GIẢI TRÍ

Đến lúc cần mạnh tay với nghệ sĩ vướng scandal

DDVN • 26-10-2021 • Lượt xem: 835
Đến lúc cần mạnh tay với nghệ sĩ vướng scandal

Đề xuất cấm, thu hồi sản phẩm nghệ sĩ vi phạm đạo đức được ủng hộ nhưng vẫn còn những trăn trở.

 

Khán giả ủng hộ cấm, thu hồi sản phẩm của nghệ sĩ tai tiếng

Trong buổi thảo luận về dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi mới đây, đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà (Lào Cai) đề xuất nên có quy định trong dự thảo luật về dừng chiếu hoặc rút phép đối với các tác phẩm điện ảnh khi người nghệ sĩ vi phạm đạo đức an ninh chính trị hoặc phát ngôn nào đó.                              

Bà dẫn chứng thời gian qua Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch rất mạnh mẽ để loại bỏ ngôi sao có lối sống lệch chuẩn, nhằm nâng cao chất lượng nghệ sĩ, buộc họ phải trau dồi kỹ năng, đề cao các giá trị sản phẩm…

“Tôi nghĩ chúng ta cũng có thể tham khảo vấn đề này, bởi vì người hoạt động nghệ thuật cần phải hết sức giữ gìn hình ảnh của mình, nghệ sĩ cần đức trước khi cần tài”, đại biểu Lê Thu Hà nêu ý kiến.


Đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà

Câu chuyện này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của dư luận trên nhiều diễn đàn. Đa phần đều ủng hộ quan điểm này. Nhưng khán giả cho rằng lệnh cấm, thu hồi sản phẩm không chỉ nên khu biệt trong lĩnh vực phim ảnh mà cần mở rộng ra ở những lĩnh vực khác như: Âm nhạc, gameshow, truyền hình thực tế... Bởi thời gian qua, những nơi này cũng xảy ra không ít vụ việc ồn ào, gây xáo động dư luận.

Anh Trần Thanh Bình (34 tuổi, TPHCM) chia sẻ: “Không thể phủ nhận ngày nay nghệ sĩ ngày càng có ảnh hưởng lớn đến giới trẻ. Nhiều bạn xem thần tượng là hình mẫu để họ học tập theo. Tôi nghĩ điều này không xấu nếu thần tượng có những câu chuyện hay truyền cảm hứng đến giới trẻ. Tuy nhiên, không ít nghệ sĩ biết nhưng vẫn chưa có nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của mình. Họ vô tư phát ngôn thiếu chuẩn mực, thậm chí tự hào về chuyện làm người thứ ba... Nhưng trước nay không có chế tài nào để xử lý những hành vi này, ngăn chặn, loại trừ chúng. Vì thế, tôi luôn hy vọng sẽ có luật điều chỉnh cụ thể. Bởi khi đã có luật, buộc ai cũng phải tuân theo những khuôn khổ chung đó, không được làm trái”.

Chị Anh Minh (27 tuổi, TPHCM) bức xúc khi thấy ca sĩ Jack vẫn nghiễm nhiên xuất hiện trong chương trình Running man phiên bản Việt mùa thứ hai, dẫu trước đó không lâu vướng scandal ầm ĩ. Không riêng vụ việc này, chị cũng nhiều lần đặt dấu hỏi vì sao một số cái tên thường vướng tai tiếng vẫn được xuất hiện trên sóng truyền hình


Ca sĩ Jack vẫn xuất hiện trên gameshow dù vướng ồn ào đời tư

“Quy định cấm sóng, cấm, thu hồi sản phẩm của nghệ sĩ vướng tai tiếng nên được làm đến nơi đến chốn. Nhiều NSX vẫn ngó lơ với scandal của nghệ sĩ vì lượng người hâm mộ đông đảo của họ, hoặc các quyền lợi tài trợ. Quy định này cũng sẽ siết chặt họ. Riêng nghệ sĩ, tôi cho rằng họ là đại diện truyền bá, quảng bá văn hoá. Vì thế, nếu vi phạm pháp luật, đạo đức thì không còn tư cách xuất hiện trước công chúng nữa”, chị nói.

Chị Minh Huyền (27 tuổi, TPHCM) cũng đồng ý với đề xuất trên. Nghệ sĩ khi được khán giả yêu thương phải sống, làm việc chuẩn mực để xứng đáng với điều đó. Theo chị, việc thiết lập bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ cần có, quy định chi tiết, chặt chẽ hơn nữa. “Trước nay, tại Việt Nam chưa có tiền lệ nào cho thấy cơ quan chức năng đã quản lý nghiêm nghệ sĩ. Việc cấm sóng có thể là bước đầu tiên, và cần những biện pháp chế tài thật mạnh tay”, chị nói.

Người làm nghề đồng ý nhưng vẫn băn khoăn                 

Việc tạo nên môi trường làm việc trong sạch, lành mạnh, nhằm giúp nâng cao hình ảnh nghệ sĩ trong lòng công chúng là điều nhiều người mong muốn. Vì thế, trước đề xuất nên có quy định để điều chỉnh hành vi nghệ sĩ, người làm nghề đồng tình nhưng còn nhiều trăn trở.

