GIẢI TRÍ

Điện ảnh Việt 2022: Thất thu phòng vé

Cẩm Chi • 09-12-2022 • Lượt xem: 2660
Điện ảnh Việt 2022: Thất thu phòng vé

Với số lượng gần 40 tác phẩm ra rạp nhưng hầu hết đều thua lỗ nặng về doanh thu, chất lượng thấp về diễn xuất, cách khai thác đề tài không thu hút, kịch bản nội dung thiếu mới lạ đã kéo theo một năm lặng lẽ và trầm buồn của điện ảnh Việt.

Nội dung sơ sài, chất lượng kém

Lỗ hàng chục tỷ đồng, thất thế trên chính sân nhà chính là bức tranh chung của các phim Việt ra rạp trong năm qua. Gần đây phải kể đến bộ phim hiếm hoi về lịch sử trong năm - "Huyền sử vua Đinh" đã ngưng chiếu ở rạp sau 10 ngày khi chỉ thu về 43 triệu đồng theo thống kê của Box Office Việt Nam. Tác phẩm nhận nhiều lời chê vì câu chuyện lịch sử thiếu thuyết phục, không khai thác được yếu tố tâm lý nhân vật anh hùng, trong khi tạo hình phục trang sơ sài, mắc lỗi các hình ảnh hiện đại (người nhuộm tóc, cột điện, gian nhà cấp bốn...)

Bộ phim lịch sử duy nhất trong năm thất thu về phòng vé và chất lượng

Một số phim mặc dù có đề tài hot về slasher - giết người hàng loạt, zombie, kinh dị cũng không chinh phục được khán giả, chủ yếu do phần câu chuyện yếu, hóa trang không đạt, cái kết nửa chừng, cố gây sợ hãi hay chọc cười nhưng khiên cưỡng, phi logic (Vô diện xác nhân, Cù lao xác sống, Virus cuồng loạn, Chuyện ma gần nhà, Bóng đè). Phim "Duyên ma" với 2 diễn viên chính là Kiều Minh Tuấn và Ngọc Trinh bị đa phần khán giả nhận xét diễn xuất của diễn viên gượng gạo, lố bịch; kịch bản nhiều đoạn hài thô thiển; xây dựng hồn ma xấu tính; kỹ xảo sơ sài, giả tạo. Diễn xuất và tạo hình của Ngọc Trinh cũng là điểm trừ.

Dù quy tụ dàn cast nổi tiếng nhưng hầu hết các phim hài và zombie đều bị chê dở tệ

Một số bộ phim đầu tư dàn diễn viên là những hoa hậu, siêu mẫu nổi tiếng hay tài tử điện ảnh nước ngoài. Tuy nhiên những gương mặt vàng này không bảo chứng được chất lượng của toàn bộ phim. "Người tình" với sự tham gia của siêu mẫu Minh Tú cùng nhiều cảnh nóng táo bạo bị đánh giá phản cảm, thô tục, nội dung nhạt nhẽo, cách kể chuyện lỗi thời chỉ thu 1,3 tỷ đồng. “578: Phát đạn của kẻ điên” dù gây ấn tượng với sự góp mặt của Hoa hậu H'hen Niê, nhưng cách xây dựng nhân vật dễ đoán, kịch bản thiếu bứt phá và ghép cảnh lộn xộn khiến người xem hụt hẫng. Phim dời phòng vé sớm với doanh thu vỏn vẹn 3 tỉ đồng sau 2 tuần công chiếu.

"Kẻ thứ 3" gây thất vọng dù đầu tư mạnh tay 

Điển hình của sự đầu tư phải kể đến “Kẻ thứ ba”. Dù phim có sự tham gia của nam tài tử đình đám Han Jae Suk cùng ê-kip Hàn Quốc uy tín, thế nhưng doanh thu chỉ nhận về vỏn vẹn gần 1 tỉ đồng và trụ rạp được hơn 10 ngày. Lý Nhã Kỳ tiết lộ, cô bỏ vốn khoảng 33 tỉ đồng sau khi mua lại bản quyền. Diễn xuất của nữ chính, đài từ yếu là một trong những nguyên nhân khiến phim thất bại.

