GIẢI TRÍ

'Đu' idol với tấm vé 'cả tháng lương' cha mẹ, người trẻ có đáng bị chỉ trích?

DDVN • 10-07-2023 • Lượt xem: 1278
'Đu' idol với tấm vé 'cả tháng lương' cha mẹ, người trẻ có đáng bị chỉ trích?

'Đu idol' là từ dùng để chỉ những người hâm mộ cuồng nhiệt các nghệ sĩ thần tượng, luôn sẵn sàng ủng hộ và theo dõi mọi hoạt động của thần tượng mình. Cơn sốt vé xem live show ở Hà Nội của nhóm BlackPink đang tạo ra nhiều luồng ý kiến trên các diễn đàn mạng.

Mê thần tượng và những định kiến

Những ngày gần đây, giới trẻ Việt xôn xao trước thông tin nhóm nhạc thần tượng đình đám Hàn Quốc BlackPink sẽ tới Việt Nam biểu diễn vào cuối tháng 7. Theo đó, cơn sốt săn vé BlackPink nổ ra trên khắp mạng xã hội, với những chiếc vé lên tới chục triệu đồng. Từ cơn sốt săn vé này, nhiều câu chuyện dở khóc dở cười xảy ra, tạo nên nhiều luồng ý kiến trái chiều. Không ít người lên tiếng chỉ trích hành vi "đu" Idol của giới trẻ, cho rằng đây là những hành động nông nổi, thiếu suy nghĩ, tác động xấu cho xã hội…


Born Pink World Tour của BlackPink sắp đến Việt Nam (Ảnh: Fanpage BlackPink)

Thực tế, thần tượng (Idol) là một phần không thể thiếu trong văn hóa âm nhạc đại chúng. Họ là những ngôi sao ca nhạc được dựng lên để thu hút đám đông, quy tụ khán giả và người hâm mộ, từ đó tạo nên những trào lưu trong văn hóa đại chúng, ảnh hưởng tới lối sống, đời sống tinh thần của thế hệ. Vì vậy, việc Idol có nhiều người hâm mộ cuồng nhiệt, buồn vui theo mình là chuyện hết sức bình thường, diễn ra ở mọi đất nước, mọi nền văn hóa.

Ngay từ cách đây nửa thế kỷ, khi ông hoàng nhạc Rock'n Roll Elvis Presley hay nhóm The Beatles nổi danh, họ đã có rất nhiều fan hâm mộ cuồng nhiệt, sẵn sàng đi theo họ mọi lúc mọi nơi, có mặt ở mọi buổi trình diễn.

Trong những đêm nhạc của nhóm The Beatles được ghi hình lại, có thể thấy không thiếu fan ngồi dưới khóc lóc, quay cuồng, reo hò. Và cũng nhờ đó, nhóm The Beatles đã phổ biến được văn hóa hiện sinh tới đại chúng, để ghi vào lịch sử như một trào lưu văn hóa, nghệ thuật... John Lennon thậm chí đã bị một fan cuồng sát hại.

Sau này, ông hoàng nhạc Pop Michael Jackson trở thành Idol có nhiều fan hâm mộ cuồng nhiệt bậc nhất. Mỗi liveshow của Michael Jackson không dưới vài chục ngàn khán giả tới xem và rất nhiều người đã khóc lóc, ngất xỉu, giãy giụa khi được nhìn thấy thần tượng trên sân khấu. Khi Michael Jackson qua đời, có fan hâm mộ thậm chí còn tự sát theo.


Nghệ sĩ thần tượng (Idol) là một phần không thể thiếu trong văn hóa âm nhạc đại chúng (Ảnh: AFP)

Những ngôi sao đình đám khác như Madonna, Britney Spears, U2, Whitney Houston… cũng không thiếu fan hâm mộ cuồng nhiệt. Và tất cả họ đều thông qua khán giả để tạo nên các trào lưu âm nhạc, thời trang, văn hóa nghe nhìn.

Tại Việt Nam, dù ít dù nhiều đã tồn tại mối quan hệ giữa thần tượng âm nhạc và fan từ rất lâu. Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga đều là những thần tượng lớn có lượng fan cuồng nhiệt đông đảo. Thẩm Thúy Hằng nổi tiếng tới mức hễ đi tới đâu là mọi người vây quanh tới đó. Danh ca Mai Lệ Huyền kể lại, cứ hễ Thẩm Thúy Hằng ngồi ăn ở chợ là người ta bu đông lại, tới 3 tiếng cũng không thoát được. Hay, khi Thanh Nga qua đời, người hâm mộ từ ba miền đất nước đổ tới đưa tiễn, xếp hàng dài cả cây số.

NSƯT Kim Tử Long từng tâm sự rằng, có fan lớn tuổi hâm mộ anh tới mức đi theo mọi biểu diễn từ Nam ra Bắc, đem theo cả đồ ăn mang vào hậu trường cho anh. Fan hâm mộ này còn sưu tập đầy một phòng băng đĩa, kỷ vật của Kim Tử Long.

Nhạc sĩ Phú Quang cũng từng hé lộ, có một cặp vợ chồng hâm mộ ông tới mức bán cả xe máy để mua một cặp vé vào xem đêm nhạc của ông. Và dĩ nhiên các ngôi sao lớn như Mỹ Tâm, Đan Trường, Lam Trường... không thiếu fan cuồng nhiệt.

