ĐỜI SỐNG

Để có một căn phòng chất lượng cho con trong ngôi nhà chung, cha mẹ nên biết những điều này

Bài và ảnh: Hà Thành • 29-05-2023 • Lượt xem: 805
Để có một căn phòng chất lượng cho con trong ngôi nhà chung, cha mẹ nên biết những điều này

Phòng trẻ em tương đối đặc biệt bởi “chủ nhân” là đối tượng… đặc biệt. Đó là một thế giới riêng, có ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ trong quá trình sống, sinh hoạt, học tập. Để “thế giới riêng” này tối ưu vai trò công năng của một phòng chức năng, đồng thời có cá tính, thì chúng ta phải biết phòng trẻ cần gì?

Những chức năng cần thiết

- Nơi ngủ nghỉ: Phòng trẻ cũng là một phòng cá nhân, thuộc nhóm phòng ngủ trong cấu trúc công năng của một ngôi nhà, do vậy, chức năng dành cho việc ngủ - nghỉ vẫn là quan trọng nhất. Vị trí đặt giường - đệm để ngủ cho trẻ phải được cân nhắc và ưu tiên hàng đầu để đảm bảo chức năng này. Tùy theo số trẻ trong phòng, độ tuổi, giới tính mà có thể đưa ra các thiết kế phù hợp về kiểu dáng, kích thước, màu sắc của hệ thống giường/ đệm, trên cơ sở ưu tiên tạo lập một chỗ ngủ - nghỉ thuận lợi, an toàn.

- Chỗ chơi: Trẻ luôn cần một mặt bằng rộng để chơi; và chỗ chơi trong phòng luôn cần thiết. Việc bố trí nội thất phòng ngủ cho trẻ cần tạo ra một khoảng sàn đủ để bé chơi đùa, hoặc chơi với những loại đồ chơi cần mặt phẳng như đồ chơi chuyển động, lắp ghép - xếp hình... Phòng trẻ không nhất thiết phải đặt giường ở giữa phòng với lối đi hai bên (như kiểu phòng người lớn) mà nên đẩy sát về 1 phía để có khoảng không gian chơi cho trẻ.

- Góc học tập: Trẻ tới 6 tuổi là bắt đầu đi học. Vì vậy một góc học tập với bàn học là không thể thiếu. Đi kèm với hệ thống bàn nhất thiết phải có giá kệ cho bé để sách vở và các học cụ. Dù là nhỏ, nhưng nhu cầu của trẻ với vấn đề này không hề nhỏ, và trong điều kiện có thể hãy cho bé một chiếc bàn to (dài) thay vì một chiếc bàn bé xíu vừa đủ. Ngoài việc học (viết, đọc), bé còn có nhu cầu chơi, làm thủ công trên bàn.

Phòng trẻ, là một không gian “nhiều trong một”: Ngủ nghỉ, chơi, học tập

- Tủ, kệ để đồ: Ngoài những tủ kệ để quần áo và các đồ dùng sinh hoạt cá nhân khác (như ba lô, túi, mũ...) thì phải có hệ thống tủ - kệ để đồ chơi. Trẻ nhỏ có rất nhiều đồ chơi và một trong những sinh hoạt của bé là việc chơi với đồ chơi. Cho dù lứa tuổi có thay đổi, thì khoảng thời gian chơi này của bé cũng là khoảng thời gian dài (từ khoảng 4 đến 12 tuổi) với nhiều loại đồ chơi khác nhau. Cần phải có các ô, hộc tủ cho bé cất đồ cũng như các giá, kệ cho bé trưng bày. Lưu ý rằng thiết kế cần đưa ra các kích thước khác nhau, phong phú để cho nhiều loại đồ.

Phòng trẻ cần có các ô hộc, giá kệ cho trẻ để đồ chơi.