Những “điểm sáng rực rỡ” hiếm hoi

Giữa bức tranh mù mịt, “Em và Trịnh, Đêm tối rực rỡ, Tro tàn rực rỡ, Bẫy ngọt ngào”… là những bộ phim hiếm hoi của năm 2022 tương đối làm tròn vai của một tác phẩm điện ảnh. 

Ở dòng phim độc lập, "Tro tàn rực rỡ" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tạo phát súng khởi sắc khi giành giải thưởng Khí cầu đốt lửa vàng - giải cao nhất tại Liên hoan phim Ba lục địa ở Pháp. Đây cũng là phim Việt Nam đầu tiên tranh giải thưởng Liên hoan phim quốc tế Tokyo (TIFF) 2022. Tác phẩm kể câu chuyện khát khao yêu và được yêu của 3 người phụ nữ. Dù phải đối diện với nhiều mất mát, tổn thương nhưng họ rất kiên cường và sống với bản năng thương yêu. Thông điệp được chuyển tải thành công nhờ cốt truyện sâu sắc từ 2 truyện ngắn 'Tro tàn rực rỡ' và 'Củi mục trôi về' của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Hình ảnh cuộc sống chậm buồn nơi miền sông nước Cà Mau được phản ánh chân thực, tự nhiên với nhiều ẩn dụ thú vị. Người phụ nữ yêu đắm đuối hết mình như lửa cháy và khi chỉ còn là “tro tàn”, thì vẫn là thứ tro tàn rực rỡ nhất. Nhiều khán giả nữ xúc động cho rằng họ bắt gặp hình ảnh của chính mình trong những câu chuyện của các nhân vật nữ.

Mới ra rạp 3/12, phim nhận được nhiều khen ngợi về nội dung, chất lượng nhưng còn cần thời gian để minh chứng cho độ hot phòng vé.

Đạt mốc 100 tỷ đồng, “Em và Trịnh” là tác phẩm Việt ăn khách nhất và lọt top 2 tìm kiếm về phim điện ảnh trên Google Việt Nam. Cũng kể về tình yêu nhưng “Em và Trịnh” gắn với cuộc đời âm nhạc của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Lối kể đan xen giữa thực tại và quá khứ, hồi tưởng ký ức, làm sống dậy một thời hoa mộng bên những nàng thơ, từ mối tình đầu da diết với Dao Ánh, tri kỷ âm nhạc Khánh Ly và giao cảm với nữ sinh Nhật Michiko Yoshii. Phim gây ấn tượng bởi sự đầu tư kỹ lưỡng về mặt hình ảnh, tiểu tiết mỹ thuật, tái hiện sống động đậm màu sắc hoài niệm bối cảnh Huế, Đà Lạt, Sài Gòn từ những năm 60 tới đầu thập niên 90. Đặc biệt, 40 ca khúc nổi tiếng như Diễm xưa, Hạ trắng, Nắng thủy tinh, Ướt mi… được làm mới với tinh thần âm nhạc thời đại, và góp phần kể câu chuyện đời đầy chất thơ, bay bổng của cố nhạc sỹ.

"Em và Trịnh" gây tranh cãi về các yếu tố liên quan đến sự kiện có thật, kịch bản chưa bật lên sâu sắc về Trịnh Công Sơn nhưng tạo sức ảnh hưởng lớn trong năm.  Phim mới đây được đề cử Giải Ngôi sao xanh.

