ĐỜI SỐNG

Deepfake, thủ đoạn công nghệ khiến nhiều người bị kẻ gian lừa đảo

Lan Hương • 31-03-2023 • Lượt xem: 10589
Deepfake, thủ đoạn công nghệ khiến nhiều người bị kẻ gian lừa đảo

Công nghệ ngày càng phát triển khiến người ta có thể làm nhiều thứ tưởng chừng như không thể, ngay cả việc giả mạo hình ảnh và giọng nói của người khác. Lợi dụng công nghệ deepfake, các kẻ lừa đảo đã thực hiện chiếm đoạt tài sản của rất nhiều người một cách dễ dàng.

Thông qua các ứng dụng như zalo, messenger…, người nhận đa phần rất khó để phân biệt đâu là cuộc gọi giả mạo bởi các đoạn video được tạo ra với hình ảnh và có khi cả giọng nói giống y như một người nào đó chúng ta quen biết.

Deepfake là gì?

Deepfake là thuật ngữ được kết hợp giữa “deep” trong từ “deep learning” tức là học sâu và “fake” nghĩa là giả mạo, đây là phương thức tạo ra những sản phẩm công nghệ giả với các hình thức như hình ảnh, âm thanh, thậm chí là những đoạn video như thật nhờ sự tiến bộ của trí tuệ nhân tạo AI.

Deepfake hoạt động bằng cách quét video và ảnh chân dung của một người sau đó sẽ thay thế các chi tiết gương mặt của người đó như mắt, mũi, miệng, các chuyển động của gương mặt cũng như ghép cả giọng nói vào một video riêng biệt nhờ AI.

Càng thu thập được nhiều thông tin gốc thì hình ảnh video giả mạo sẽ càng chân thực.

Chính vì vậy nếu càng thu thập được nhiều hình ảnh gốc thì AI càng có nhiều thông tin để học và dữ liệu hình ảnh được gán ghép càng trở nên chân thật. Công nghệ này có thể biến gương mặt của người này thành một người khác với độ sống động và chân thực đến kinh ngạc.

Nói chung, deepfake là chương trình dùng để tạo ra những đoạn video giả dựa trên những dữ liệu thật. Nó được ứng dụng trong việc tạo ra những video giải trí vui vẻ hoặc với mục đích hữu ích, chẳng hạn như tạo hình một số nhân vật lịch sử. Bằng cách dựa theo những hình ảnh hay giọng nói còn lưu lại của các nhân vật, để tạo ra những minh họa sinh động.

Hoặc trong một bộ phim sắp hoàn thành nhưng bất ngờ một diễn viên gặp trục trặc không tham gia được, thì deepfake sẽ được sử dụng để tạo hình diễn viên ấy và tiếp tục phần còn lại của bộ phim.

Bên cạnh những ứng dụng hữu ích của deepfake, công nghệ này hiện đang được kẻ gian lợi dụng để thực hiện cho mục đích xấu chẳng hạn giả mạo, lừa đảo tài sản hoặc bôi nhọ danh dự người khác…

Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi của kẻ gian bằng deepfake

Nếu một ngày bạn nhận được tin nhắn của người thân hay bạn bè, người quen hỏi vay tiền, bạn cẩn thận gọi lại để xác minh xem đúng hay không thì có thấy hình ảnh và cả giọng nói như thật. Bạn đã tin tưởng và thực hiện chuyển khoản theo yêu cầu mà không mảy may hoài nghi thêm nữa. Và sau đó bạn mới phát hiện tài khoản cá nhân của người mình vừa chuyển tiền đã bị chiếm đoạt. Thì chắc chắn bạn đã rơi vào bẫy deepfake của bọn lừa đảo.

Đã có rất nhiều người dân là nạn nhân của chiêu trò lừa đảo tinh vi thế này, đa phần cuộc gọi chỉ diễn ra vài giây, có thể thấy được khuôn mặt và giọng nói của người thân quen cùng cách xưng hô quen thuộc. Tuy nhiên chất lượng video thường kém, hình ảnh không rõ nét và chập chờn ngắt quãng rồi lấy lý do sóng yếu để nhắn tin nhằm tạo lòng tin cho người bị hại.

Theo các chuyên gia cho biết, để thực hiện được hình thức lừa đảo này, kẻ gian đã tìm cách chiếm đoạt tài khoản facebook, zalo… của người dùng. Sau đó tìm kiếm, thu thập thông tin, video có giọng nói, hình ảnh… được người dùng đăng tải công khai trên mạng xã hội. Rồi sử dụng deepfake để cho ra những video giống thật và tạo ra một kịch bản để phục vụ cho mục đích lừa đảo.

Kẻ gian sẽ sử dụng những cuộc gọi giả mạo từ deepfake để lừa đảo người dùng.

Các cơ quan chức năng cảnh báo người dân cần cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo này. Khi nhận được lời đề nghị nhờ chuyển khoản từ ai đó, cần xác minh chắc chắn có phải bạn bè, người thân của mình hay không. Bằng cách chủ động gọi trực tiếp bằng số điện thoại, hoặc call video ít nhất trên một phút. Rồi giả vờ đặt ra những câu hỏi chỉ có mình và người đó biết. Vì deepfake sẽ không giả mạo được chuẩn xác trong một cuộc trò chuyện với thời gian dài, và cảm xúc cũng như biểu cảm của AI hay deepfake tính đến nay vẫn không thể bắt chước được y như người thật một cách hoàn toàn.

Bên cạnh đó, người dùng nên hạn chế chia sẻ thông tin hay hình ảnh cá nhân của mình trên các trang mạng xã hội. Cần bảo mật tài khoản email và tài khoản mạng của mình bằng mật khẩu độ khó cao để phòng ngừa kẻ gian có thể đánh cắp thông tin của mình rồi sử dụng vào mục đích xấu.