“Người vợ cuối cùng” (Victor Vũ), “Tết ở làng địa ngục” (Trần Hữu Tấn) được coi là hai phim Việt nổi bật về đề tài cổ trang trong năm 2023. Nếu như “Người vợ cuối cùng” thể hiện khát khao của người phụ nữ thấp cổ bé họng vượt rào lễ giáo phong kiến thì “Tết ở làng địa ngục” khiến người xem bất ngờ về câu chuyện nghiệp báo thấm đẫm yếu tố dân gian bản địa kỳ bí.
Bối cảnh và tạo hình đậm chất văn hóa Việt
Một trong những điểm được khán giả chú ý nhất khi xem phim cổ trang là không gian lịch sử và tạo hình nhân vật. Và điều đáng khen nhất của hai bộ phim là có sự nghiên cứu văn hóa và đầu tư tỉ mỉ từ yếu tố trang phục và bối cảnh.
“Người vợ cuối cùng” được chuyển thể dựa trên tiểu thuyết Hồ oán hận của nhà văn Hồng Thái - là bố vợ đạo diễn Victor Vũ. Vị đạo diễn tiết lộ anh và bố vợ đều đam mê lịch sử và có thể nói chuyện xuyên đêm về lịch sử. Vì thế, “Người vợ cuối cùng” được đầu tư rất kỹ về mặt bối cảnh. Một ngôi làng mang phong cách Bắc Bộ thời nhà Nguyễn được xây dựng lại hoàn toàn với hơn 80 ngày làm việc. Bối cảnh hồ Ba Bể rộng lớn, xanh ngắt hiện lên phim đầy ấn tượng, hút mắt.
Việc phục dựng bối cảnh xưa trong phim cũng cho thấy sự kỳ công của ê kíp. Sự sáng tạo này được đặt trong khuôn khổ đề cao nét đẹp truyền thống của ba miền, từ mái đình, phủ quan, mâm cỗ, chợ quê… tới những chi tiết nhỏ nhắn, tinh tế như hoa văn trên bát đĩa, trên cột kèo, rèm, màn trang trí trong nhà. Nhà dân nghèo được dựng lên bằng tre nứa, lợp mái lá, đối lập với biệt phủ xa hoa, kín cổng cao tưởng của quan tri huyện. Những phụ nữ mặc áo tứ thân, đội nón quai thao dự hội hè, xem múa rối nước. Cảnh phiên chợ giữa làng, người dân buôn thúng bán bưng được tái hiện tốt với không khí tấp nập, giàu sức sống.
Phục trang của bộ phim cũng được may cầu kỳ, chỉn chu. Toàn bộ trang phục được may riêng cho từng diễn viên, và có những bộ có tới 3-4 lớp. Riêng ba nhân vật vợ cả, vợ hai và vợ ba của quan huyện là những bộ trang phục được may để thể hiện tính cách, địa vị xuất thân của từng người.
Bám sát tiểu thuyết gốc của nhà văn trẻ Thảo Trang, với không gian lịch sử thế kỷ 17-18, “Tết ở làng địa ngục” đưa khán giả tới làng Sảo Há (Đồng Văn, Hà Giang) với khung cảnh nguyên sơ, giữa cây cối rậm rì, sương bảng lảng, không khí u ám huyền hoặc. Bối cảnh này phủ thêm sự kỳ bí và đậm chất liêu trai, cổ xưa đối với khán giả, phù hợp với câu chuyện kinh dị tâm linh của ngôi làng quỷ dị, ẩn mình trong khu núi rừng hoang vu – nơi ở của hậu duệ băng cướp khét tiếng dưới thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Yếu tố văn hóa dân gian, bản địa cũng là nguồn cảm hứng cho các nhà làm phim tạo nên một bộ phim hấp dẫn với những hình ảnh độc đáo, thuần Việt, khiến "Tết ở làng Địa Ngục" trở thành phim truyền hình cổ trang Việt Nam có sức hút đặc biệt. Ê kip khai thác và lồng ghép khéo léo hình ảnh, sinh hoạt văn hóa, lối sống, tín ngưỡng, tâm linh, quan niệm và lòng tin của người Việt. Trang phục được thiết kế thuần Việt và chăm chút ở từng chất áo tứ thân, giao lĩnh, hoa văn thêu thùa để hài hòa giữa nét truyền thống và đặc trưng từng nhân vật.
Đặc biệt, ê kip không dùng kỹ xảo tạo hình, mà tăng độ kinh dị, rùng rợn cho nhân vật bằng 100% hóa trang đặc biệt, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất, mang lại hiệu ứng thị giác cho khán giả. Từ gương mặt đến cơ thể của nhân vật chết cháy, chết dưới nước, hoá quỷ, hoá sói, gương mặt đầy rỗ, u hạch, bào thai giả... đều được tạo hình kỳ công. Thậm chí, như màn hóa trang Sói lửa, nhân vật Thập Nương, bà Vạn lái đò chở vong phải giữ lớp hóa trang đặc biệt cả ngày dài để hoàn thành cảnh quay.
