Mặc dù còn hơn một tháng nữa mới tới Tết nhưng tất cả mọi người đặc biệt là người lao động đều thấp thỏm trông chờ thưởng Tết, mong muốn có thêm một khoản để trang trải cuộc sống, đón một cái Tết ấm no.
Nỗi lo âu trước thềm Tết
Hình ảnh minh họa
Theo bộ Luật hiện hành, không có quy định cụ thể về việc bắt buộc doanh nghiệp phải thưởng Tết cho người lao động, nhưng thưởng Tết luôn tồn tại như một hình thức văn hóa của doanh nghiệp, là niềm mong mỏi lớn lao của nhiều người.
Vợ chồng anh Thắng (35 tuổi), chị Nhung (30 tuổi) cùng quê Nghệ An, trải lòng về cuộc sống của mình. Anh chị đã vào Sài Gòn được hơn 10 năm. Anh thì làm tài xế chở hàng cho siêu thị, chị làm công nhân may cho một xí nghiệp ở Quận 7. Lương tháng của hai vợ chồng gom góp cũng chỉ đủ để chi trả cho sinh hoạt phí hằng ngày, trả tiền thuê nhà trọ, điện nước và lo cho hai con nhỏ ăn học.
Tết năm nay, anh chị dự định cho các con về quê thăm ông bà vì cũng hơn 2 năm rồi chưa về. Nhẩm tính sơ sơ thì tiền vé xe tàu, quà biếu tặng, lì xì cho sấp nhỏ, mua sắm dịp Tết cũng tốn ngót nghét cả tháng lương của hai vợ chồng. Cứ mỗi khi Tết đến xuân về, hơn ai hết, anh chị lại mong mỏi tiền thưởng Tết cao hơn một chút để có thể chi tiêu thoải mái hơn.
Anh Thắng cho hay:
“Năm ngoái công ty mình thưởng Tết cho nhân viên trọn một tháng lương là 8 triệu, vợ mình thì được thưởng 7 triệu. Bên cạnh đó công ty còn tặng quà, lì xì và hỗ trợ vé về quê ăn Tết cho nhân viên. Năm nay, tình hình kinh tế khó khăn, chưa có thông tin gì về lương thưởng, mình và mọi người đều thấp thỏm, mong mỏi chờ thông báo. Hi vọng là sẽ có một số tiền kha khá để cả gia đình về quê sum họp, đón Tết đoàn viên”.
Hình ảnh minh họa
Có cùng hoàn cảnh là chị Lan Anh (29 tuổi, công nhân trong một công ty về linh kiện điện tử ở Nhà Bè). Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, chị cho hay, chị và chồng quen biết và lấy nhau cũng đã 5 năm. Trước đây làm nương rẫy nên không ăn thua, chị đành khăn gói xa quê hương lên thành phố làm công nhân. Hàng tháng chị đều chắt góp, tằn tiện chi tiêu để gửi tiền về phụ anh lo cho con cái ăn học. Năm nay là một năm đầy khó khăn đối với chị. Vì trong bối cảnh công ty thiếu đơn hàng nên công nhân chỉ được đi làm ca chính, không có cơ hội tăng ca, kiếm thêm. Đầu năm nhiều hàng, lương của chị xấp xỉ 10 triệu/tháng nhưng bây giờ giảm sút chỉ khoảng 7-8tr/tháng. Những ngày gần đây, chị nghe phong phanh thưởng Tết sẽ giảm, không được như năm ngoái mà lòng cảm thấy buồn bã, lo âu, trăn trở đêm không ngủ được.
“Mười đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng. Thưởng Tết là một món quà tinh thần không thể thiếu đối với người lao động, kích thích mạnh mẽ người lao động cố gắng phấn đấu trong công việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Cả năm đi làm vất vả chỉ trông chờ khoản thưởng Tết để cuộc sống ấm no hơn. Mong rằng doanh nghiệp nhìn nhận và quan tâm đến đời sống công nhân, tạo điều kiện động viên tinh thần để mọi người tiếp tục cố gắng.”
Chị cũng hi vọng là những tháng cuối năm này, tình hình sẽ khả quan hơn, doanh nghiệp gặt hái được nhiều thành công để có điều kiện chăm lo tốt hơn cho người lao động.
Các bạn trẻ mong chờ thưởng Tết
Cuộc sống độc thân, không phải chịu áp lực quá nặng nề về vấn đề kinh tế, gia đình hay con cái, các bạn trẻ lại khá lạc quan, vui vẻ, thoải mái và hào hứng đón nhận khoản tăng thêm này.
Hình ảnh minh họa
May mắn được làm trong một công ty có mức lương cao, chế độ đãi ngộ tốt nên chị Phương Nghi (25 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ:
“Việc khen thưởng dựa trên tình hình hoạt động của công ty. Năm nay kinh tế có nhiều khởi sắc, cuối năm là thời điểm vô cùng bận rộn nhưng mọi người ai nấy cũng vô cùng phấn khởi và cố gắng phấn đấu để hoàn thành công việc được giao. Công ty mình dự kiến mức thưởng Tết Nguyên đán 2025 sẽ cao hơn các năm trước do mức lương tối thiểu vùng tăng trong năm nay. Thông thường sẽ thưởng trọn một tháng lương và các khoản khen thưởng khác như thưởng thâm niên, thưởng chuyên cần, thưởng trách nhiệm,... Có nhiều bạn được thưởng cả 2 tháng lương, 3 tháng lương nếu có thành tích nổi bật, xuất sắc trong năm, nên ai ai cũng háo hức mong chờ.”
Chị chia sẻ thêm, mỗi dịp Tết về, chị thường trích ra khoảng 50% tiền lương và thưởng để chi tiêu trong những ngày Tết. Số tiền còn lại thì tiết kiệm để dành cho những kế hoạch lớn hơn như kết hôn, mua nhà, mua xe trong tương lai.
Năm nay là năm đầu tiên đi làm nên Ngọc Trâm (22 tuổi) nhân viên sale của một cửa hàng thời trang ở TP.HCM tỏ ra vô cùng hào hứng mong chờ được thưởng Tết.
“Bắt đầu từ tháng 11, công ty mình đã thông báo thưởng Tết. Số tiền thưởng không cố định mà dựa vào KPI (chỉ số hiệu quả công việc) của từng người. Nếu càng bán được nhiều hàng thì thưởng Tết càng cao. Đó là động lực để thúc đẩy chúng mình cố gắng hoàn thành chỉ tiêu được đặt ra. Mình và mọi người ai ai cũng chạy đua trong những tháng cuối năm, mong có một khoản tiền thưởng kha khá để chi tiêu trong những ngày Tết này”.
Tết là kỳ nghỉ để cô nàng xả stress, thư giãn và sạc lại năng lượng cho bản thân. Về kế hoạch của mình, cô nàng sẽ trích một phần tiền thưởng để biếu bố mẹ ở quê và lì xì các em nhỏ. Bên cạnh đó, cô sẽ mua sắm những món đồ mà mình yêu thích như một phần thưởng vì cả năm đã cố gắng làm việc vất vả. Ngoài ra, cô cũng dự định đi du lịch trong những ngày nghỉ dài hạn này.
Hi vọng rằng những tháng cuối năm, mọi khó khăn của năm 2024 sẽ qua đi, tình hình kinh tế khả quan hơn, mọi thứ đều tốt đẹp để mọi người có một cái Tết ấm no hạnh phúc.