ĐỜI SỐNG

Đâu là thời điểm thích hợp để xây dựng quỹ khẩn cấp cho gia đình

Thu Ngân • 19-05-2022 • Lượt xem: 1238
Đâu là thời điểm thích hợp để xây dựng quỹ khẩn cấp cho gia đình

Trong đợt dịch vừa qua, nhiều gia đình ở chung cư chúng tôi sẽ rơi vào tình huống rất khó khăn vì bị phong tỏa đến 3 lần nếu thiếu đi những hỗ trợ thực phẩm từ cộng đồng và những hàng xóm “tắt lửa tối đèn có nhau”. Lý do là nhiều người đã không lường trước được vấn đề cho những vấn đề khẩn cấp bất ngờ xảy ra với mình. 

Ngày trước khi còn đi học, thầy giáo có nói rằngg, Mỹ là quốc gia có chủ nghĩa tiêu dùng khá cao nên sau này các em làm kinh doanh nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường Mỹ thì chẳng lo không bán được hàng do người Mỹ tiêu dùng rất nhiều. Và khi đến TPHCM lập nghiệp, ít nhiều tôi thấy người miền Nam cũng ít nhiều có tính cách này. Không phải ngẫu nhiên mà TPHCM trở thành trung tâm kinh tế của cả nước vì tính năng động của người dân ở thành phố này. Tại thành phố nhộn nhịp này, việc kiếm tiền khá dễ dàng hơn, chỉ cần một chiếc xem máy hay một chiếc xe đẩy là bạn có thể bán hàng và có thu nhập đến từ hàng chục ngàn người đang đi lại trên đường phố mỗi ngày. Cũng vì việc kiếm tiền dễ dàng nên không ít người dân cũng hình thành tính cách không tích luỹ, đến đâu hay đến đó.

Dĩ nhiên, đây không phải là nhận xét mang tính đại diện nhưng có phần đúng nếu nhìn vào bối cảnh đại dịch Covid 19 bùng phát trong thời gian qua. Và cũng do đại dịch mà nhiều người bắt đầu có sự thay đổi cần thiết, ít nhất là đã có tư tưởng trích góp cho những tình huống xấu xảy ra. Có ai đó, sau đại dịch mọi người sẽ sống trong trạng thái “bình thường mới” nhưng cái bình thường này không giống như cái sự bình thường của trước đại dịch. Nhiều người bắt đầu hiểu rằng, trong một thế giới mà mọi thứ có thể thay đổi 180 độ chỉ sau vài tuần thì việc không có nguồn tài chính cho quỹ khẩn cấp là một sai lầm.

Các cụ từng nói - Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, như một lời dạy về việc biết tính toán, tiết kiệm. Ở chợ Bà Chiểu, (quận Bình Thạnh) mấy năm trước trong một lần tác nghiệp viết bài, chúng tôi có gặp anh Trung, một người bán bắp xào trên xe đẩy ở đây cho biết, anh từ Thái Bình vào Nam lập nghiệp nhưng do  vốn ít nên anh chỉ có thể “khởi nghiệp” bằng chiếc xe đẩy bán bắp xào nhưng sau 5 năm anh cũng trích luỹ được một số tiền để mua một miếng đất nhỏ ở Bình Dương và đang cố gắng để xây nhà trước khi cưới vợ. Khen anh giỏi, anh cười, rồi nói cứ phải trích góp anh ạ, tiết kiệm trước khi chi tiêu trước khi trao gói bắp xào cho người mua.  

Một đồng nghiệp của tôi ở một tờ báo Thể thao trước đây cũng chia sẻ là ba mẹ cậu ấy mua được nhà ở quận 1, TPHCM bằng một chiếc xe bán xôi. Lúc đầu nghe, người viết ít nhiều tỏ ra nghi ngờ về thông tin này nhưng theo người bạn ấy sau mấy chục năm ba mẹ tích luỹ được một số tiền lớn là nhờ biết tiết kiệm, không dám chi tiêu quá đà. Dĩ nhiên, bây giờ gia đình đã có điều kiện khi căn nhà ấy phần dưới được làm cửa hàng tạp hoá, rồi kiêm luôn đại lý bia nước ngọt nên gia đình không cần phải quá chi ly trong chi tiêu nữa. Tuy nhiên, để tạo được một cơ ngơi cho con cháu trong ngày hôm nay, ba mẹ bạn tôi phải biết tiết kiệm một thời gian rất dài. 

Những câu chuyện trên có thể không mang tính điển hình nhưng cũng cho thấy nếu không có những tiết kiệm hay có một quỹ khẩn cấp thì khi gặp khó khăn, nhiều người không biết xoay sở như thế nào. Điển  hình là đại dịch vừa qua hình ảnh hàng ngàn gia đình đèo nhau trên một chiếc xe máy về quê vì mất việc làm, không có tiền trả tiền nhà trọ và ăn uống là một minh chứng cho tầm quan trọng của việc có một quỹ tài chính cho những việc khẩn cấp.

Bài biết này không phải quảng cáo cho các công ty bảo hiểm nhưng việc mua bảo hiểm bên cạnh bảo hiểm y tế hay bảo hiểm xã hội có thể là một phương án mà nhiều gia đình có thể tính đến nhằm có một nguồn tài chính khẩn cấp cho gia đình trong những trường hợp bất khả kháng như bệnh tật, tai nạn.

Các cụ nói miệng ăn núi lỡ, cấm có sai vì của cải có nhiều đến bao nhiêu nhưng tiêu xài hoang phí thì cuối đời vẫn là tay trắng. Câu chuyện Bạch Công Tử - Lê Công Phước, một tay chơi nổi tiếng ở miền Nam những năm của thập niên 1920, 1930 của thế kỷ 20 khi có gia tài là những cánh đồng thẳng cánh cò bay nhưng tiêu xài hoang phí để cuối đời chìm trong nghèo đói, nợ nần và chết trong cô độc là một ví dụ. Có thể, cuộc đời Bạch Công Tử sẽ khác đi nếu lúc sinh thời ông có một quỹ khẩn cấp không đụng vào và dùng nguồn tiền này để khởi sự kinh doanh trở lại thay vì tiêu xài hoang phí.

Do đó, xây dựng cho gia đình một quỹ khẩn cấp chưa bao giờ là quá muộn cả.