ĐỜI SỐNG

Gen Z đã dần thay đổi quan niệm về công việc như thế nào?

Nguyễn Hậu • 05-07-2023 • Lượt xem: 13453
Gen Z đã dần thay đổi quan niệm về công việc như thế nào?

Khảo sát mới đây của Anphabe trong số hơn 13.000 sinh viên đến từ 120 trường đại học tại Việt Nam. Khi được hỏi thì 78% cho rằng yếu tố tác động đến nghề nghiệp của Gen Z là năng lực bản thân, 68% cho rằng phụ thuộc vào sở thích cá nhân, 22-23% tin rằng là do gia đình, bạn bè, thầy cô và các yếu tố khác.

Với nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z một công việc đáng để theo đuổi không nhất thiết phải mang lại thu nhập cao mà trước hết phải đáp ứng được lối sống và cho phép xây dựng thương hiệu cá nhân. Đó cũng là tiêu chí lựa chọn nghề nghiệp của hai bạn trẻ sau đây khi lựa chọn việc làm.

Đặng Thái Tuấn là họa sĩ vẽ minh họa

Đặng Thái Tuấn, sinh năm 2000 bắt đầu làm họa sĩ vẽ minh họa bán thời gian từ năm 2 đại học. Sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin vẫn theo đuổi công việc này. Ban đầu Tuấn không nhận được sự ủng hộ của gia đình khi lựa chọn trái ngành. Nhiều người đặc biệt là mẹ của Tuấn nghĩ công việc vẽ minh họa này chỉ là phù phiếm. Cho đến khi những bức tranh của Tuấn được bán đấu giá với số tiền lên tới vài ngàn đô mỗi bức. Tuấn đã dùng năng lực và niềm đam mê của mình để thay đổi tư tưởng của mẹ. Tuấn nói rằng: “Cứ có đam mê là sẽ kiếm được nguồn thu nhập ổn định”.

Mai Anh giảng viên tiếng Anh

Mai Anh, một sinh viên trường đại học Ngoại Thương sau khi thử sức với nhiều công việc như bán quần áo, gia sư, chuyên viên trang điểm. Mai Anh quyết định theo đuổi nghề giảng dạy tiếng Anh. Mai Anh cho biết: “Đối với mình công việc không quan trọng ở cái mác mà quan trọng là nó có thể phát triển cho mình về sức khỏe, tâm hồn, trí tuệ hay không? Khi mình làm đào tạo thì mình cảm thấy năng lượng và thông điệp của mình có thể được truyền tải sâu sắc hơn”.

Chị Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành công ty Anphabe cho biết: “Thế hệ Gen Z là thế hệ có tư duy rất khác biệt, vô cùng độc lập trong suy nghĩ. Họ mang đến cho doanh nghiệp nhiều kiến thức mới, rất nhiều nghề mới được phát minh ra và được phát triển nhờ thế hệ trẻ”.

Không chỉ Gen Z Việt Nam mà thế hệ Gen Z thế giới cũng đang theo đuổi những giá trị mới trong công việc bao gồm: làm việc trong một ngành phù hợp với các giá trị và niềm đam mê, công việc cho phép người lao động sống theo lối sống mình muốn, đảm bảo một công việc cho phép họ xây dựng thương hiệu cá nhân của mình.

Danielle Farage, 24 tuổi

Danielle Farage, 24 tuổi, Tốt nghiệp Đại học Nam California năm 2020 là một ví dụ điển hình như vậy. Cô vừa làm giám đốc tiếp thị toàn thời gian tại một công ty startup vừa song song xây dựng một công việc kinh doanh riêng. Cô cho rằng phần cốt lõi của công việc danh giá là một công việc giúp nâng cấp cuộc sống của chính họ bao gồm: giá trị, niềm đam mê và tinh thần làm việc. Điều này phá vỡ quan niệm của thế hệ Gen Y là công việc được xã hội trọng vọng, có thu nhập cao, đầu vào khó như: bác sĩ, luật sư, kỹ sư…

Andrew Roth, 24 tuổi

Andrew Roth, 24 tuổi, Tốt nghiệp Đại học Vanderbilt Mỹ năm 2021 cho biết anh sẽ theo đuổi kế hoạch khởi nghiệp và thành lập một công ty nghiên cứu và chiến lược.

Có thể nói Gen Z đã dần thay đổi quan niệm về công việc, điều này đến từ thái độ của Gen Z khác xa thế hệ đi trước, đến từ việc phải chịu áp lực đã tồn tại trong gia đình, đến từ công nghệ với các tin tuyển dụng đăng trực tuyến cho phép họ tìm được vô số vị trí và cơ hội cũng như có được tầm nhìn tốt hơn. Ngoài ra những thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động và sự xuất hiện của nhiều ngành nghề mới cũng giúp Gen Z hiểu rằng họ có rất nhiều lựa chọn.