Chắc ít ai nghĩ rằng việc thể hiện suy nghĩ và bản thân trong những ghi chép cá nhân có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật, hoặc một cái gì đó lớn lao hơn. Joyce Carol Oates, người đã đoạt giải thưởng National Book Award đã bắt đầu thói quen ghi chép từ năm 21 tuổi, và nhận thấy rằng nó không chỉ hữu ích trong việc thể hiện suy nghĩ và hiểu hơn về bản thân, mà nó còn giúp cô quan sát và tìm hiểu thế giới xung quanh.
Ghi chép cá nhân (journaling) là gì?
Ghi chép cá nhân (journaling) là một cách hiệu quả để có thể “giữ liên hệ" với những suy nghĩ trong bạn. Nó có thể có nhiều hình thức khác nhau, nhưng thường thì đó là những dòng ghi chép mang tính cá nhân và người viết không có ý định chia sẻ cho ai khác xem. Những ghi chép này cho phép người viết tự do viết ra những suy nghĩ, những ý tưởng mới mà không cần phải suy nghĩ hay đắn đo quá nhiều. Các ghi chép này cũng có thể là những dòng nhật ký ghi lại những trải nghiệm và quan sát của bản thân, và có thể dùng để làm những ý tưởng cho các dự án của bản thân như viết lách, công việc, học tập…
Một trang ghi chép cá nhân (ảnh: internet)
Ghi chép hoặc viết nhật ký là một cách để lưu lại những suy nghĩ và quan sát mà bạn có được hằng ngày. Những ghi chép này có thể được viết theo phong cách viết lại những dòng ý thức của bạn, hoặc các gạch đầu dòng, hoặc những lời nhắc nhở, hoặc thậm chí là những nét vẽ nguệch ngoạc. Mặc dù việc ghi chép cá nhân này có thể làm trên máy tính, nhưng việc ghi chép lại bằng giấy bút có thể giúp não và mắt của bạn được nghỉ ngơi khỏi màn hình.
3 lợi ích của việc ghi chép đối với người đang tập viết lách
Lợi ích của việc ghi chép hằng ngày đối với sức khỏe tinh thần đã từng được nghiên cứu và chia sẻ khá nhiều, đặc biệt là đối với những người theo nghiệp viết lách chuyên nghiệp, thói quen ghi chép và viết nhật ký thường xuyên có thể trở thành một kĩ năng hữu ích cho việc phát triển nghề nghiệp. Nếu bạn cảm thấy có chút khó khăn trong việc bắt đầu viết với một trang giấy trắng, hoặc một màn hình trắng trơn, thì việc thực hành kĩ năng ghi chép vào mỗi ngày sẽ có thể giúp bạn dần cảm thấy thoải mái hơn trong công việc viết lách hằng ngày.
Đối với vài người, bắt đầu viết với một trang giấy trắng có thể hơi khó khăn (ảnh: internet)
1. Ghi lại những suy nghĩ của bạn trước khi chúng hoàn toàn biến mất khỏi đầu là một cách hay để mài giũa kỹ năng quan sát, đặc biệt là khi bạn đi du lịch.
2. Làm quen với cách mọi người nói chuyện và những chủ đề có thể khơi dậy cảm xúc trong những cuộc trò chuyện sẽ giúp ích cho kĩ năng viết hội thoại và xây dựng nội dung, kịch bản, câu chuyện… tốt hơn.
3. Đọc lại những dòng ghi chép cũ của bản thân sẽ có thể giúp mang lại nguồn cảm hứng cho các dự án viết lách trong tương lai. Một số phần có thể sẽ khá bình thường, và một số khác sẽ thú vị hơn, và thậm chí sẽ có một số bắt đầu thì bình thường nhưng càng đọc lại càng trở nên thú vị hơn. Sau một khoảng thời gian, một số quan sát cũ sẽ có thể trở nên sâu sắc hơn, và có khả năng tạo ra nhiều ý tưởng khác nhau để bạn viết. Gần như không thể dự đoán được những ghi chép hay quan sát nào sẽ gây được tiếng vang trong vòng 5, 10 hay 20 năm sau, vì vậy, điều quan trọng là phải viết hết tất cả những gì chúng ta có ra, và có niềm tin vào phần này của quá trình viết (hoặc sáng tác).
