ĐỜI SỐNG

Đường ảnh hưởng đến cơ thể con người như thế nào?

Cẩm Chi • 01-09-2022 • Lượt xem: 245
Đường ảnh hưởng đến cơ thể con người như thế nào?

Đường là thành phần trong hầu hết thức ăn hàng ngày. Không phải chỉ món ngọt (bánh kẹo, trà sữa) mới có đường, sốt cà chua, hoa quả sấy khô hay những món ăn chế biến từ ngũ cốc cũng có đường. Bất chấp việc bạn có thể gần như không cảm giác được vị ngọt khi ăn, chúng vẫn tồn tại.

 

Đường là gì?

Đường là tên gọi chung của những hợp chất hóa học thuộc nhóm phân tử cacbohydrate. Chỉ cần xem nhãn mác những sản phẩm, thấy chữ cacbohydrate đồng nghĩa trong thành phần có “đường” tồn tại.

Thực ra gần như mọi loại thực phẩm đều có chứa “đường”, chỉ là dưới tên gọi gì và số lượng ít hay nhiều.

Thứ đường hạt màu trắng thường được sử dụng khi pha chế thức uống hoặc nêm nếm đồ ăn có tên gọi chính xác là đường sucrose (saccharose). Bên cạnh đó, đường còn có thể tìm thấy trong quả nho (đường glucose), mật ong (đường fructose), kẹo mạch nha (đường maltose).

Thậm chí cả những món ăn không có vị ngọt vẫn có đường như thường: bắp, gạo, khoai, cà chua... Hay thậm chí kể cả sữa (tự nhiên không có vị ngọt) thì vẫn có đường lactose trong đó.

Lợi ích của đường

Đường là nguồn cung cấp năng lượng để các cơ quan hoạt động và não bộ tư duy. Bên cạnh đó, đường còn có vai trò dự trữ năng lượng để cơ thể ứng phó với các phát sinh bất ngờ. Theo nhiều nghiên cứu, cơ thể một người trưởng thành bình thường sẽ đủ năng lượng cho các hoạt động mạnh, cường độ cao trong khoảng 20 phút (cường độ thấp khoảng 90 phút). Tuy nhiên cần lưu ý hoạt động trí não (suy nghĩ căng thẳng) cũng hao phí năng lượng không kém các hoạt động cơ bắp.

Nên ăn uống đúng giờ vì các bữa ăn sẽ cung cấp năng lượng đảm bảo cơ thể hoạt động ổn định.

Ngoài ra, đường còn giúp giảm stress, cải thiện khả năng suy nghĩ, tăng cường hệ miễn dịch, giảm thiểu khả năng nhức đầu... Đường đem lại cho cơ thể rất nhiều lợi ích. Vậy nên một khi thiếu đường, cơ thể gần như sẽ có những biểu hiện tiêu cực lập tức.

Cơ chế gây nghiện của đường

Bộ não con người đôi lúc có những pha xử lý hết sức cồng kềnh và gây cho chủ nhân hậu quả khó lường. Một trong số đó là cách nó ứng xử với đường. Khi chúng ta ăn một món ăn có đường, vị ngọt sẽ tác động lên các dây thần kinh trên lưỡi. Tín hiệu truyền về và não bộ tiết ra dopamine (một loạt hormone hạnh phúc) ngay lập tức.

Đó là lý do mỗi khi ăn (uống) đồ ngọt thì tâm trạng sẽ cải thiện rất tốt.

Dopamine khiến cơ thể cảm thấy dễ chịu, thậm chí là hưng phấn nhanh chóng. Và trên thực tế, một số chất gây nghiện khác (rượu, nicotine hay thuốc lá...) cũng có cơ chế hoạt động tương tự. Đó là lý do khi tâm trạng tiêu cực, rất nhiều người muốn ăn đồ ngọt. Và nếu không tự kiểm soát được thì mức độ ngọt thèm muốn sẽ dần tăng theo thời gian. Bởi cơ thể đã quen với sự hưng phấn khi có dopamine. Mỗi khi mệt mỏi, chúng sẽ yêu cầu não bộ thỏa mãn. Và não bộ sẽ chỉ định bạn “bỗng dưng” thèm ngọt, đi tìm đồ ngọt nạp vào cơ thể lập tức.

Cách đơn giản để không bị nghiện đồ ngọt là không để cơ thể phụ thuộc vào một nguồn cung cấp dopamine duy nhất (đường). Tập thể dục (chạy bộ thôi cũng được) chính là một cách khác để não bộ tiết ra dopamine. Đó là lý do những ai tập thể dục ban đầu sẽ mệt, nhưng khi kết thúc việc tập luyện rồi lại cảm thấy hưng phấn. Và một khi đã quen vận động rồi thì ngày nào không tập luyện cơ thể sẽ cảm giác rất khó chịu.

Tác hại khi ăn nhiều đường

Việc sử dụng quá nhiều đường cũng không phải là điều tốt, nhất là đường tinh luyện. Bởi chúng mang lại nhiều tác hại cực kỳ nguy hiểm.

Đầu tiên là béo phì, hoặc ở mức độ nhẹ hơn là dư cân, nhất là phần bụng mỡ. Bởi đường cung cấp năng lượng cho cơ thể. Tuy nhiên chất béo (lipid) cũng đồng thời chia sẻ nhiệm vụ này. Và một khi bạn ăn quá nhiều đường thì cơ thể sẽ ưu tiên “đốt đường” để tạo ra năng lượng. Số lipid kia chưa được dùng đến sẽ “dự trữ” dưới hình dáng những lớp mỡ. Và do đó, cơ thể xuất hiện mỡ thừa.

Ăn đồ ngọt nhiều chính là một trong những nguyên nhân gây ra béo phì.

Ngoài ra, việc tiêu thụ đường nhiều cũng có thể dẫn đến bệnh tiểu đường. Đường trong máu (đường huyết) quá cao có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, suy thận, các vấn đề về gan...

Ăn quá nhiều đường không chỉ tác động xấu đến cơ thể mà còn ảnh hưởng tinh thần. Người nghiện đồ ngọt dễ bị kích thích tâm lý, cảm xúc bất thường, suy nghĩ nhiều và thậm chí trầm cảm.

Có thể thấy, đường mang lại rất nhiều lợi ích cho cơ thể. Tuy nhiên gần như ở tất cả những khía cạnh đó, dùng quá nhiều đường đều bị tác dụng ngược. Từ tăng cường sức miễn dịch, kích thích não bộ minh mẫn, cải thiện tinh thần... tất cả đều bị phản tác dụng một khi hưởng dụng đồ ngọt quá nhiều. Vì vậy, hãy xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh cho bản thân.