Tiền luôn là vấn đề khiến giới trẻ đau đầu, đặc biệt là gen Z (độ tuổi từ 1997 trở đi). Cộng dồn thêm ảnh hưởng của thời gian dài đại dịch khiến tỉ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, gánh nặng về tài chính đè lên vai ngày một nặng. Tuy nhiên, trong khi nhiều người chọn giải pháp kiếm tiền từ 2 nguồn thu nhập khác nhau trở lên để đảm bảo giảm thiểu rủi ro tiền bạc, thì một số giới trẻ gen Z lựa chọn chỉ dựa vào một nguồn thu nhập duy nhất.
Không muốn thời gian dành cho bản thân bị ít đi
Một số gen Z lựa chọn chỉ theo đuổi một công việc kiếm tiền để vừa có thể lo cho công việc, vừa dành thời gian ở bên gia đình, bạn bè và một số hoạt động yêu thích khác của bản thân. Bên cạnh đó, thế mạnh của việc chỉ theo một công việc duy nhất chính là có sự tập trung cao độ và tối đa cho công việc đó. Hơn nữa, tiêu chí lựa chọn công việc cũng cần đáp ứng được nhiều khía cạnh mà bản thân mong muốn. Chẳng hạn như niềm đam mê, có lộ trình thăng tiến, triển vọng đi xa với nghề,... những vẫn dành thời gian được cho chính mình.
Mặt khác, một số bạn trẻ vì quá bận rộn với công việc hiện tại nên chưa dám lấn sân sang một số công việc mới. Người là vì tính chất công việc đang chọn, số khác thì là vì cảm thấy bản thân chỉ hợp để làm một việc phù hợp nhất. Nhưng chủ yếu là vì cho rằng khoản lương hiện tại đã đáp ứng đủ nhu cầu sinh sống, thoải mái chi trả các chi phí và vẫn còn khoản tiền dư. Các bạn vẫn đồng ý rằng việc theo 2-3 nguồn thu nhập là tốt và có thể tránh khỏi các rủi ro nhất định. Tuy nhiên nếu có thì sẽ là định hướng trong tương lai, khi bản thân ổn định và muốn thử sức để tăng thu nhập cho những dự định lớn hơn.
Rủi ro với một nguồn thu nhập giữa thời điểm lạm phát
Với tình trạng bão giá như hiện tại, mọi ngành hàng đều bị ảnh hưởng và đình trệ nặng nề, đặc biệt là mua bán kinh doanh. Để giảm thiểu tình trạng thất nghiệp và những khó khăn khi có sự cố bất ngờ, chẳng hạn như đại dịch Covid, thì tiêu chí lựa chọn công việc duy nhất của giới trẻ cần được nâng cấp lên. Thêm vào đó một số khoản như đảm bảo được các vấn đề giá cả leo thang, kinh tế lạm phát….hay chuyện phát sinh của cá nhân. Và điều này quả không dễ.
Theo Khảo sát của hệ thống phần mềm quản lý nhân sự iCIMS, phần trăm sinh viên tốt nghiệp vào năm 2020 - 2021 muốn tìm công việc ổn định là 91%. Trong đó, số người muốn gắn bó lâu dài với công ty chiếm vị trí áp đảo với 70%. Tuy nhiên, trên thực tế có vẻ ngược lại. Số đông bạn trẻ tốt nghiệp ra trường đều ở ngưỡng lương khởi điểm chưa cao, gây nên nhiều áp lực, không đảm bảo được đời sống dẫn đến bỏ việc. Thậm chí là tạm lánh về quê sinh sống một thời gian. Điều đáng nói ở đây là gen Z muốn tìm một công việc khởi đầu có lương cao, nhưng bên cạnh đó vẫn muốn nó phải là công việc mình yêu thích. Tiêu chuẩn kép này dẫn đến bị đánh giá là “thực dụng duy tâm".
Cái gì cũng có 2 mặt
Có thể nói, việc theo một nguồn thu nhập cố định mang nhiều rủi ro, nhưng không phải lúc nào cũng sẽ như vậy. Một số bạn trẻ tự tin rằng nếu bản thân biết cách và đủ tự tin, có khả năng và sức lực thì tránh khỏi các rủi ro trên là không khó.
Ngược lại, các gen Z còn tìm ra được nhiều ưu điểm cho xu hướng công việc này. Một nguồn thu nhập, một công việc là biết tự lượng sức mình và tập trung, trau dồi kĩ năng, kiến thức, học cách làm chủ tình hình tốt hơn. Khi đó sẽ tạo hiệu quả từ công việc bản thân đang theo đuổi và là đòn bẩy phát triển, thăng tiến mỗi khi có cơ hội.
Không phải chăm chăm phương pháp nào là đúng mà ở đây là sự phù hợp với tư duy, quan điểm, sức bền của riêng mỗi cá nhân. Gen Z cần hiểu được chính mình, tự lượng sức để vạch ra mục tiêu riêng cho phù hợp để theo đuổi lâu dài.