Điểm cộng từ thông điệp và diễn xuất
Phim “Người vợ cuối cùng” lên án chế độ phong kiến với những bất công của người phụ nữ xưa. Mang thân phận vợ ba, nhưng Linh ăn cơm phải ngồi mâm riêng. Cô là cái bao cát trút giận của quan mỗi lần ông ta nổi nóng. Linh ăn vận khiêm nhường, chẳng khác kẻ ăn người ở là mấy. Số phận của cô chỉ quanh quẩn ở gian bếp, nơi Linh quán xuyến chuyện bếp núc, chợ búa, ăn uống cho người nhà.
Vì vậy, Chuyện tình của Linh (Kaity Nguyễn) và Nhân (Thuận Nguyễn) nổi bật như một điểm sáng giữa hàng rào lễ giáo phong kiến. Xuyên suốt bộ phim là vẻ đẹp của khát vọng: khát vọng được yêu, khát vọng tự do. Khát vọng giống như một ngọn lửa nhỏ luôn cháy âm ỉ trong trái tim mỗi người, dù có đôi khi, vì những khổ đau, lo toan, gánh nặng cuộc đời, con người ta không nghĩ, hoặc không dám tin mình còn khát vọng.
Hai diễn viên phía bắc là NSƯT Quang Thắng và NSƯT Kim Oanh như được “đo ni đóng giày” cho vai quan huyện và bà cả. Đinh Ngọc Diệp cũng là một nét lạ khi thoát xác hình ảnh những cô gái hiện đại, để vào vai một bà hai tiểu thư đài các, hóng chuyện nhưng cũng giàu lòng trắc ẩn. Kaity Nguyễn bật lên khi khắc họa sinh động hình ảnh thiếu nữ đôi mươi, vô ưu với tình cảm đầu đời bên Nhân, đến khi sa chân vào nhà quan, chịu kiếp đày đọa với đôi mắt nhiều u uẩn. Kiên của Quốc Huy vai quan tra án chiếm cảm tình khán giả nhờ diễn viên khắc họa tốt chân dung một tri thức trong thời xưa, thông thái, quyết đoán, hành xử nhân văn.
Là series kinh dị cổ trang đầu tiên tại Việt Nam, “Tết ở làng Địa Ngục” ghi điểm nhờ chất liệu kinh dị được lấy cảm hứng từ văn hóa tâm linh đã quen thuộc với người Việt. Phim tái hiện sống động và cảm xúc những biến cố và cái chết bất ngờ ở làng Địa ngục, hai yếu tố trinh thám và kinh dị được sử dụng để tạo ra không gian kỳ bí, quỷ dị cùng các tình tiết gây tò mò. Sâu xa hơn, phim vén màn những tội ác man rợ từ oán hận sâu sắc và luật nhân quả – nghiệp báo của người Việt… Những chi tiết truyền tải quan niệm "gieo nhân nào gặp quả nấy" như: bị trâu giẫm dưới đất, cá rỉa thịt, treo trên cây, bị đốt hay xiên nướng đều ngập màu sắc kinh dị tới cực điểm. Các phù thuật dân gian rùng rợn như rượu sọ người, hình nhân thế mạng, câu hồn nhập xác…đem lại sự tò mò cho người xem.
Sở hữu ekip sản xuất và diễn viên thực lực đã tạo nên sự thành công của phim. Đạo diễn của phim là Trần Hữu Tấn - tác giả quen thuộc của loạt phim kinh dị như “Chuyện ma gần nhà”, “Bắc Kim Thang”, “Rừng thế mạng”. Dàn diễn viên hai miền Nam – Bắc, như NSƯT Phú Đôn (vai lão ăn mày), NSƯT Văn Báu (vai Cụ Khảm), NSƯT Hạnh Thúy (vai Thị Lam), NSƯT Chiều Xuân (vai bà Phong); hay những diễn viên trẻ như Quang Tuấn (vai Ông Thập), Lan Phương (vai Thập Nương), Võ Tấn Phát (vai Tam Quỷ),… Họ đã nỗ lực, sống cùng nhân vật khi mang lớp hóa trang trong thời gian dài, thể hiện hết mình dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thiếu thốn trăm bề (không điện, không nước, không chỗ ở dưới thời tiết lạnh giá). Đặc biệt, nhiều diễn viên đã dành thời gian “tìm kiếm nhiều tư liệu về lời ăn, tiếng nói của người xưa để có một vai diễn hoàn hảo nhất”.
Từ đó, có thể dễ dàng lý giải vì sao “Tết ở làng Địa Ngục” là bộ phim truyền hình Việt Nam hiếm hoi đứng vị trí đầu bảng tại tại nhiều nền tảng. Việc một tác phẩm khai thác yếu tố văn hóa truyền thống, bản địa thu hút được sự chú ý của đông đảo công chúng là một tín hiệu đáng mừng, và cũng là một gợi ý cho các tác giả về hướng khai thác văn hóa truyền thống cho các tác phẩm của mình.