ĐỜI SỐNG

Dự án biến vải vụn thành nệm cho bệnh nhân Covid-19

Đan Tâm • 06-01-2021 • Lượt xem: 2905
Dự án biến vải vụn thành nệm cho bệnh nhân Covid-19

Không chỉ rẻ, hợp vệ sinh và có độ bền cao, những tấm nệm do nhà thiết kế thời trang Ấn Độ Lakshmi Menon sáng tạo ra cũng giúp phụ nữ địa phương có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.

Tin, bài liên quan:

Đại dịch COVID-19 đã thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào trong 2020?

Dịch COVID-19: Anh phong tỏa toàn quốc vì biến thể mới, Mỹ trải qua tuần lễ chết chóc với 18.400 ca tử vong

Lakshmi Menon với những tấm nệm làm từ vải vụn trong quá trình sản xuất đồ bảo hộ. "Đây là chất liệu tuyệt vời nhất mà tôi hằng mong ước". Ảnh: Lakshmi Menon

Vào thời điểm bùng phát mạnh nhất của đại dịch ở bang Kerala, Ấn Độ, nhà thiết kế thời trang Lakshmi Menon, 46 tuổi nghe nói rằng mỗi trung tâm chăm sóc bệnh nhân Covid mới phải có 50 giường bệnh. Và nệm lại bị thiếu hụt bởi mỗi lần bệnh nhân xuất viện, tấm nệm đã qua sử dụng đó phải được đốt bỏ theo quy trình. Menon nói: “Tôi nghĩ rằng đó quả thật là một sự lãng phí nệm và gây tổn hại tới môi trường”.

Giải pháp của Menon là thu thập hàng núi các mảnh vải vụn nhỏ còn sót lại sau khi cắt từ các nhà máy sản xuất đồ bảo hộ lại. Sau đó, các công nhân - phụ nữ địa phương sẽ bện các đoạn vải thành những lọn bím giống như dây thừng dài 6m. Các bím vải được tết theo đường ziczac và có phần cuối buộc lại với nhau. Thành quả là một chiếc nệm nhẹ, mềm, có thể giặt sạch để sử dụng lại được và hợp vệ sinh với giá chỉ 300 rupee (gần 100 ngàn VNĐ) - chỉ bằng một nửa giá so với bình thường.

Những phụ nữ ở Arayankav gần Kochi - nơi Menon sống kiếm được việc làm, môi trường được bảo vệ và các phòng khám Covid nhận được nệm – quả là một ý tưởng hữu ích tuyệt vời.

Phụ nữ ở Kerala tết vải vụn thành nệm. Ảnh: Lakshmi Menon

Ý tưởng tận dụng phế liệu này đến với Menon khi cô đang lái xe đến Kochi thì bắt gặp cảnh những đứa trẻ vô gia cư phải ngủ “bờ bụi” ngay trên đường. Vài ngày sau, cô đến thăm một người bạn đang điều hành hãng thời trang và nhìn thấy những đống vải vụn với nhiều kích cỡ khác nhau trong nhà máy.

“Đó là khi tôi nghĩ mình có thể dùng vải vụn bện lại để làm nệm tặng cho người vô gia cư. Việc bện lại sẽ giúp bạn tận dụng được tất cả các mảnh vải với kích thước khác nhau. Ngay cả những mảnh nhỏ nhất cũng có thể được kết hợp và điều quan trọng là mọi người đều biết cách để thắt bím”, cô chia sẻ.

Vào tháng 3, cô đã làm được 20 tấm nệm và trao chúng cho những gia đình vô gia cư. Sau đó, thời kì cách ly xã hội tới. Những người bạn của cô trong ngành thiết kế và thời trang mất trắng sự nghiệp kinh doanh chỉ sau một đêm. Công nhân bị sa thải và mọi thứ chuyển biến theo hướng cực kì tồi tệ.

Menon đã vô tình quên mất ý tưởng về những tấm nệm vải cho đến khi cô đến thăm cơ sở may của một người bạn vào tháng 7 và thấy rằng anh ta đã bắt đầu sản xuất đồ bảo hộ. Trong góc nhà máy là một núi các mảnh vải thừa. Đôi mắt của Menon sáng bừng lấp lánh.

“Tôi nhặt chúng lên, thấy chúng sạch hơn, mềm hơn và ít bám bụi so với loại vải vụn thông thường trước kia. Đó là chất liệu tốt nhất mà tôi hằng mong ước”, cô nói.

Bạn của cô cực kì vui mừng khi Menon lấy đi những mảnh vụn bởi anh đang loay hoay không biết làm cách nào để vứt chúng đi mà không cần phải gây ô nhiễm môi trường bằng cách đốt chúng.

Cùng lúc đó, chính quyền Kerala đã ra lệnh thành lập các trung tâm chăm sóc bênh nhân Covid với giới hạn 50 giường trên toàn tiểu bang và các hội đồng làng cùng gặp khó khăn trong việc tìm đủ số đệm.

Ngoài các trung tâm Covid dã chiến đã mua chúng, Menon cũng đang làm việc với các tổ chức phi chính phủ để cung cấp loại nệm này cho những người vô gia cư và những người không có điều kiện mua nệm trên nguyên tắc “mọi người đều xứng đáng có một đêm ngon giấc”. 1,7 triệu người vô gia cư của Ấn Độ thường ngủ trên mặt đất hoặc trên một tấm chiếu mỏng.

Các sinh viên ở Ấn Độ thuộc Enactus, tổ chức phi lợi nhuận quốc tế do công ty kế toán KPMG thành lập, đang làm việc để cung cấp loại nệm này đến với rộng rãi người dân.

Ishartek Pabla, người đứng đầu hoạt động của Enactus tại Đại học Kinh doanh Shaheed Sukhdev cho biết: “Chúng tôi cũng đề cử loại nệm này tới các trung tâm yoga vì chúng mềm, nhẹ và dễ cuộn lại.

Sinh viên tại một trường học Kerala làm nệm cho trung tâm chăm sóc Covid địa phương. Ảnh: Lakshmi Menon

Menon không gặp bất kì khó khăn nào trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu. Bởi hiện nay, Ấn Độ đã trở thành nhà sản xuất đồ bảo hộ lớn thứ hai thế giới, với hơn 1.000 nhà máy sản xuất 4,5 triệu chiếc mỗi ngày, theo bộ dệt may của nước này công bố.

Ý tưởng này của Menon đã được các nhân viên của Liên Hợp Quốc tiếp thu, họ sẽ đưa nó vào danh sách các ý tưởng đổi mới mùa Covid để dễ dàng nhân rộng.

Một số tập đoàn Ấn Độ cũng đã liên hệ với Menon. “Các công ty lớn này phải hoàn thành các mục tiêu trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và việc sản xuất loại nệm này cung cấp cơ hội kiếm thu nhập cho phụ nữ nông thôn một cách bền vững mà không cần bất kỳ thiết bị hỗ trợ nào. Thực sự không cần một chút gì. Chỉ một chút không gian là đủ”, Menon nói.