ĐỜI SỐNG

Được ví như 'yến của núi rừng', loại hạt quý 4 năm mới có 1 mùa

Khanh Khanh • 26-10-2023 • Lượt xem: 1715
Được ví như 'yến của núi rừng', loại hạt quý 4 năm mới có 1 mùa

Theo nhiều nghiên cứu của y học cổ truyền, hạt đười ươi được xem như một loại thần dược đối với sức khỏe con người. Người ta thường ưu ái gọi hạt ươi với cái tên “yến của núi rừng" hay “lộc trời" bởi đặc tính đặc biệt 4 năm mới cho hạt 1 lần.

Hạt đười ươi có tên tiếng Anh là Malva nut, tên khoa học là Sterculia lychnophora Hance. Tại Việt Nam, hạt ươi có những cái tên như lười ươi, đại hải tử, bàng đại hải, đại phát, đại đồng quả, an nam tử… Và một số cái tên khác theo từng quốc gia trên thế giới như: som vang, sam rang, som rong sva (Campuchia), mak chong, crap chi ling leak (Lào), graine gonflante, noix de malva (Pháp)...

Vốn được người dân ví như “lộc trời” là bởi cây đười ươi phải mất 10 năm mới trưởng thành và ra hoa kết hạt. Mỗi cây trưởng thành 4 năm cho ra quả 1 lần, thường được thu hoạch vào mùa hè. Hạt đười ươi mang giá trị kinh tế cao nhờ hàm lượng chất dinh dưỡng cao và hàng loạt công dụng tốt đối với sức khỏe người sử dụng. 

Có hai loại hạt ươi là hạt ươi bay và hạt ươi khô. Nếu so về chất lượng thì hạt ươi bay cao hơn, vì đây là loại chín và rụng tự nhiên khi già đi. Còn hạt ươi khô lại được hái trực tiếp từ trên cây, sau đó đem sấy khô rồi mang đi bán.

Khi cắt hai đầu hạt mang đi ngâm cùng nước ấm, phần chất nhầy trong hạt ươi bắt đầu tiết ra màu nâu trong, nở gấp nhiều lần hạt ban đầu. Trong phần vỏ này chứa các hoạt chất như: 59% bassorin, 1% chất béo, tannin, chất nhầy mang khả năng phục hồi tình trạng rối loại thần kinh thực vật, kiểm soát chứng tiểu gắt và gai cột sống. Còn lại, phần nhân hạt chứa 3 loại đường chủ yếu là galactose, pentose và arabinose có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, phục hồi vết thương và giảm đau nhức khớp hiệu quả.

Theo y học cổ truyền, hạt đười ươi mang tính hàn, uống vào hậu vị ngọt, giúp thanh nhiệt tốt. Vì vậy được sử dụng nhiều cho các trường hợp viêm họng, chảy máu cam, ho khan, nổi mụn nhọt và táo bón… Bên cạnh đó còn là bài thuốc hữu hiệu cho chứng nhuận tràng, nhiệt táo, đại tiện phân đen…

Cách thức đơn giản và thường được sử dụng nhất đối với loại quả này là ngâm hạt uống thay nước. Tuy nhiên, để hiệu quả đạt được tốt nhất nên chú trọng từ khâu chọn hạt. Khi mua hạt đười ươi tại các hiệu thuốc Đông y, những hạt nào đáp ứng được tiêu chí vỏ màu nâu vàng, căng mẩy thì mới nên mua. 

Liều lượng dùng mỗi ngày là từ 2-10 hạt đem ngâm với khoảng 500ml nước ấm ở nhiệt độ 45-50 độ C trong thời gian 15-30 phút. Sau khi quan sát thấy hạt đã nở được nhiều thì lấy thịt, bỏ vỏ và pha thêm chút đường tùy thích. Uống kiên trì liên tục thay nước trong 10-30 ngày sẽ cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt trong cơ thể. Ngoài ra, hạt ươi còn có thể sử dụng kết hợp để tạo ra nhiều món ngon giải nhiệt khác như: hạt ươi chưng đường phèn, sữa chua hạt ươi, nước cam hạt ươi, chè thạch hạt ươi…

Khi sử dụng hạt ươi, người dùng cần tuân theo một số lưu ý sau để phát huy hiệu quả tối đa:

  • Đảm bảo nước ngâm hạt là nước ấm. Vì khi đó, các hoạt chất sterculin, glucose, tamin bên trong hạt mới có thể chuyển hóa và quá trình hấp thụ vào cơ thể diễn ra dễ dàng hơn. 
  • Để hạt mềm đúng chuẩn cần trải qua thời gian ngâm từ khi nước ấm cho đến lúc nguội hẳn. Tuyệt đối không ngâm trước nhiều ngày vì hạt dễ lên men, nhiễm khuẩn gây chua và mất chất. Tốt nhất là chỉ khi nào dùng thì mới ngâm và sử dụng hết trong ngày. 
  • Nơi bảo quản hạt ươi phải khô ráo và thoáng mát vì hạt ươi có đặc tính dễ nở khi gần nước. 
  • Quá trình chế biến và ngâm hạt ươi phải kỹ lưỡng sao cho hạt nở hết. Vì hạt có tính hút nước, nếu không nở hết thì khi vào cơ thể dễ gây ùn tắc ruột, khó tiêu và đau bụng. Tuyệt đối không được ăn hạt ươi khô. 
  • Khi sử dụng hạt ươi để chữa bệnh cần kiên trì và kết hợp cùng chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ để hiệu quả diễn ra nhanh chóng. 
  • Không sử dụng hạt ươi cho người có các chứng bệnh về tiêu hóa.