Đạo diễn Thanh Vân chia sẻ: “Hội hoạ, thơ, nhạc phần lớn là sản phẩm độc lập thuộc sở hữu của nghệ sĩ. Nhưng phim ảnh là sản phẩm của tập thể với sự góp sức của nhiều người. Vì thế, chỉ vì sai phạm, bê bối của 1 diễn viên dẫn đến buộc phim bị cấm, ngừng chiếu, thu hồi là chuyện phải cân nhắc rất nhiều nếu muốn cụ thể hoá bằng luật. Chưa kể, hiện tại chi phí đầu tư cho một bộ phim không hề nhỏ. Vì thế, quyết định cấm, thu hồi sẽ gây tổn thất không nhỏ về kinh tế”.

Anh đề xuất trong trường hợp này cần thành lập một hội đồng đạo đức để xem xét tính chất vụ việc, từ đó đưa ra quyết định cuối cùng. Khi có sự tham gia của nhiều người sẽ có thể đảm bảo vụ việc không bị giải quyết phiến diện, cực đoan. Ngoài ra, việc tham khảo, lấy ý kiến công chúng cũng là việc nên được nghĩ đến. 


Đạo diễn Thanh Vân cho rằng phim ảnh có đặc thù là sản phẩm của tập thể nên cần có sự suy xét kỹ lưỡng trước mọi quyết định

NSND Trần Ngọc Giàu (Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu TPHCM) cho rằng nếu chỉ nói chung chung rằng vi phạm đạo đức, vướng scandal, có đời tư không sạch sẽ e rằng sẽ khó xử lý thuyết phục. “Khán giả, công chúng có lý lẽ, cách nhìn nhận của họ thì nghệ sĩ cũng có quan điểm riêng. Vì thế, tôi cho rằng nếu muốn thành luật phải quy định cụ thể. Vi phạm phải được kết luận, xử lý rõ ràng, sau đó mới tính đến việc cấm, thu hồi sản phẩm. Như thế mới thuyết phục. Chúng ta muốn vận hành theo luật thì phải rõ ràng, cụ thể, chứ không thể nói chung chung”, ông chia sẻ.

Ông đánh giá việc thu hồi, cấm sản phẩm của nghệ sĩ vướng tai tiếng, sẽ gây tổn thất, đặc biệt với những công trình mang tính tập thể cao. Vì thế, trước tình hình hiện tại, các ê-kíp sản xuất nên nghiên cứu việc thiết lập những điều khoản trong hợp đồng, chẳng hạn buộc nghệ sĩ giữ gìn hình ảnh, không làm ảnh hưởng đến tác phẩm... từ đó có căn cứ xử lý, bồi thường nếu có tình huống xấu xảy ra. “Công chúng ngày một khắt khe hơn thì người làm nghề càng phải nghiêm chỉnh hơn”, ông nói. 


NSND Trần Ngọc Giàu cho rằng cần có khung quy định cụ thể nếu muốn cấm, thu hồi sản phẩm của nghệ sĩ tai tiếng

Thời gian qua, Hàn Quốc và Trung Quốc là 2 đất nước mạnh tay xử lý nghệ sĩ vi phạm đạo đức, vướng scandal. Tại Hàn Quốc, nghệ sĩ vướng bê bối gần như khó có đường quay lại làng giải trí. Gần đây nhất, nam diễn viên Kim Seon Ho vừa nổi lên với bộ phim Điệu cha cha cha làng biển sau khi thừa nhận từng ép bạn gái phá thai đã bị huỷ hàng loạt hợp đồng, bôi mờ mặt trên sóng truyền hình. Sự nghiệp vừa bừng sáng đã vụt tắt.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, thời gian gần đây cơ quan quản lý văn hoá liên tục vào cuộc, đưa ra những quy định mới để siết chặt hoạt động của nghệ sĩ. Một cuộc thanh tẩy lớn diễn ra chưa từng có loại bỏ nghệ sĩ trốn thuế, có đời tư không sạch sẽ, phát ngôn thiếu chuẩn mực, không đủ năng lực... 

Dĩ nhiên, bất kỳ sự việc nào cũng có mặt được và chưa được. Chẳng hạn, một bộ phận công chúng cho rằng các quy định khiến nghệ sĩ sẽ bị gò bó hơn, mất tự do. Tuy nhiên, để hướng đến môi trường giải trí lành mạnh, nhằm phục vụ tốt cho công chúng, thì việc điều chỉnh hành vi của nghệ sĩ về đúng chuẩn bằng luật là hết sức cần thiết trong thời điểm này. 

Trước những sự việc ồn ào của nghệ sĩ Việt thời gian qua, khán giả cũng không ít lần lên tiếng tẩy chay. Nhưng một thời gian sau khi sự việc lắng xuống, họ lại nghiễm nhiên xuất hiện. Quyền lực khán giả có thật, nhưng vẫn chưa thể trở thành công cụ để khống chế, điều chỉnh nghệ sĩ. Thay vào đó, luật định mới đủ sức răn đe.

Theo Trung Sơn/Phunuonline.com.vn