ĐỜI SỐNG

Điểm du lịch canh nông không được đầu tư kinh doanh lưu trú

Quang Sáng • 16-04-2021 • Lượt xem: 1867
Điểm du lịch canh nông không được đầu tư kinh doanh lưu trú

Thời gian qua, Du lịch canh nông của Đà Lạt nổi lên nhưng một điểm du lịch hấp dẫn nhưng vì thế mà có những bất cập nhất định. Do đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quy chế tạm thời về điểm du lịch canh nông phải có diện tích tối thiểu 5.000 m2 trên địa bàn thành phố Đà Lạt và 10.000 m2 đối với địa bàn thành phố Bảo Lộc và các huyện còn lại. Và những địa điểm này tuyệt đối không được đầu tư kinh doanh lưu trú.

Cụ thể, với diện tích cho du lịch canh nông nói trên, người dân được phép chuyển đổi không quá 50% diện tích đất nông nghiệp sang xây dựng các công trình không có mái che như bãi đậu xe, hệ thống đường giao thông nội bộ… 

Đối với các công trình có mái che (cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch canh nông) chỉ được phép xây dựng không quá 3%, 4% và 5% tương ứng lần lượt các diện tích đất nông nghiệp 10.000 m2, 7.000 m2 - 10.000 m2, 5.000 m2 - 7.000 m2. Toàn bộ diện tích đất còn lại chỉ để canh tác nông nghiệp phục vụ du lịch canh nông. Tuyệt đối không được đầu tư kinh doanh lưu trú tại điểm du lịch canh nông.

Lâm Đồng là một trong những tỉnh đầu tiên của Việt Nam triển khai thí điểm về du lịch canh đông và sau 5 năm triển khai Lâm Đồng đã gây ấn tượng tốt, thu hút du khách và góp phần tăng trưởng du lịch tại địa phương.

Là một trong các đơn vị được tỉnh cấp giấy chứng nhận mô hình điểm du lịch canh nông, vườn bí ngô khổng lồ của ông Lê Hữu Phan, phường 9, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) trở thành điểm đến hấp dẫn. Ngay cả khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều khu du lịch, điểm tham quan phải hoạt động cầm chừng, thì ở đây vẫn luôn đông du khách.

Theo ông Lê Hữu Phan, cái hấp dẫn ở các mô hình du lịch canh nông là khách được tự do, gần gũi với tự nhiên: “Khách tham quan được thoải mái, tự do, thích thú vì được trải nghiệm thiên nhiên. Bên cạnh đó, đây là nơi giới thiệu những sản phẩm của Lâm Đồng, của Đà Lạt, những sản phẩm đặc trưng, các sản phẩm đang trồng tại vườn. Điều đó khiến cho nhiều du khách thích thú, ấn tượng tốt”.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, từ năm 2018 đến nay, du lịch canh nông ở tỉnh đã thu hút trên 6 triệu lượt du khách, mang lại tổng doanh thu gần 250 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động tại địa phương. Nhiều mô hình ở tỉnh cho thấy, giá trị của 1 ha canh nông kết hợp với du lịch, đã cho thu nhập đến 5 tỷ đồng/ha/năm, gấp 2,5 lần so nông nghiệp thuần túy.

Tuy nhiên, mô hình này của Lâm Đồng cũng bộc lộ nhiều hạn chế, cần cách quản lý và hoạt động hiệu quả, lành mạnh hơn buộc tỉnh này phải có những điều chỉnh như đề cập ở trên.