ĐỜI SỐNG

Đừng làm ngơ trước nạn bạo hành trẻ em

Thúy Vy • 10-08-2022 • Lượt xem: 259
Đừng làm ngơ trước nạn bạo hành trẻ em

Liên tiếp nhiều vụ việc cha hoặc mẹ ruột bạo hành những đứa trẻ đến mức tử vong trong những ngày qua đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về một xã hội mà sự an toàn của trẻ nhỏ đang bị đe dọa bởi chính gia đình của chúng.

Thời gian qua, dư luận đã không khỏi bàng hoàng trước câu chuyện đau lòng từ vụ án bé gái 8 tuổi tại TP. Hồ Chí Minh bị chính cha ruột là Nguyễn Kim Trung Thái và nhân tình Nguyễn Võ Quỳnh Trang ra tay bạo hành đến mức tử vong. Hay vụ việc cháu bé 3 tuổi ở Thạch Thất bị cha dượng đóng đinh vào đầu, dẫn đến sự ra đi mãi mãi. Thì mới đây ngày 31/7/2022, tại Hà Nội, hai vợ chồng Đoàn Diệu Linh và Hoàng Thế Vũ, được một gia đình thuê trông trẻ đã thực hiện hành vi bạo hành khi dùng dây sạc điện thoại trối hai chân, dùng que gỗ và búa nhựa đánh vào đầu, dùng chăn quấn vào người một cháu bé. Ngay sau đó cặp vợ chồng này đã bị cơ quan công an tạm giam hình sự để điều tra làm rõ.

Hình minh họa

Thế nhưng, không chỉ có những vụ việc nêu trên mà nạn bạo hành trẻ em đã và đang hoành hành ở nhiều địa phương trên cả nước nhưng luôn bị che lấp. Phía sau những cánh cổng, những bức tường, những gia đình có vẻ như đang rất hạnh phúc, đâu đó có thể là những tiếng khóc, tiếng thét thất thanh và những đau đớn tột cùng về cả thể xác lẫn tinh thần mà những đứa trẻ vô tội phải chịu đựng. Theo thống kê của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trung bình mỗi năm nước ta ghi nhận hơn 2.000 trẻ bị bạo lực, bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng và cần được can thiệp. Và con số trẻ em bị bạo hành mỗi năm một tăng.

Mặc dù Luật Trẻ em năm 2016 của nước ta đã quy định rõ 25 quyền của trẻ em và 15 hành vi bị nghiêm cấm nhưng vẫn còn đó quá nhiều tồn đọng trong thực tế. Dù các đối tượng bạo hành trẻ em đã phải chịu sự trừng phạt của pháp luật nhưng nỗi đau mà các em phải chịu đựng, những đau đớn của người thân trong gia đình là không thể nào lấp đầy.

Nếu trước đây làng xóm thường xuyên tới lui thăm hỏi, họ hàng qua lại mỗi ngày, thì giờ đây, mỗi gia đình ở một căn hộ, một căn nhà cửa đóng then cài, chuyện gia đình là chuyện riêng không ai được can thiệp. Nhà trường, nơi bồi dưỡng tri thức, chưa trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ bản thân, cách thông báo cho người khác khi bị xâm hại, bạo hành... Những việc “vặt vãnh” ít ai quan tâm ấy lại là một trong những nguyên nhân tiếp tay cho nhiều hậu quả đau lòng.

Những kẻ máu lạnh chắc chắn sẽ phải chịu tội trước pháp luật. Nhưng những tổn thương, mất mát của những đứa trẻ vô tội vẫn còn đó, những vụ việc tương tự vẫn diễn ra hằng ngày. Trẻ em chỉ mãi là một tờ giấy trắng nếu không được chỉ bảo, và năng lực tự bảo vệ của các em là quá thấp trong xã hội đầy rẫy sự hiểm họa như hiện nay. Từ bao giờ gia đình lại là nơi nguy hiểm nhất đối với các em? Dân gian có câu “Thương cho roi cho vọt”, nhưng có lẽ nhiều người đã hiểu sai ý nghĩa của câu này mà dẫn đến nhiều tổn thương thậm chí là mạng sống của đứa trẻ.

Thiết nghĩ việc bảo vệ các mầm non tương lai của đất nước phải cần đến sự quan tâm, vào cuộc của mọi người, mọi gia đình, đặt biệt là xóm giềng, họ hàng, trường học, những người có tiếp xúc trực tiếp hằng ngày với trẻ. Ngoài ra, các cấp chính quyền cần có thêm nhiều hơn nữa những biện pháp để chăm sóc và bảo vệ trẻ nhỏ bên cạnh việc trừng trị những đối tượng xấu về mặt thể xác.