Như vậy, có thể thấy, việc hâm mộ thần tượng cuồng nhiệt là điều bình thường và diễn ra ở mọi lứa tuổi, mọi thời đại, quốc gia, chứ không riêng gì giới trẻ ngày nay. Đối với khán giả đại chúng, thần tượng là hiện thân của những giấc mơ, ước mơ về ánh hào quang xa hoa, lấp lánh như vì sao trên trời, cái mà họ khó có thể vươn tới hay chạm vào được. Vì vậy, tâm lý hâm mộ thần tượng cuồng nhiệt và khát khao được nhìn thấy thần tượng ở ngoài, được xem tận mắt một đêm nhạc của thần tượng là điều dễ hiểu.

Tiêu tiền cho thần tượng: Đúng hay sai?

Trong trường hợp BlackPink tới Việt Nam làm live show, với đa số khán giả trẻ Việt, đặc biệt cộng đồng fan Kpop, đây là một sự kiện "chấn động". Sở dĩ như vậy vì tầm ảnh hưởng của BlackPink đến đời sống tinh thần của giới trẻ là rất lớn và sâu rộng, bao trùm từ âm nhạc, phim ảnh tới thời trang, giải trí, các trào lưu trên mạng xã hội… Bản thân BlackPink cũng là nhóm nhạc mang tầm cỡ thế giới, với độ phủ sóng khắp các châu lục, lan sang cả thị trường Âu Mỹ, chứ không riêng gì châu Á.

Vì thế, việc giới trẻ tỏ ra cuồng nhiệt "săn" vé BlackPink bằng được là điều dễ hiểu. Người lớn không nghe BlackPink, nhưng năm xưa cũng từng săn vé, cuồng nhiệt với Bảo Yến, Thanh Lam hay Boney M, Modern Talking…, cớ sao lại khắt khe với con em mình? Ai cũng từng có tuổi trẻ, đừng nên đánh giá người trẻ qua lăng kính người lớn.


Người hâm mộ chỉ nên đu và hâm mộ “Idol” một cách văn minh (Ảnh: Fanpage BlackPink)

Anh Nguyễn Đình Lâm chia sẻ: "Tôi từng bỏ 30 triệu đồng sang Thái Lan xem show Madonna trong khi thu nhập của tôi khi ấy chỉ khoảng hơn 10 triệu/tháng. Nhưng tất nhiên, tôi đã góp tiền trong nhiều tháng liên tiếp kể từ khi biết tin Madonna sẽ tới Thái Lan biểu diễn chứ không hề vay mượn ai. Và tôi cảm thấy nỗ lực mình bỏ ra là xứng đáng. Madonna là thần tượng lớn nhất đời tôi và liveshow của cô ấy thì quá đẳng cấp, chuyên nghiệp. Nếu ngày đó tôi không cố dành dụm để được xem liveshow đó thì tới giờ vẫn tiếc hùi hụi vì có tiền cũng không xem được live show nào như thế".

Bạn đọc Nguyễn Trường đưa ý kiến: "Các bạn fan BlackPink khá may mắn khi Idol của họ về tận Việt Nam, chỉ mất tiền mua vé. Tôi hâm mộ Celine Dion và cũng từng mất khá nhiều tiền để sang Singapore xem cô ấy diễn. Tôi nghĩ, việc bỏ ra chục triệu để mua một tấm vé xem Idol mình trình diễn là bình thường nếu bạn đủ khả năng chi trả. Nhiều người cũng bỏ từng ấy tiền để mua một chiếc điện thoại, một món đồ hay một chuyến du lịch thì việc fan hâm mộ chúng tôi mua vé đi xem Idol là bình thường, coi như để thỏa mãn nhu cầu của mình thôi".

Tất nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Hâm mộ thần tượng không sai nhưng cuồng quá đà, bất chấp tất cả để có được tấm vé đi xem thần tượng trong khi hoàn cảnh không cho phép lại là điều khó chấp nhận. Trong những ngày qua, câu chuyện của một số bạn trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ làm lụng vất vả nhưng lại tìm đủ cách xin tiền mua vé đi xem BlackPink được đăng tải, khiến dư luận không đồng tình. Một số bạn không biết cân bằng giữa việc "đu idol" và việc học, công việc, khiến kết quả học tập, làm việc sa sút.

Việc đu "Idol" quá mức đã bị lên án gay gắt vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến chính bản thân người hâm mộ cũng như những người xung quanh vì những rắc rối mà việc này mang lại. Điển hình là vụ việc một hệ thống trà sữa ở TP.HCM đã phải hủy bỏ buổi khai trương vì lượng fan của diễn viên Hàn Quốc tập trung quá đông, liên tục hò reo, gây ảnh hưởng đến giao thông và độ an toàn của chính người hâm mộ khi tập trung tràn xuống tận lòng đường. 

Trong nhiều năm qua, vấn đề "đu idol" luôn gây ra rất nhiều tranh cãi. Một số cho rằng việc hâm mộ một thần tượng mang lại rất nhiều lợi ích, bên cạnh đó, cũng có những ý kiến trái chiều cho rằng việc này gây ra rất nhiều tác hại xấu. Thiết nghĩ, người hâm mộ chỉ nên đu và hâm mộ "Idol" một cách văn minh, trong điều kiện cho phép, biết cân đối giữa việc thần tượng và cuộc sống, không nên có những hành động bất chấp để lại hậu quả không tốt cho chính bản thân và người thân.

Theo Long Phạm/Thanhnien.vn