ĐỜI SỐNG

Điều kỳ diệu ở chiếc mặt nạ độc đáo của cầu thủ Son Heung-min

DDVN • 29-11-2022 • Lượt xem: 374
Điều kỳ diệu ở chiếc mặt nạ độc đáo của cầu thủ Son Heung-min

Chiếc mặt nạ của Son Heung-min - tiền đạo người Hàn Quốc được tạo ra từ công nghệ in 3D, trong lĩnh vực y khoa, giải pháp này đã mang đến sự cải cách, cuộc cách mạng lớn.

Theo Goal, nếu Hàn Quốc muốn đi sâu hơn tại World Cup 2022 ở Qatar, họ sẽ cần Son Heung-min thi đấu ở mức độ đỉnh cao.

Dù vậy, cầu thủ này sẽ phải đeo mặt nạ trong những trận đối đầu với các đối thủ của bảng H, bao gồm Uruguay, Ghana và Bồ Đào Nha.

Trước đó, Son bị chấn thương khi chơi cho Tottenham trong trận đấu với Marseille ở Champions League vào đầu tháng 11. Anh bị nứt hốc mắt khi va chạm với cầu thủ đội bạn.

Chấn thương này khiến Son bị buộc phải thực hiện phẫu thuật để đảm bảo hồi phục hoàn toàn. Thế nhưng, điều này cũng làm dấy lên những lo ngại rằng ngôi sao 30 tuổi có thể bị loại khỏi đội hình dự World Cup của đội tuyển Hàn Quốc.


Cầu thủ Son Heung-min - Ảnh: Internet

Để đảm bảo duy trì phong độ, cũng như giảm thiểu nguy cơ tiếp tục bị chấn thương, Son đã phải sử dụng một chiếc mặt nạ đặc biệt khi thi đấu.

Ở buổi tập đầu tiên tại Qatar, Son Heung-min lần đầu tiên "trải lòng" về chiếc mặt nạ anh sử dụng, rằng chúng "dễ chịu hơn anh nghĩ ban đầu". "Nó hơi khác cái tôi dùng ở Anh. Nó thoải mái hơn. Trừ lúc đổ nhiều mồ hôi thì không khác lắm", Son cho biết.

Theo tiết lộ của FIFA, chiếc mặt nạ được Son sử dụng trong trận đấu được làm bằng sợi carbon (carbon fibre) và được tạo ra từ công nghệ in 3D. Thiết bị này được phép sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt, thường là khi cầu thủ đang trong quá trình điều trị từ chấn thương, mà vẫn muốn đạt được phong độ thi đấu cao.

Sợi carbon có một số lợi thế so với nhựa dẻo, có độ cứng cao, độ bền kéo cao, trọng lượng thấp, kháng hóa chất cao, chịu được nhiệt độ cao và giãn nở nhiệt thấp. Bởi vậy, chất liệu này rất phổ biến trong ngành hàng không vũ trụ, kỹ thuật dân dụng, quân sự và gần đây là thể thao.


Một chiếc mặt nạ được tạo ra từ công nghệ in 3D - Ảnh: Internet

Lợi thế lớn nhất của sợi carbon khi sử dụng làm vật liệu đeo, là giúp người đeo có được sự thoải mái, vì có trọng lượng nhẹ hơn kim loại, nhựa nhiều lần. Bên cạnh đó, một đặc tính không thể không nhắc tới là độ cứng cao, khó biến dạng dưới tác động mạnh, cũng là điểm nhấn giúp cầu thủ đeo thiết bị này tránh được những va chạm vật lý nghiêm trọng.

Để tạo ra chiếc mặt nạ độc đáo này, bước đầu tiên là họ dùng một loại máy quét để ghi lại hình ảnh 3D của khuôn mặt. Giải pháp này tối ưu và tốn ít thời gian hơn cách tạo tượng thạch cao và khò nhiệt truyền thống.

