Phim “Chồng người ta” đem đến cho khán giả những góc khuất về chuyện tình cảm của giới LGBT. Tuy nhiên, phim lại khai thác không tới, thiếu chiều sâu cần thiết để tạo sự đồng cảm và thấu hiểu.
Tình tiết lê thê và nhiều nhân vật dư thừa
Khởi đầu “Chồng người ta” là những cái liếc mắt đưa tình, sự đụng chạm nhẹ nhàng và cú lên giường táo bạo của hai nhân vật nam Cường (Trịnh Xuân Nhản) và Trung (Phạm Huỳnh Hữu Tài). Tuy nhiên, cách mở màn mãnh liệt này lại làm khán giả quá mong ngóng để rồi thất vọng nặng nề trong các tình tiết nút thắt quan trọng ở giữa phim.
Mối quan hệ tay giữa Cường – Trúc – Thắng gây chú ý từ trailer phim
Sau cảnh nóng, “Chồng người ta” nhanh chóng chuyển sang khung cảnh gia đình ba người hạnh phúc của Cường - Trúc (Yaya Trương Nhi) và con trai Hải (Trần Ngọc Vàng). Cường có vẻ dần quên đi chuyện tình sóng gió năm xưa và trở thành người đàn ông mẫu mực của gia đình. Thế rồi thay vì tập trung hóa giải những thắc mắc của người xem về bước chuyển quá khứ - hiện tại của Cường, thì “Chồng người ta” lại “đi đường vòng” bằng cách… chuyển sang tình yêu sặc mùi ngôn tình của Hải và cô bạn mới chuyển trường (Tú Hảo).
Mối tình “gà bông” của cặp đôi này như tách biệt hoàn toàn với tổng thể tác phẩm. Chưa hết, hai người bạn của Hải cũng chiếm lượng thời lượng “lên sóng” không ít chỉ để gây hài. Dần dần đến cuối “Chồng người ta”, bộ ba người bạn của Hải càng cho thấy sự không liên quan đến mục tiêu mà phim hướng đến.
“Chồng người ta” có rất nhiều cảnh lê thê không đúng chỗ. Điển hình như cảnh Cường bị bắt gặp ăn nằm với Trung rồi khỏa thân chạy dưới mưa lặp đi lặp lại tận 3 lần không rõ mục đích. Hay các phân đoạn Hải và bạn đi ăn, chụp ảnh thiên nhiên, gặp giang hồ đánh nhau… đều xuất hiện một cách vô nghĩa. Thậm chí, ước tính là quãng thời gian miêu tả nhóm bạn của Hải bằng cả toàn bộ phân đoạn nói về quan hệ phức tạp giữa Cường với chàng trai bí ẩn Thắng (Lý Bình) - trong khi đây mới là yếu tố mở ra sự hồi tưởng của Cường về quá khứ khó quên.
Nhóm bạn của Hải được xem là những nhân vật quá dư thừa
Cảnh nóng trong phim được đánh giá là vừa phải, không quá hở hang
Tới gần hết phim, đạo diễn Nguyễn Hữu Tiến dường như mới sực nhận ra chưa cho khán giả hiểu được nguyên nhân khiến Thắng chủ động tiếp cận Cường, Hà (Thanh Trúc) thật sự là ai, sự nghi ngờ giữa hai vợ chồng Cường - Trúc, nỗi dằn vặt của Trúc hay liên hệ giữa Trúc và Trung… Thế nên ông mới “quay xe” vội vội vàng vàng quay lại. 20 phút cuối phim là lúc người xem được “dồn” tất cả tình tiết giải quyết mắc xích quan trọng của phim.