Tiện dụng, an toàn

Khi trẻ đã có một phòng riêng, tức là trẻ đã là “chủ nhân” của không gian đó, với quyền “độc lập, tự chủ”, sự riêng tư trong giới hạn nhất định. Tuy vậy, trẻ vẫn là... trẻ. Trẻ không thể tự kiểm soát hay chủ động xử lý các tình huống bất ngờ nếu xảy ra. Vì vậy, vấn đề tiện dụng và an toàn trong phòng trẻ là một vấn đề rất quan trọng. Các thiết kế về kiến trúc - nội thất và kỹ thuật luôn phải hướng tới yêu cầu đó. Mặt bằng bố trí phòng luôn phải đảm bảo logic, khoa học, mạch lạc, giao thông thuận tiện; tránh việc có các cấu trúc, yếu tố bất thường như các góc nhọn đâm ra, chênh cốt... Hệ thống kỹ thuật điện phải an toàn, có đầy đủ các thiết bị an toàn để tự động ngắt khi có sự cố. Các hệ thống điện, nước, điện tử vận hành phức tạp không nên đặt trong phòng trẻ; hoặc nếu có thì không trao quyền điều khiển, vận hành cho trẻ. Các hệ thống cửa, hoa sắt, lan can liên quan đến cầu thang, giếng trời, ban công, logia phải được thiết kế đúng tiêu chuẩn an toàn. Việc vận hành liên quan đến hệ thống cửa sổ, cửa ra ban công, lo-gia phải được người lớn kiểm soát chặt chẽ, vì trẻ em rất hiếu động.

Đối với phòng trẻ, tiện dụng và an toàn là những yếu tố quan trọng nhất

Cần lưu ý cả vấn đề an toàn thoát hiểm. Khi có sự cố, trẻ thường không xử lý được mà chỉ phản ứng theo bản năng là kêu cứu hoặc chạy trốn. Hệ thống cửa, khoá phòng trẻ không nên quá phức tạp, hiệu quả theo kiểu “bền - chắc” mà cần dễ sử dụng - cho trẻ vận hành ở hướng thoát ra ngoài cũng như hướng tiếp cận (của người lớn) từ ngoài nếu có sự cố. Với trẻ em ở tuổi nhỏ (dưới 10 tuổi), mức độ riêng tư không cao, nên cửa phòng có thể làm cửa có ô kính trong để dễ quan sát từ bên ngoài và nếu có sự cố có thể phá vỡ kính để mở chốt khóa bên trong.

Phù hợp độ tuổi, giới tính và cá tính

Thực tế, việc thiết kế phòng trẻ không hề dễ, bởi có nhiều nhu cầu gói gọn trong một không gian không lớn – so với các phòng ốc khác trong một ngôi nhà. Phòng trẻ, không có nghĩa là nhiều màu sắc với những hình ảnh ngộ nghĩnh của các nhân vật cổ tích hay hoạt hình. Phòng trẻ, không có nghĩa là trang trí thật nhiều mà quên đi những vấn đề cơ bản của một không gian kiến trúc... Trẻ là một đối tượng đặc biệt như đầu bài đã nói, và cũng có nhiều những... phức tạp liên quan đến độ tuổi, giới tính và cá tính.

Phòng bé gái duyên dáng, điệu đà. Trẻ nhỏ thường phân biệt giới tính khá rõ trong việc lựa chọn các yếu tố thẩm mỹ, màu sắc.

Phòng trẻ được thiết kế và sử dụng trong một thời gian dài, chứ không phải một chốc, và trẻ con thì lớn lên. Trẻ cũng không giống nhau ở giới tính và cá tính, và điều này cũng thay đổi theo độ tuổi. Từ 3-5 tuổi bé đã có những nhận thức và giới tính và hình thành nên thói quen, tính cách của mình. Có thể nhận thấy các bé trai thường thích các đồ chơi như bóng, ô tô, thích các vật dụng đơn giản, thích màu xanh; còn bé gái thích búp bê, thích những thứ diêm dúa, thích màu hồng...  Khi lớn lên nữa, bé lại thay đổi, có thể do tính cách, cũng có thể ảnh hưởng do người lớn, do môi trường gia đình hay nhà trường. Trẻ dưới 6 tuổi thì hoạt động chính là ăn, ngủ và chơi; trẻ từ 6 tuổi trở đi có thêm hoạt động học tập. Từ 10 tuổi trở đi trẻ đã bắt đầu chuyển sang một giai đoạn khác, có yếu tố “người lớn”, có những nhu cầu riêng tư và bí mật của mình... Tất cả những sự thay đổi ấy rất cần được hiểu, theo dõi để đáp ứng nhu cầu cho trẻ trong một không gian sống phù hợp.

Với những trẻ lớn, phòng cần đơn giản hơn và tiết chế trong vấn đề trang trí.

Việc thiết kế phòng cho trẻ cần phải căn cứ trên tổng thể các mối quan hệ - nhất là yếu tố xã hội, chứ không gói gọn trong phạm trù chuyên môn kiến trúc hay nội thất, không phải là vấn đề trang trí kiểu vẽ tranh tô màu. Việc thiết kế cũng cần “nhìn xa trông rộng” cho tương lai, tránh ấn định vào một không gian theo kiểu nhìn thì đẹp nhưng nhanh chóng lỗi  thời vì không còn phù hợp.