ĐỜI SỐNG

Du lịch cộng đồng tại Việt Nam có tiềm năng nhưng vẫn chưa thể phát triển

Trung Tú • 28-03-2023 • Lượt xem: 859
Du lịch cộng đồng tại Việt Nam có tiềm năng nhưng vẫn chưa thể phát triển

Thạc sĩ Trương Hoàng Tố Nga - giảng viên trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM cho rằng, Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng do có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, văn hóa ẩm thực đa dạng theo từng vùng miền. Tuy vậy, loại hình du lịch cộng đồng hiện vẫn chưa thể phát triển mạnh mẽ do vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức.

Theo kết quả khảo sát, có đến 81% những khách du lịch đến từ các quốc gia Ấn Độ, Nhật Bản, Mexico, Anh và Úc mong muốn hòa mình vào văn hóa địa phương ở những địa đểm mà họ đặt chân đến, 78% hy vọng rằng họ sẽ đóng góp hoặc mang đến những điều tích cực đến quốc gia mà họ du lịch.

Do đó, du lịch cộng đồng là loại hình du lịch phù hợp nhất với nhóm đối tượng này, vì loại hình này sẽ mang đến cho khách du lịch những trải nhiệm thú vị về văn hóa, ẩm thực tập quán của nơi mà họ đặt chân đến.

Có nhiều tiềm năng phát triển

Những mô hình du lịch cộng đồng ở khu vực miền Tây Nam Bộ rất được khách du lịch nước ngoài yêu thích vì có thể mang đến những trải nghiệm sâu sắc, gần gũi với cuộc sống của người dân tại nơi đây. Những mô hình du lịch như nhà vườn chôm chôm, vú sữa, nhãn hoặc mò cua, bắt ốc được nhận định là có tiềm năng phát triển mạnh.

Du khách hào hứng với những trải nghiệm tại đảo Lý Sơn

Sự phát triển của du lịch cộng đồng cũng góp phần giúp người dân cải thiện đời sống, nâng cao mức thu nhập thay vì chỉ dựa vào trồng trọt hay chăn nuôi như trước đây. Như vậy, người dân vừa có thể duy trì những giá trị văn hóa, ẩm thực địa phương vừa đón nhận những điều hay, mới mẻ từ những du khách từ khắp các nước.

Theo dữ liệu từ Tổng cục Du lịch, những hộ làm du lịch cộng đồng ở Lào Cai có thể đạt mức thu nhập từ 50-70 triệu đồng/năm. Thậm chí nếu làm hiệu quả, mức thu nhập trung bình mỗi năm có thể lên đến 200 triệu/năm. Du lịch cộng đồng đã góp phần không nhỏ vào công tác xóa đói, giảm nghèo, giúp phát triển kinh tế ở vùng nông thôn, khu vực miền núi.

Tồn đọng nhiều khó khăn, thách thức

Tuy có nhiều tiềm năng phát triển nhưng bên cạnh đó mô hình du lịch cộng đồng vẫn còn rất nhiều khó khăn, hạn chế

Theo thạc sĩ Ngô Thị Thu Trang (PGĐ Trung Tâm Phát Triển Nông Thôn Saemaul Undong thuộc Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM), các sản phẩm và hình thức phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam tuy đa đạng nhưng vẫn còn khá cơ bản, chỉ có một vài mô hình ở khu vực nông thôn được đánh giá là có tiềm năng phát triển, còn những mô hình được đầu tư bài bản và chuyên nghiệp vẫn chưa có nhiều. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, tính đến năm 2020 Việt Nam dù có khoảng hơn 5.000 homestay đang hoạt động, nhưng chỉ 1/3 trong số đó đạt tiêu chuẩn.

Ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Trung Tâm VH-TT&TT-TH TP Hội An cho rằng, mô hình du lịch cộng đồng vẫn chưa thể phát triển do rất nhiều nguyên nhân. Đa phần những người làm du lịch cộng đồng là những người làm nông nghiệp, không được đào tạo bài bản về những kỹ năng giao tiếp, kinh doanh. Đồng thời, thời tiết cũng là một trong những yếu tốt cản trở sự phát triển của du lịch cộng đồng.

Thay đổi để phát triển

Nhiều điểm du lịch cộng đồng hiện nay đã chọn cách đổi mới, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch để thu hút thêm nhiều bạn trẻ. Các bạn có thể vừa tham quan, du lịch, vừa có thể check- in hoặc tham gia teambuilding cùng với công ty.

Nhiều địa điểm du lịch cộng đồng mở thêm các hoạt động tập thể để thu hút các bạn trẻ

Tổng cục Du lịch đề xuất một số phương án để phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại Việt Nam:

Nơi phát triển du lịch cộng đồng cần được các địa phương chọn lựa kỹ càng, những địa điểm này phải có tài nguyên và có khả năng hoạt động du lịch. Bên cạnh đó phải nâng cấp, phát triển thêm cơ sở vật chất ở xung quanh nhưng không gây ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường sống xung quanh

Các địa điểm du lịch cộng đồng phải có những homestay, nhà cộng đồng, nhà vệ sinh công cộng, địa điểm ăn uống đạt tiêu chuẩn cho khách du lịch nghỉ ngơi, ăn uống.

Tổ chức thêm nhiều khóa huấn luyện, tập huấn nghiệp vụ để nâng cao chất lượng nhân lực.