Đọc lại ghi chép cũ có thể giúp mang lại nhiều cảm hứng (ảnh: internet)
Một vài bí quyết ghi chép của Joyce Carol Oates
1. Tay cầm sổ, chân đi du lịch: mặc dù bản thân văn xuôi không cần phải cầu kỳ, nhưng điều quan trọng là phải biết cách sử dụng các hình thức tường thuật trong ghi chép của bạn. Dù thích hay không, hãy bắt bản thân ghi chép lại mô tả về những địa điểm mà bạn ghé thăm: những người sinh sống ở đó, những nơi bạn ghé qua, mùi hương ở từng địa điểm, những món ăn, những nhành cây ngọn cỏ, hay kiến trúc nổi bật mà bạn nhìn thấy… và ghi lại những đối thoại nhỏ mà bạn tình cờ nghe được, hoặc những cuộc trò chuyện của bạn với những người bạn gặp ở nới đó.
Ghi chép lại mô tả về những trải nghiệm của chyến du lịch (ảnh: internet)
2. Viết vào những giờ bạn thường sẽ không viết: việc lên lịch, sắp xếp thời gian biểu để viết bài là vô cùng quan trọng, nhưng việc luyện tập để viết vào những giờ bất thường cũng là một cách nâng cao khả năng viết lách, khi tâm trí và tâm trạng của bạn bị dao động. Joyce khuyến khích bạn tập viết nhanh, và không viết quá 40 phút. Việc tạo ra một khung thời gian giới hạn như vậy cho phép bạn tự do viết theo cảm hứng sáng tạo của bản thân mà không sợ sẽ làm ảnh hưởng đến công việc khác. Tương tự, Joyce cũng khuyến khích bạn hãy thử viết khi bạn đang vô cùng bận rộn mệt mỏi hoặc thậm chí khi bạn đang bệnh. Sau đó khi bạn đã khoẻ lại và có trạng thái tinh thần tốt hơn, bạn có thể xem lại những gì mình đã viết và biết đâu bạn lại tìm thấy điều gì đó mới mẻ và tiềm năng.
3. Ghi lại những suy nghĩ “mộng mơ giữa ban ngày” của bạn: cho phép bản thân mơ mộng về những câu chuyện của mình và ghi chép lại. Joyce chia sẻ, hãy đi dạo một vòng, sau đó trở về nhà và viết ra bất kỳ suy nghĩ nào lướt qua đầu bạn về một câu chuyện nào đó: nhân vật, chi tiết, lời thoại... Nếu bạn lặp lại hành động này trong vài ngày, bạn có thể sẽ bắt đầu có dàn ý rõ ràng hơn cho những ý tưởng vốn đang rời rạc. Nhiều nhà văn đều đồng ý rằng hoạt động thể chất là một cách vừa kích hoạt những ý tưởng mới, vừa tạo điều kiện cho quá trình xử lý những ý tưởng sáng tạo đó. Bạn có thể tự do chọn hoạt động mà bản thân yêu thích, chỉ cần ghi nhớ rằng, việc tham gia vào một hoạt động để kích hoạt các phần khác nhau của não và cơ thể là một phần quan trọng của quá trình viết. Chạy bộ, vẽ tranh, chơi nhạc, đi dạo… hoặc bất kỳ hoạt động nào khác, đều có thể mang đến một góc nhìn mới về công việc hiện tại, hoặc khơi gợi những ý tưởng hoàn toàn mới cho công việc viết lách của bản thân.