ĐỜI SỐNG

Dù nhiều tiền nhưng người Hàn Quốc vẫn không hạnh phúc

Bá Phúc • 09-01-2024 • Lượt xem: 1622
Dù nhiều tiền nhưng người Hàn Quốc vẫn không hạnh phúc

Dù được đánh giá là một trong những quốc gia có nền kinh tế và cơ sở vật chất phát triển, đầy đủ nhưng người dân Hàn Quốc vẫn luôn cảm thấy bản thân không hạnh phúc.

 Quan điểm về vật chất và hạnh phúc cá nhân

Theo nhà nghiên cứu của trường Wharton, thuộc Đại học Pennsylvania, ông Matthew Killingsworth, sau khi thu thập và phân tích hơn 1,7 triệu mẫu dữ liệu từ hơn 33.000 người ở độ tuổi từ 18 – 65 ở Mỹ, ông đưa ra kết quả, tiền bạc ảnh hưởng đến hạnh phúc cá nhân và người càng có nhiều tiền thì càng cảm thấy hạnh phúc. 

Đồng quan điểm về ông Matthew Killingsworth, Giáo sư tâm thần học của Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, ông Kwon cho biết, thu nhập cao, dư giả về vật chất sẽ giúp con người giảm thiểu được những mối lo lắng về tài chính. Bên cạnh đó, mọi người sẽ có nhiều lựa chọn, được sống theo sở thích và giảm bớt đi gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền.

Nhiều giáo sư đồng quan điểm có vật chất dư giả sẽ giảm thiểu được mối lo tài chính, khiến mọi người cảm thấy hạnh phúc

Tại sao mức độ hạnh phúc của người Hàn Quốc tỉ lệ nghịch với kinh tế tài chính của họ?

Trong nhiều năm khó khăn, thử thách từ đại dịch, Hàn Quốc vẫn là nước đạt được sự phát triển kinh tế vượt bậc và nằm trong top 10 Quốc gia có GDP cao nhất thế giới. Tuy nhiên, trong bảng xếp hạng về chỉ số hạnh phúc mà hội nghị Liên Hiệp Quốc năm 2022 cho thấy, Hàn Quốc chỉ xếp thứ 59 trong tổng 146 quốc gia. 

Theo giáo sư Kwon Jun-soo, hiện tại, hầu hết người Hàn Quốc, đều giữ suy nghĩ bản thân không hạnh phúc, không hài lòng và luôn bất mãn với địa vị của bản thân. 

Để lý giải cho điều này, ông Kwon chỉ ra nhiều nguyên nhân khác nhau như: Tính cạnh tranh công việc khốc liệt trong xã hội; Sự bất hòa, mâu thuẫn giữa người và người tăng cao; Sự phát triển của mạng xã hội và chuyện công khai, so sánh cuộc sống riêng tư ngày càng trở nên phổ biến và dễ dàng hơn… dẫn đến mức độ hài lòng, hạnh phúc khó xuất hiện trong cuộc sống. 

Chỉ số hạnh phúc và cảm giác cô đơn của người Hàn Quốc xuất phát từ sự khác biệt trong tư tưởng, địa vị, giới tính

Theo nhà nhân chủng học đồng thời là giáo sư tại Đại học Gachon tên Jang Dayk cho biết, trong quyển sách “Giới hạn của sự đồng cảm” (tiếng Anh là Radius of Empathy) đã chỉ ra nguyên nhân mức độ hạnh phúc vì sao càng bị sụt giảm là bởi sự khác biệt về tư tưởng, giới tính, địa vị vốn dĩ đã bất hòa và cắm rễ trong xã hội Hàn Quốc. 

Bên cạnh đó, còn là vấn đề từ nỗi cô đơn của người dân tại đất nước này. Theo số liệu thống kê sau đại dịch, có hơn 64% người ở độ tuổi 50 và hơn 37% người ở độ tuổi 30 luôn cảm thấy cô đơn trong đời sống hằng ngày.

Trước thực trạng trên, nhà nghiên cứu Jan Dayk cho rằng, mức độ hạnh phúc của người Hàn Quốc sẽ tỉ lệ thuận với kinh tế vốn đang phát triển của họ, nếu như họ chịu nhìn nhận lại, loại bỏ sự thù địch, cạnh tranh. Đặc biệt hơn hết là đồng cảm và quan tâm, chia sẻ trong cộng đồng lẫn nhau.