Ngày nay, có nhiều loại máy quét hiện đại hơn, hỗ trợ nhận diện mặt người, tách tóc để đưa ra bản vẽ 3D khuôn mặt chính xác với nhân vật.

Tiếp theo, nhân viên thiết kế sẽ sử dụng phần mềm vẽ CAD (computer-aided design) để tạo hình phần mặt nạ. Người thực hiện cần nắm rõ vùng bị chấn thương và cách thêm khung bảo vệ.


Quy trình tạo nên mặt nạ in 3D - Ảnh: Internet

Sau khi hoàn tất thiết kế, chúng được chuyển sang bộ phận in 3D. Những phương pháp sản xuất truyền thống sử dụng nhựa cứng, vật liệu như polycarbonat để in ra chiếc mặt nạ bảo vệ. Trong khi đó, những cầu thủ đẳng cấp cao như Son Heung-min đeo mặt nạ được làm từ sợi carbon, cứng và nhẹ hơn. Ngoài ra, bên trong sản phẩm có các lớp lót EVA để tăng độ thoải mái khi đeo.

Tuy xuất hiện từ khá lâu nhưng chỉ đến gần hai chục năm qua thì công nghệ in 3D mới thực sự đột phá với nhiều bước phát triển vượt bậc, là ngành công nghiệp có trị giá lên đến 5,1 tỉ USD vào năm 2016 và được dự kiến sẽ đạt con số khoảng 32 tỉ USD năm 2023.

Ứng dụng in 3D trong y học kết hợp với những hình ảnh thu được từ MRI và CT-scan, các nhà khoa học có thể tạo ra những mẫu cấu trúc, mô hình mô phỏng chính xác các bộ phận trong cơ thể con người. Qua đó, nó phục vụ cho mục đích giảng dạy hoặc nghiên cứu. Các bác sĩ có thể chọn ra được phương pháp thực hiện tối ưu cho các ca phẫu thuật, giảm đáng kể các rủi ro, tai biến phẫu thuật và thời gian tiến hành.


Mô hình tim được tạo thành nhờ công nghệ in 3D - Ảnh: Internet

Một ví dụ điển hình có thể kể đến: Với công nghệ in 3D sinh học, các nhà nghiên cứu Mỹ và Trung Quốc đã tạo ra những mô hình khối u ung thư, cho phép con người tìm hiểu, nghiên cứu một cách dễ dàng, có thể hiểu rõ hơn về cách thức các khối u phát triển, di căn. Từ đó, điều chế ra các loại thuốc điều trị thích hợp, hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc chế tạo chân tay giả, có kích thước trùng khớp, cá nhân hóa cho thương tổn của từng bệnh nhân cũng là một ứng dụng của công nghệ này. Các nhà nghiên cứu tại CBM Canada, Viện Nghiên cứu Autodesk và Đại học Toronto (Canada) đã phối hợp tạo ra các chi giả với thời gian ngắn, mức giá rẻ, dễ dàng điều chỉnh hơn rất nhiều so với thứ đã có, giải quyết nhu cầu sử dụng của những người dân nghèo ở một số nước như châu Phi, nhất là Uganda, nước có nhiều nạn nhân bị tàn tật do bom mìn. 

Ứng dụng in 3D trong y học hiện đã có thể in ra được các dụng cụ y tế cần thiết như các loại kẹp, cán dao mổ, cặp gắp thai nhi, kẹp cầm máu… đảm bảo vô trùng 100% với chi phí chỉ bằng với 1/10 các dụng cụ cùng loại nhưng được làm bằng thép không gỉ. Có thể thấy, với nhiều ưu điểm về mặt chi phí, thời gian và khả năng chế tạo, ứng dụng in 3D trong y học đã tạo nên nhiều phép màu khó tin cho lĩnh vực y khoa, chăm sóc sức khỏe con người hiện nay, mở ra một tương lai phát triển mới cho nhân loại.

Theo Đan Thuỳ (Tổng hợp)/1thegioi.vn