GIẢI TRÍ

Duyên dáng Việt Nam – chậm chân là... hết vé tốt

Thiên Dung • 01-11-2018 • Lượt xem: 2247
Duyên dáng Việt Nam – chậm chân là... hết vé tốt

Sau 12 lần tổ chức, chương trình Duyên dáng Việt Nam đã trở thành thương hiệu nghệ thuật uy tín. Nhiều khán giả chậm chân, không thể sở hữu những chỗ ngồi tốt hoặc phải tiếc nuối ra về vì không mua được vé. Sở dĩ, chương trình thu hút đông đảo công chúng như vậy là nhờ chất lượng ngày càng được nâng cao. Mỗi tiết mục được dàn dựng công phu, sáng tạo, hài hòa với chủ đề chương trình.

Duyên dáng Việt Nam (DDVN) lần thứ 13 khai màn vào đúng Tết Dương lịch năm 2004 tại sân khấu Lan Anh, TP.HCM. Đó là một trong những chương trình thu hút khán giả nhiều nhất bởi sự đột phá về sáng tạo và dàn dựng sân khấu. Với chủ đề “Hai mùa mưa nắng”, lần đầu tiên chương trình thoát khỏi sân khấu hộp, để bước ra sân khấu 4 mặt. Đạo diễn Huỳnh Phúc Điền đã thành công khi kết hợp nét hiện đại với truyền thống trên một sân khấu hoàn toàn khác lạ, chưa ai thể nghiệm trước đó. Khán giả không chỉ được thưởng thức giọng hát truyền cảm, điệu múa điêu luyện, mà còn được xem rối nước.

DDVN 13 lần đầu tiên diễn ra ở sân khấu 4 mặt

Các tiết mục đặc sắc của ca sĩ Quang Linh, Quang Dũng cuốn hút khán giả

Người xem không khỏi ấn tượng với những cơn mưa ngay trên sân khấu trong tiết mục “Xóm nhỏ” của ca sĩ Quang Linh hay vẻ tình tứ, dễ thương của đôi song ca Nguyên Vũ - Hồng Ngọc trong “Tình khúc chiều mưa”. Cũng cơn mưa nồng nàn ấy, khán giả lại bồi hồi với những kỷ niệm trong “Bâng khuâng chiều nội trú” do ca sĩ Quang Dũng thể hiện hay phiêu lãng cùng “Huyền thoại hồ Núi Cốc” qua giọng hát Thanh Lam. DDVN 13 cũng chứng kiến sự xuất hiện của nhiều gương mặt trẻ đầy triển vọng như Quang Vinh với “Miền cát trắng” hay Hồ Ngọc Hà đầy lửa qua ca khúc “24 giờ 7 ngày”...

Trong khi đó, DDVN 14 tạo cảm giác dễ chịu cho khán giả ngay từ chủ đề “Sen”. Đạo diễn Đinh Anh Dũng đã “chiêu đãi” người xem bữa tiệc sen linh đình với hình ảnh sen thanh khiết, trong trẻo từ màn ảnh đến thiết kế sân khấu, nội dung tiết mục... Qua đó, anh tôn vinh vẻ đẹp tâm hồn Việt, văn hóa Việt qua góc nhìn của một người con vừa trở về quê hương.


DDVN 14 là "bữa tiệc" sen nhiều sắc màu

Các tiết mục được đầu tư, dàn dựng công phu

Khán giả khó quên được một Phương Thanh sâu lắng với “Ca dao mẹ” hay Quang Dũng da diết với “Mắt lệ cho người” và đặc biệt là 3 bài “Hòn Vọng Phu” nổi tiếng cùng nhạc cảnh hoành tráng qua phần thể hiện của ca sĩ Elvis Phương và Hương Lan. Đây cũng là một trong những kỳ “Duyên dáng” mà các màn múa được trau chuốt, tạo hiệu quả nghệ thuật cao.

Mỗi năm, DDVN không ngừng sáng tạo để chương trình ngày càng đa dạng, phong phú hơn, đáp ứng thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của khán giả. DDVN 15 với chủ đề “Một ngày mới” minh chứng cho điều này khi ê-kíp thực hiện có cả sự góp mặt của những người bạn quốc tế. Những trang báo như những cánh bướm cách điệu đầy màu sắc hiện ra trên sân khấu cùng dàn nhạc lớn với sự chỉ huy của nhạc trưởng người Anh Graham Sutcliffe… Đây là lần đầu tiên, DDVN có sự kết hợp giữa nhiều thể loại nhạc, gồm dàn giao hưởng, hợp xướng, nhạc dân tộc và nhạc nhẹ.

Sân khấu với những trang báo cách điệu như cánh bướm

Các tiết mục sáng tạo, cuốn hút khiến người xem không thể rời mắt. Đó là Đức Tuấn, Thu Minh bay bổng với “Mong anh về”, Ngọc Khuê mê hoặc lòng người với “Giọt sương bay lên”, Mỹ Tâm quyến rũ khi tự đệm đàn cho ca khúc tự sáng tác “Dường như ta đã” hay Quang Dũng bản lĩnh với bài “Bay đi cách chim biển” vừa được cấp phép lưu hành…

 

Màn hợp ca độc đáo, sáng tạo trong DDVN 15

Bên cạnh sự góp mặt của nhiều ca sĩ Việt kiều, DDVN 15 còn có sự “trở về” của nhạc sĩ Phạm Duy, một tên tuổi lớn của âm nhạc VN với 3 ca khúc: Ngày trở về, Cây đàn bỏ quên, và Tình ca. Lần đầu tiên, “Tình ca” của Hoàng Việt và “Tình ca” của Phạm Duy được "kết nối" bằng chính âm thanh của những tâm hồn đồng điệu. Đó là ý tưởng độc đáo, thể hiện khát vọng về “Một ngày mới”, không có khoảng cách, chỉ còn tình yêu và hai tiếng Việt Nam thân thương! Từ đây, DDVN đã được nâng lên một tầm cao mới, là tiền đề để vươn ra quốc tế trong những năm sau đó.