Bộ phim gây bất ngờ lớn nhất là "Đêm tối rực rỡ" từng thắng 5 giải tại Cánh diều vàng, trong đó có Phim hay nhất, và mới được gửi tranh giải Quả cầu vàng 2023. Dù không được quảng bá rầm rộ, kinh phí khiêm tốn, dàn diễn viên ít đình đám, không cảnh nóng, nhưng tác phẩm làm nên kỳ tích phòng vé nhờ nội dung lạ và đa cảm xúc mang lại. Lấy bối cảnh là một đám tang đậm chất văn hóa và truyền thống Việt Nam, phim lột tả rõ giằng xé tâm lý, tính cách của từng nhân vật trong một gia đình. Giá trị của phim chính là những bi kịch từ quan điểm truyền thống: "thương cho roi cho vọt", trọng nam khinh nữ, tính nam độc hại, thói sĩ diện hão, tranh giành thừa kế, đạo đức giả. Phim thể hiện sự chắc tay và am hiểu tâm lý từ nhà làm phim người Mỹ Aaron Toronto. Các hình ảnh về giang hồ đòi nợ, ly dị, căn bệnh trầm cảm - hệ luỵ từ nạn bạo hành hiện lên đầy ám ảnh, cao trào, kịch tính. Êkíp tìm tòi, nghiên cứu kỹ các phong tục tập quán miền Nam và đưa lên phim một cách sống động.

"Đêm tối rực rỡ" khắc họa đám tang chấn động ở một gia đình với đủ các cung bậc: hoành tráng, rộn rã, nhưng cũng đầy bi kịch, hỉ - nộ - ái - ố… và cả sự khoan dung, tha thứ.

Cũng khai thác về chủ đề bạo lực gia đình, "Bẫy Ngọt Ngào" được dàn diễn viên trẻ Minh Hằng, Diệu Nhi, Quốc Trường, Bảo Anh, Thuận Nguyễn thể hiện hiện đại. Thông điệp “Hôn nhân là mồ chôn ái tình” với cảnh nóng, ngoại tình, nổi tiếng, quyền lực, giàu có, tham vọng…. được phản ánh rõ nét. Các cảnh đánh đập, cưỡng bức của người chồng vũ phu hay nỗi bẽ bàng, xót xa của người vợ được truyền tải qua diễn xuất đồng đều của dàn cast. Phim được khen về hình ảnh thời thượng, bắt mắt, trau chuốt bối cảnh, quay one-shot, đặc tả tâm lý nhân vật từ bàn tay của đạo diễn trẻ với nhiều MV triệu view - Đinh Hà Uyên Thư.

Bẫy Ngọt Ngào đạt được thành công khá lớn về doanh thu (83,2 tỷ VND) và cả hiệu ứng truyền thông. Tuy nhiên, phim bị đuối phần kết và chiều sâu kịch bản.

Ngoài ra, Hạnh phúc máu, Chìa khóa trăm tỷ… là những cái tên không quá nổi trội về mặt chuyên môn nhưng được đánh giá là nắm bắt được thị hiếu và dung hòa được các yếu tố thương mại - nghệ thuật.

Một điểm cộng nữa là ngoài diễn xuất tốt của các diễn viên thực lực như Hạnh Thúy, Quang Tuấn, Kiều Minh Tuấn, Thu Trang, Kim Xuân…., nhiều gương mặt mới đầy tiềm năng cũng ghi dấu ấn. Ca sĩ Bùi Lan Hương gây ngạc nhiên khi hóa thân Khánh Ly trong lần chạm ngõ điện ảnh với lối diễn tự nhiên, gợi thương cảm với nỗi niềm chất chứa của "gái hai con". Bảo Anh làm tròn vai khi đảm nhận vai nữ chính được nhận xét là khá nặng - một cô gái xinh đẹp chịu âm thầm chịu đựng cảnh bạo hành. Bảo Ngọc Doling - cô sinh viên lai Anh - Việt lột tả thành công khát khao yêu và bi kịch của người phụ nữ nông thôn miền Tây. Dàn viễn viên nhí của phim "Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác" (phim thiếu nhi hiếm hoi được đầu tư kĩ xảo và yếu tố khoa học viễn tưởng của đạo diễn Hàm Trần) có cơ hội thỏa sức thể hiện tài năng, hứa hẹn là nhân tố tỏa sáng cho điện ảnh Việt trong tương lai.