ĐỜI SỐNG

Dược thiện dưỡng sinh - Tinh hoa chăm sóc sức khỏe từ phương Đông

Tam Nguyên • 19-05-2023 • Lượt xem: 1079
Dược thiện dưỡng sinh - Tinh hoa chăm sóc sức khỏe từ phương Đông

Mọi người khi bị bệnh đa phần đều ái ngại dùng thuốc, đặc biệt là các loại thuốc Nam, thuốc Bắc hay Đông y bởi hương vị của chúng không phải ai cũng thích nghi được.

Chính vì vậy, dược thiện ra đời chính là sự kết hợp hoàn hảo để chiều lòng con người: Thích ăn, sợ thuốc mà vẫn đạt được hiệu quả phòng bệnh, chữa bệnh.

Dược thiện là gì?

Dược thiện là từ ghép bởi dược tức “dược liệu” và thiện tức “món ăn”. Vậy dược thiện chính là những sản phẩm ẩm thực mang tính chất trị liệu. Dược thiện chính là tinh hoa của Đông y dùng thực phẩm làm chủ thể, phối cùng với những dược liệu có các tác dụng khác nhau, qua chế biến, đun nấu mà thành. Dược thiện có vị ngon của món ăn, có tác dụng của thuốc, vừa giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, vừa có thể trị bệnh.

Dược thiện vừa mang đến cảm giác ngon miệng của ẩm thực, vừa giúp cải thiện sức khỏe, bệnh tật được chữa lành. Có thể nói, quá trình chế biến và ứng dụng dược thiện, không những là một môn khoa học, mà còn là một môn nghệ thuật được đánh giá dựa trên sắc, hương, vị, hình của món ăn.

Tác dụng đặc trưng của dược thiện

Trong tài liệu “Hoàng đế nội kinh” có chỉ ra rằng dược liệu dùng để trị bệnh, còn thực phẩm dùng để tăng cường hiệu quả của thuốc, rút ngắn thời gian bệnh, dược thiện chính là một phần quan trọng không thể thiếu trong y học cổ truyền. Những thầy thuốc thời xưa sử dụng dược thiện nhằm phục hồi khí huyết, nuôi dưỡng cơ thể, nâng cao khả năng kháng bệnh. 

Dù đều có thành phần dược liệu bên trong, nhưng dược thiện không phải là thuốc và không thể thay thế thuốc. Dược thiện chỉ có tác dụng hỗ trợ, chứ không thể vì quá tập trung vào tác dụng của dược thiện mà làm lỡ mất cơ hội trị liệu.

Các loại dược thiện thường thấy

Trong suốt quá trình phát triển của Đông y từ cổ chí kim, dược thiện được phân thành 4 loại chính bao gồm: Các món ăn, các loại cháo thuốc, các món điểm tâm, các loại nước uống giải khát.

Các món ăn: Bao gồm các món xào, nướng, chiên, canh, súp, nấu, hầm... trong đó các loại nguyên liệu có thể cho thêm hoặc không cho thêm dược liệu để tạo nên món ăn mang tính trị liệu, tư bổ.

Các loại cháo thuốc: Cháo là món dược thiện bổ dưỡng quen thuộc nhất mà hầu như gia đình nào cũng đã từng chế biến và sử dụng. Trong đó theo Đông y, gạo tẻ có tác dụng dưỡng vị kiện tỳ, hòa ngũ tạng, giải khát, bổ trung ích khí kết hợp với các loại nguyên liệu thực phẩm và dược liệu khác nhau cũng sẽ có tác dụng khác nhau.

Các món điểm tâm: Chỉ cần để ý một chút chúng ta sẽ phát hiện ra rất nhiều món điểm tâm chúng ta ăn hằng ngày lại chính là dược thiện.

Các loại nước uống giải khát: bao gồm ẩm, trà, sữa, rượu, sinh tố, chè...

Nguyên liệu nấu dược thiện Đông y

Dược liệu có thể dùng trong dược thiện có khoảng hơn 500 loại, chiếm 1/10 tổng số dược liệu Đông dược. Trong đó các loại dược liệu, thực phẩm thường dùng có: nhân sâm, đông trùng hạ thảo, hoàng kỳ, hoài sơn, bạch truật, thiên ma, phục linh, cam thảo, đương quy, hà thủ ô, hoàng tinh, hạt óc chó, vừng (mè), táo đỏ, tay gấu, tổ yến, ô tiêu xà, ba ba, ý dĩ, liên tử, mật ong, câu kỷ tử, ngân nhĩ, long nhãn nhục,...

Bình thường, các nguyên liệu có tính hàn, mát sẽ dùng cho chứng nhiệt và thể chất dương; nguyên liệu có tính ấm, nóng sẽ dùng cho chứng hàn và thể chất âm; nguyên liệu tính bình có thể dùng phổ biến hơn, đặc biệt khi gặp trường hợp thể hư mà không dám bổ, thể thực mà không dám tả. Về cơ bản, theo cách phân này có thể chia dược thiện thành 4 loại gồm: Ôn bổ, thanh bổ, bình bổ và chuyên trị loại bệnh nào đó.

Dược thiện phù hợp cho ai sử dụng

Dược thiện thiên về dưỡng sinh, phục hồi, dùng thực phẩm làm chủ, lượng thuốc thường nhỏ, tác dụng chậm, tác dụng phụ cũng ít hơn, nên có thể dùng dài ngày, vì thế đối tượng thích hợp nhất để sử dụng chính là những người cao tuổi, người mắc bệnh lâu ngày. 

Ở người cao tuổi, lục phủ ngũ tạng sau mấy chục năm vận hành nay bị tổn thương, từ thể đặc sang thể rỗng, vì thế ăn uống hấp thụ kém. Nếu như ở tuổi trẻ khi ăn uống vào cơ thể có thể hấp thu đến 70 - 80% thức ăn, đồ uống thì ở tuổi già, sự hấp thụ chỉ đạt 50-60% ở người không có bệnh về tỳ vị, nếu có bệnh về tỳ vị thì hấp thụ chỉ đạt 30 - 40% là tối đa. Điều này làm cho khí huyết ngày càng suy kém. Âm dương mất cân bằng, cơ thể dễ phát sinh một số bệnh tật mà ở thời tuổi trẻ không có, hoặc khi thời tiết thay đổi dễ cảm nhiễm thời khí, mắc các chứng bệnh của bốn mùa.

Mặt khác, người cao tuổi và những người mắc bệnh lâu ngày thường sẽ bị suy yếu thận dương, hấp thụ của tỳ vị cũng yếu làm cho thận thiếu đi tinh chất của đồ ăn thức uống, để hóa thành khí, huyết nuôi dưỡng cơ thể. Do vậy, cách tốt nhất để phục hồi lại sức khỏe và cơ thể chính là sử dụng dược thiện điều dưỡng từ từ.