GIẢI TRÍ

[Độc quyền] - Trưởng BTC ‘Hoa hậu Di sản Quốc tế - Pháp 2019’: Sẽ tìm kiếm và tôn vinh vẻ đẹp trí tuệ

Harold Lee - Anh Châu • 06-09-2019 • Lượt xem: 1595
[Độc quyền] - Trưởng BTC ‘Hoa hậu Di sản Quốc tế - Pháp 2019’: Sẽ tìm kiếm và tôn vinh vẻ đẹp trí tuệ

Chúng tôi chủ động tìm kiếm những bạn gái trẻ, có trí tuệ, có đủ nhận thức hiểu biết và ý thức được giá trị của việc bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hoá toàn cầu” - bà Van Jeanson, Trưởng ban tổ chức (BTC) cuộc thi ‘Hoa hậu Di sản Quốc tế - Pháp 2019’ chia sẻ.

Duyendangvietnam.net.vn đã có cuộc trò chuyện với bà Van Jeanson - Trưởng BTC ‘Hoa hậu Di sản Quốc tế - Pháp 2019’ để tìm hiểu thêm về cuộc thi. Cũng như giúp các cô gái trẻ đang nuôi dưỡng giấc mơ tỏa sáng với danh hiệu Hoa hậu có thể hiểu hơn về cuộc thi, tiêu chí chọn lựa của BTC

- Chào bà, được biết cuộc thi ‘Hoa hậu Di sản Quốc tế - Pháp 2019’ sẽ được tổ chức vào tháng 10 năm 2019 sắp tới đây, cuộc thi đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ các quan chức tại Paris và công chúng quan tâm. Điều gì đã thôi thúc BTC dùng một cuộc thi nhan sắc để truyền tải thông điệp về văn hoá, đặc biệt là di sản toàn cầu?

Sự gia tăng giao lưu quốc tế của các quốc gia trên toàn cầu về mọi mặt như hiện nay, đã và đang đặt ra vấn đề về bản sắc văn hoá dân tộc vô cùng cấp thiết, khung kết cấu hình thái đặc trưng cơ bản của một dân tộc là: Kinh tế, chính trị, chủng tộc, địa lí và ngôn ngữ... Ngày nay bộ khung cơ sở này dường như đang dần dần bị phá vỡ bởi hội nhập, điều đó đã cho ta thấy rằng yếu tố bản sắc văn hoá đã trở thành nhân tố hàng đầu trong việc nhận diện và phân biệt dân tộc trên toàn cầu.

‘Hoa hậu Di sản Quốc tế - Pháp 2019’ không phải chỉ là một cuộc thi nhan sắc, cái vẻ đẹp vật chất bên ngoài chỉ là những phương tiện để chúng tôi biểu đạt những thứ tốt đẹp hơn, sâu xa hơn. Chúng tôi chủ động tìm kiếm những bạn gái trẻ, có trí tuệ, có đủ nhận thức hiểu biết và ý thức được giá trị của việc bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hoá toàn cầu.

Các cô gái đăng quang xứng đáng là đại sứ, truyền cảm hứng cho các giá trị di sản văn hóa mà họ yêu thích, tham gia các hoạt động vì các giá trị cộng đồng. Họ sẽ truyền tải những thông điệp tích cực về di sản mà họ quan tâm, thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các quốc gia khác nhau trong và ngoài khu vực. 

Ngoài ra, cuộc thi này còn là cách tôn vinh vẻ đẹp trí tuệ của giới trẻ, sự hiểu biết đa dạng về văn hoá và tiềm năng du lịch di sản của từng quốc gia.


Ông Alain Auzet - Thị Trưởng của thành phố Réau miền nam Pháp và bà Van Jeanson - Trưởng BTC ‘Hoa hậu Di sản Quốc tế - Pháp 2019’.

- Theo bà, Di sản văn hoá dân tộc ngày nay có vai trò, ý nghĩa gì cho sự phát triển kinh tế xã hội một quốc gia? Giới trẻ hiện đại nên tiệm cận các giá trị di sản văn hoá xưa theo cách nào? Chẳng hạn như là tìm đến các giá trị cũ chỉ để hoài niệm hay để dùng nó là nền tảng xây dựng xã hội tích cực hơn? 

Tư tưởng hiện đại trong “thế giới phẳng” và hội nhập, trong sự giao thoa chồng lấn giữa các nền văn hoá toàn cầu không cho phép chúng ta. Giới trẻ ngày nay tìm đến các giá trị văn hoá vô giá của cha ông để lại chỉ bằng hoài niệm. Ví như Bà Huyện Thanh Quan cảm thán trong Thăng long thành hoài cổ: “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Mặc dù cảm xúc con người trước những giá trị huy hoàng một thời của tổ tiên là một phần của mỹ cảm để làm phong phú hơn cho tâm hồn con người. Nhưng với thực trạng di sản chung hiện nay, chúng ta còn nhiều thứ để làm lắm. 

