ĐỜI SỐNG

Đồ ăn nhanh và những tác hại âm thầm với sức khỏe con người

Yellowly • 23-07-2022 • Lượt xem: 460
Đồ ăn nhanh và những tác hại âm thầm với sức khỏe con người

Song song với sự phát triển của xã hội là sự thay đổi về nếp sống và thói quen tiêu dùng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong bốn thập kỷ qua, mức tiêu thụ thực phẩm ăn ngoài chế biến sẵn cũng đã tăng chóng mặt. Thức ăn nhanh đem lại sự tiện lợi và ngon miệng tuy nhiên đi kèm với nó là những nguy cơ tiềm ẩn gây hại cho sức khỏe con người. Hãy cùng tìm hiểu để có cái nhìn khách quan trong việc lựa chọn thực phẩm hàng ngày cho bản thân và gia đình.

Thức ăn nhanh là loại thức ăn mà có thể được chuẩn bị và phục vụ nhanh chóng. Nó được bán ở nhiều nơi như: nhà hàng, cửa hàng, vỉa hè, trên các xe đẩy,... Người dùng có thể chọn ăn tại chỗ, mang đi hoặc giao tận nơi. Thức ăn nhanh có đặc điểm là tiện lợi, giá thành rẻ, các món ăn được biến tấu đa dạng và ngon miệng nên được ưa chuộng. Một số loại thức ăn nhanh phổ biến hiện nay như mì gói, gà rán, bánh mì, pizza, hamburger, snack.

Thực tế không có loại thực phẩm nào được gọi là thực phẩm “xấu”. Mỗi loại thực phẩm có một chức năng khác nhau và chúng cung cấp cho cơ thể năng lượng và các chất cần thiết. Tuy nhiên, thức ăn nhanh - bao gồm cả đồ uống và các món ăn kèm là một sự kết hợp không khoa học của các thành phần dẫn đến dự mất cân bằng các chất dinh dưỡng. Cộng với việc chúng chứa nhiều phụ gia, chất bảo quản, cũng như là cách thức chế biến công nghiệp. Nếu tiêu thụ thường xuyên trong thời gian dài, thì sự ảnh hưởng đến sức khỏe là không tránh khỏi.

Thức ăn nhanh chứa nhiều natri (muối)

Các loại thức ăn nhanh thường dùng nhiều gia vị để tăng hương vị của món ăn. Hầu hết các muối ăn được làm từ natri clorua. Vì vậy, muối được sử dụng khi chế biến hoặc tạo hương vị cho thực phẩm thường chứa natri.

Muối giúp tạo hương vị cho thực phẩm và được sử dụng như một chất kết dính và chất ổn định. Nó cũng là một chất bảo quản thực phẩm, vì vi khuẩn không thể phát triển khi có nhiều muối. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị tiêu thụ ít hơn 1.500 mg natri một ngày đối với người lớn. Chế độ ăn giàu natri có thể dẫn đến hiện tượng cơ thể giữ nước, đó là lý do tại sao bạn có thể cảm thấy sưng húp, đầy hơi hoặc sưng phù sau khi ăn thức ăn nhanh. Tiêu thụ nhiều natri cũng nguy hiểm đối với những người mắc các bệnh về huyết áp. Natri có thể làm tăng huyết áp và gây căng thẳng cho tim và hệ thống tim mạch của bạn, cũng như một số hậu quả khác như bệnh thận.

Thức ăn nhanh chứa nhiều đường và chất béo chuyển hóa

AHA đề nghị chỉ ăn 100 đến 150 calo đường bổ sung mỗi ngày. Đó là khoảng sáu đến chín muỗng cà phê. Một lon soda 350ml có thể chứa 8 muỗng cà phê đường. Điều đó tương đương với 140 calo, 39 gam đường.

Ăn quá nhiều đường cũng dẫn đến nhiều tác hại xấu với sức khỏe. Có thể kể đến một số tác hại như như gây tiểu đường, sâu răng, béo phì, bệnh liên quan đến tim mạch.

Chất béo chuyển hóa là chất dùng trong quá trình chế biến thực phẩm. Là loại chất béo được hình thành qua quá trình hóa học được gọi là hydro hóa. Chúng thường được sử dụng để chế biến bơ thực vật và thực phẩm nướng hoặc chiên thương mại.

Tiêu thụ nhiều chất béo chuyển hóa cũng rất nguy hiểm đối với cơ thể. Nó làm tăng nồng độ cholesterol xấu và giảm nồng độ của cholesterol tốt trong cơ thể người sử dụng. Từ đó dẫn đến các hệ quả như bệnh tim mạch, đột quỵ. Lượng chất béo trong chế độ ăn uống cao sẽ dẫn đến hoạt động trí óc kém. Bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và chậm chạp vì cơ thể bạn có thể không nhận đủ oxy. Một ví dụ về lượng chất béo trong một loại thức ăn nhanh phổ biến: Trong 100g khoai tây chiên: tổng lượng calo - 312, tổng chất béo - 15g.

Thức ăn nhanh dễ dẫn đến béo phì

Từ những thành phần trong các loại thức ăn nhanh không khó để nhìn ra việc nếu tiêu thụ thường xuyên thức ăn nhanh, sẽ dễ dẫn đến bệnh béo phì.          

Các nghiên cứu cho thấy hàm lượng calo trong bữa ăn ngoài nhà mà trẻ em tiêu thụ cao hơn 55% so với bữa ăn trong nhà. Các thức ăn nhanh bên ngoài thường chứa lượng calo khổng lồ và thường có rất ít rau, chất xơ. Điều này dễ dẫn tới việc mất cân bằng giữa lượng calo chúng ta đưa vào cơ thể, thông qua ăn uống và lượng calo chúng ta tiêu hao trong quá trình trao đổi chất và hoạt động thể chất. Và từ béo phì sẽ có nguy cơ rất lớn dẫn đến rất nhiều căn bệnh nguy hiểm khác như bệnh tiểu đường, một số loại ung thư, bệnh túi mật và sỏi mật, viêm xương khớp, bệnh gout, các vần đề về hô hấp, bệnh hen suyễn…

Có nhiều nguy hại là vậy nhưng cũng phải nói thức ăn nhanh càng ngày càng được biến tấu đa dạng và lành mạnh hơn. Nhiều nhà sản xuất, cung cấp thực phẩm cũng đã có ý thức về việc tạo ra các loại thức ăn nhanh nhưng chú ý đến cân bằng dinh dưỡng và đảm bảo sức khỏe. Bên cạnh đó, người dùng có thể chủ động thêm vào khẩu phần ăn các thực phẩm bổ sung, mà thức ăn nhanh chưa đáp ứng được. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Chúng ta vẫn phải xây dựng một chế độ ăn chất lượng và cân bằng giữa việc nấu ăn tại nhà và dùng đồ ăn chế biến sẵn. Điều quan trọng vẫn là nằm ở sự lựa chọn của chúng ta