Thú cưng không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ nên thường thể hiện mọi thứ, kể cả cơn đau qua hành động cơ thể. Tuy nhiên không phải chủ nuôi nào cũng biết và chú ý đến hành động của chúng.
Để giúp chủ nuôi chăm sóc tốt thú cưng hơn, bác sĩ thú y Edwina Gildea chỉ ra 5 dấu hiệu nhận biết thú cưng đang bị đau.
Dấu hiệu đầu tiên là thú cưng gặp vấn đề trong đi lại hoặc chạy nhảy. Người bạn lông lá của chúng ta có ít thích phiêu lưu hơn bình thường không? Chúng có vẻ chậm chạp hơn bình thường hay tụt lại phía sau khi đi dạo không? Đây là dấu hiệu bất thường không nên bỏ qua.
Dấu hiệu thứ hai là đi khập khiễng. Thú cưng đi khập khiễng, run rẩy hoặc trông cứng đờ có thể đang bị đau do viêm khớp.
Không yên giấc vào ban đêm cũng rất đáng ngại. Giống như con người thấy bồn chồn khi bị đau, thú cưng đang chịu cơn đau bởi viêm khớp cũng chịu cảm giác tương tự nên chúng sẽ nằm tư thế mới hoặc có hành vi bồn chồn.
Ngoài ra, liên tục liếm khớp hoặc bàn chân có thể là dấu hiệu thú cưng đang cố giảm bớt cơn đau hoặc sự khó chịu. Không nên bỏ qua dấu hiệu này.
Cuối cùng là thay đổi hành vi. Chủ nuôi hiểu thú cưng của mình và gần như luôn nhận ra nếu chúng không phải là chính mình. Nếu bị đau chúng có thể hung dữ hơn bình thường, ít vui tươi hơn hoặc gặp tai nạn mà thông thường không gặp.
Cần làm gì khi thú cưng bị đau?
Có rất nhiều nguyên nhân gây đau, từ bị thương do vận động, viêm khớp, bệnh truyền nhiễm, ký sinh trùng đến yếu tố di truyền, béo phì, lão hóa. Ta rất khó xác định nguyên nhân bằng mắt thường, vì vậy tốt nhất nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ thú y. Tại trung tâm y tế vật nuôi có đầy đủ thiết bị để tiến hành khám lâm sàng, chụp X quang và kiểm tra tiền sử bệnh. Bác sĩ sẽ dựa trên nguyên nhân cùng triệu chứng để chẩn đoán, từ đó đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Một số phương pháp phổ biến gồm có tập vật lý trị liệu, bổ sung thực phẩm dinh dưỡng tốt cho xương khớp, giảm cân, hoặc nếu chấn thương nặng thì cần làm phẫu thuật.