Ngày nay, khi những giá trị vật chất giá trị hữu hình đã được con người khai thác đến tận cùng thì các giá trị văn hoá tất yếu sẽ được chú trọng. Minh chứng cho điều này ở thế kỷ 21, từng có những dân tộc đã đứng trên cái nền tảng này mà tồn tại và phát triển cụ thể là dân tộc Do thái. Tổng giám đốc UNESCO Federico Mayor từng nói: “Hễ nước nào tự đặt cho mình mục tiêu phát triển kinh tế mà tách rời môi trường văn hóa thì nhất định sẽ xảy ra mất cân đối nghiêm trọng cả về kinh tế lẫn văn hóa, và khả năng sáng tạo của nước ấy sẽ bị suy yếu rất nhiều.”


Từ trái sang: Ông Dominique Beaufrere giám đốc bảo tàng Safran, bà Van Jeanson – Giám đốc công ty Sarl Van Nam, trưởng ban tổ chức cuộc thi Miss Heritage International France 2019 và ông Alain Auzet - Thị Trưởng của thành phố Réau miền nam Pháp trong một buổi họp bàn về cuộc thi.

- Vấn đề của các di sản văn hoá quốc tế hiện nay là gì?

Công ước di sản thế giới do UNESCO đưa ra từ năm 1972, đây là cơ sở nền tảng mỗi quốc gia có trách nhiệm phối hợp cùng nhau để quản lý các di sản thế giới chung cũng như di sản tại từng quốc gia riêng mỗi nước. 

Theo thống kê của Uỷ ban Di sản Thế giới năm 2017, các Châu lục có di sản nằm trong danh sách Di sản thế giới bị đe doạ gồm Châu Á có 21 di sản riêng tại Syria là 6, Châu Âu có 3, Châu Mỹ có 7, Châu Phi có 21 riêng tại Congo là 5. Các di sản này đang bị đe doạ bởi rất nhiều nguyên nhân như: Phát triển kinh tế xã hội, thiên tai và sự biến đổi khí hậu, chiến tranh…

- Chúng ta cần phải làm gì với các vấn đề này và giới trẻ cần nhận thức về các giá trị di sản như thế nào cho phù hợp? 

Mỗi cá nhân phải hiểu và ý thức được giá trị của di sản văn hoá. Các nhà hoạch định chính sách phải nhận thức việc bảo tồn, quản lý di sản văn hoá dựa trên các nguyên tắc phát triển bền vững. Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá không phải là gánh nặng chi phí mà là đầu tư có lợi cho hiện tại và tương lai. 

Bởi di sản văn hoá là những hệ giá trị xưa cũ được tính bằng ngàn năm. Nó là những trầm tích văn hoá đa tầng và nhiều chiều kích. Nếu chúng ta nhận thức được một hệ giá trị văn hóa có sức sống trường tồn, đã vượt qua được sự thẩm định của thời gian vừa vô hình vừa hữu hình. Để từ quá khứ đến được với hiện tại, thì những di sản này là thứ tài sản quí báu của từng quốc gia. 

Trong bối cảnh kinh tế chính trị xã hội mở rộng đa phương, các quốc gia vì lợi ích riêng của mình sẵn sàng hoà nhập với nhau, thì bản sắc văn hoá của mỗi nước thật sự có ý nghĩa và đóng vai trò quan trọng. Nó là thứ để chúng ta hoà nhập mà không hoà tan với nhau. Việt Nam là Việt Nam, Anh, Pháp, Mỹ .. cũng thế. Mất di sản văn hóa hoặc di sản tự nhiên sẽ là một tổn thất cực lớn của từng quốc gia, từng dân tộc. Nếu một dân tộc mất quá khứ, sẽ gây ra sự mất mát của các cột mốc giống nòi và không có tương lai....

Chúng ta bằng mọi giá phải kế thừa “hệ gen văn hóa” quí giá của dân tộc tộc mình. Nếu chúng ta không biết mình đến từ đâu, thì sẽ gặp khó khăn lớn vì không biết sẽ đi đâu và làm gì tiếp theo.

Đảm bảo việc truyền tải, bảo vệ di sản trước hết là dấu hiệu của sự tự tôn và chấp nhận sự đa dạng văn hoá. Sẽ rất tốt cho sự đối thoại và tránh những nguy cơ đối đầu giữa các nền văn hoá. Vì hòa bình có thể được nuôi dưỡng bởi các liên hệ, bởi sự thấu hiểu và trao đổi thân thiện giữa con người với con người, giữa các nền văn hóa với nhau.

Thông tin thêm:

  • Thời gian đăng ký tham dự: Từ ngày 2/3 đến 1/10/2019.
  • Thời gian ban tổ chức thông báo kết quả hồ sơ hợp lệ: từ 25/07 đến 10/10/2019
  • Thời gian tập trung thí sinh cho vòng Gala chung kết: Từ ngày 16 đến 20/10/2019
  • Đêm Gala chung kết tại Paris (Pháp) dự kiến: Ngày 20/10/2019 tại Nhà hát De la Madeleine (19 rue de Surène, 75008 Paris)
  • Liên hệ Ban tổ chức tại Pháp: SARL VAN NAM Company Limited (VAN BROWS)/ Address: 102 Rue d’Arras 59000 Lille France. 
  • iên hệ Ban tổ chức tại Việt Nam: 350 Cao Thắng, phường 12, Quận 10, Tp.HCM.