Cảnh nóng của hai diễn viên nam được chiếu ngay từ những cảnh đầu
Trong khi nhân vật chính mơ hồ, vai phụ khó hiểu thì vai diễn của Hải Triều lại bất ngờ trở nên nổi bật. Hải Triều tiếp tục phát huy lối diễn tự nhiên, phong cách thời trang “chặt đẹp” mọi khung hình. Hải Triều mang đến cảm giác mỹ quan vô cùng sang chảnh nhưng không quá lố. Riêng cảnh cùng cô bạn thân Trúc đi bắt gian, Hải Triều còn chuyển biến tâm lý ngọt hơn cả bạn diễn Yaya Trương Nhi. Hải Triều làm tốt và dàn diễn viên khách mời cũng bất ngờ cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không kém. Từ NSƯT Hữu Châu đến BB Trần, Anh Tú, Lê Dương Bảo Lâm,… đều để lại ấn tượng.
Ý nghĩa lưng chừng
Phải dành lời khen lớn cho đội ngũ làm trailer “Chồng người ta”, bởi ê-kíp này đã biết chắt lọc hết những điểm đặc sắc và kết nối thành một câu chuyện trơn tru trong trailer còn hay hơn cả 100 phút bộ phim. Toàn bộ tác phẩm ôm đồm quá nhiều mảnh chuyện nhỏ đã vô tình “bào mòn” cảm xúc khán giả và khiến họ không tiếp thu trọn vẹn được ý nghĩa chính của phim: phận đời phụ nữ khi chọn sai “chồng”.
Diễn viên Hải Triều (trái) vẫn tỏa sáng dù đất diễn không nhiều
Hải Triều xứng đáng với danh hiệu "Nữ hoàng vai phụ" - dù chỉ là vai phụ, nam diễn viên lại là điểm sáng của toàn bộ phim. Có nhiều phân đoạn, Hải Triều chỉ cần liếc mắt, biểu cảm đều rất thu hút, vượt xa nữ chính.
Nỗi khổ và dằn vặt của Hà, của Trúc khác nhau nhưng đều liên quan đến tình cảm đồng tính luyến ái. Trong mối quan hệ chồng chéo với Cường và với Trung, thì Hà và Trúc là nạn nhân nhưng cũng là kẻ hại người. Hà và Trúc là người đáng thương nhưng cũng đáng hận. Cả hai “người đàn bà” đều hi sinh, đều chịu thiệt thòi nhưng không phải ai cũng được hạnh phúc. Cái kết buồn của Hà khiến người xem day dứt và thấy thương cho phận đời phụ nữ dành cả thanh xuân theo đuổi mối tình mà mình mãi mãi là kẻ ngoài cuộc.
Nhân vật Hà là khúc mắt lớn trong “Chồng người ta”
Ưu điểm lớn của “Chồng người ta” chính là biết “hoán đổi” vai trò nữ chính một cách linh hoạt. Nữ chính thật ra không phải “nữ chính”, nữ phụ thật ra mới là tâm điểm của cả bộ phim. Tùy vào góc nhìn, Trúc có thể là nữ chính hoặc Hà mới là nhân vật nữ trung tâm. Và cũng tùy vào góc nhìn khán giả, đứa con tinh thần của đạo diễn Nguyễn Hữu Tiến thật ra đang muốn tôn vinh tình yêu đồng giới hay ngầm cho thấy mặt trái của giới LGBT thời xưa và hiện đại. Đáng tiếc, dù muốn ám chỉ đến ý nghĩa nào thì “Chồng người ta” vẫn không thể làm khán giả thấu hiểu.
Nhìn chung, “Chồng người ta” có ý nghĩa mới lạ nhưng không thể khai thác tốt. Phim có quá nhiều điểm trừ từ bối cảnh năm tháng chưa hợp lý, trang phục không hợp thời đại, diễn xuất các diễn viên còn gượng gạo và thiếu sự ăn ý… Đặc biệt, phần đọc thoại của các nhân vật như đang trả bài cho khán giả, rất vô hồn và không hề thực tế.
Khuyết điểm của “Chồng người ta” đã che mất đi nhiều điểm cộng của phim. Song, đây chỉ mới là phim đầu tay của Nguyễn Hữu Tiến. Anh còn nhiều thời gian để học hỏi, rút kinh nghiệm và hoàn thành tốt hơn ở các dự án sau.