia nhi khoa cảnh báo bệnh lý về dạ dày ở trẻ em hiện đang gia tăng, nguyên do một phần các em học sinh phải đối mặt với việc học tập căng thẳng, do không phù hợp với đặc điểm thể lực hoặc trình độ tiếp thu kiến thức quá nhiều so với lứa tuổi…

Nhiều học sinh hiện nay do áp lực học hành thi cử, học ở lớp, học ở nhà khiến các em luôn trong tình trạng căng thẳng, mất ngủ, lo âu trong khi đó thời gian nghỉ ngơi, vui chơi giải trí lại thiếu thốn. Sự quá tải, mệt mỏi mỗi ngày cộng thêm sức ép từ phụ huynh, sức ép từ bản thân khiến trẻ rất dễ mắc bệnh dạ dày.

Đau dạ dày ngày càng phổ biến ở người trẻ tuổi.

Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng (Bv Bạch Mai, Hà Nội) cho biết bệnh lý đau dạ dày hết sức phức tạp và gồm nhiều nhóm bệnh khác nhau. Khi đã được bác sĩ chuyên khoa khám và đưa ra phác đồ điều trị, người bệnh cần tuân thủ điều trị đúng và đủ để bệnh được ngăn chặn tận gốc và không tiến triển nặng nề.

Với đau dạ dày, người bệnh cần duy trì ăn uống lành mạnh, một nếp sinh hoạt khoa học, ăn ngủ đúng giờ, chăm tập thể dục, bổ sung nhiều rau xanh, hạn chế đồ quá chua quá cay, tránh xa thuốc lá và đồ uống có cồn… Và đặc biệt khi đã điều trị xong, cần giữ cho tinh thần thư thái và không bị áp lực công việc để bệnh không tái phát trở lại.