ĐỜI SỐNG

Giải mã “Glossophobia”, hội chứng sợ hãi khi phát biểu trước đám đông

Lan Hương • 01-12-2022 • Lượt xem: 1045
Giải mã “Glossophobia”, hội chứng sợ hãi khi phát biểu trước đám đông

Sợ hãi khi phát biểu trước đám đông là hội chứng khá phổ biến hiện nay và được ước tính chiếm khoảng 75% dân số toàn cầu. Ở một số người, đây còn là trạng thái kinh khủng thực sự và ám ảnh hơn cả nỗi sợ độ cao hay sợ rắn.

Giao tiếp là kỹ năng cần thiết ở bất cứ ai trong hầu hết các khía cạnh cuộc sống. Thế nhưng với những người sợ giao tiếp, thiếu tự tin trong việc bày tỏ quan điểm trước đám đông thì đây quả là một cơn ác mộng. Chính những điều này khiến cho không ít người đã bỏ qua các cơ hội quý giá trong cuộc sống cũng như ảnh hưởng bất lợi đến mục tiêu nghề nghiệp của họ.

Glossophobia – hội chứng sợ nói khi đứng trước đám đông có tên gọi xuất phát từ tiếng Hy Lạp, glossa có nghĩa là lưỡi và phobos là sợ hãi. Nhiều người cho biết các rối loạn này xảy đến trong khi thực hiện những bài phát biểu trước công chúng. Là nỗi sợ của nhiều bạn học sinh trong giờ trả bài thầm mong đừng bị thầy cô gọi tên. Là sự hốt hoảng khi nhân viên bị yêu cầu thuyết trình trong cuộc họp… Sợ hãi khi đứng trên sân khấu cũng là một trong những triệu chứng của glossophobia.

Biểu hiện của người sợ hãi khi nói trước đám đông

Một số người cảm thấy không thoải mái và có cảm giác hơi hồi hộp, lo lắng khi nghĩ tới việc phát biểu trước đám đông. Với một số người khác lại cảm thấy tồi tệ hơn bở sự hoảng loạn và sợ hãi trong tâm trí khi phải giao tiếp trước nhiều người.

Khi đã có trong mình nỗi sợ giao tiếp mà phải đối mặt với việc phải nói chuyện cùng người lạ nay phát biểu trước đám đông, người mắc chứng glossophobia sẽ có những biểu hiện dễ nhận thấy như tay chân run rẩy, đổ mồ hôi, giọng nói lắp bắp, hụt hơi đứt quãng, tim đập nhanh, nóng bừng mặt, khô miệng, cảm giác bất an, các cơ căng cứng, choáng váng hoặc thậm chí là ngất xỉu.

Chính vì thế mà họ chọn việc né tránh các tình huống phải giao tiếp để bản thân cảm thấy an toàn và thoải mái. Từ đó hình thành thói quen luôn từ chối đi đến nơi đông người, không muốn hẹn hò hay gặp gỡ người lạ.

Những người ngại giao tiếp thường có xu hướng chỉ mở lòng với những đối tượng thân thiết, tự đặt mình trong vòng tròn an toàn và tránh các giao tiếp mở rộng với xã hội bên ngoài. Với những đứa trẻ ngại giao tiếp, có thể biểu hiện như sợ đến trường, sợ bị giáo viên gọi tên lên bảng trả lời câu hỏi…

Với những người dễ bị ảnh hưởng bởi ý kiến, những lời phán xét, đánh giá hay ánh mắt của người khác sẽ dần trở nên cảnh giác, ngại ngùng và khó khăn hơn với những giao tiếp trước đám đông. Việc trải qua một lần thuyết trình không tốt hoặc sau lần thể hiện quan điểm cá nhân trước nhiều người nhưng lại bị cười chê khiến họ cảm thấy xấu hổ, mất tự tin và nỗi ám ảnh đó đeo bám trong cả thời gian dài.

Tâm lý tự ti cũng là một trong những biểu hiện dễ thấy của người sợ hãi trước đám đông. Có thể là tự ti về ngoại hình, về khả năng ứng xử, khả năng giao tiếp, làm việc nhóm… và ngay cả các kỹ năng chuyên môn.

Bên cạnh đó, người ngại giao tiếp luôn có suy nghĩ về những hệ quả tiêu cực trước những tình huống mà họ phải đối diện. Ví dụ như lúng túng khi lên bảng trả bài vì nghĩ mình không thể trả lời tốt được hoặc luôn lo sợ cả lớp sẽ chê cười trước những phát biểu của mình.

Hầu hết các biểu hiện của glossophobia xảy ra do sự gia tăng adrenalin trong cơ thể, khi con người cảm thấy sợ hãi, tức giận... Adrenalin sẽ làm nhịp tim đập nhanh hơn, và cơ thể sẽ bắt đầu những phản ứng phòng vệ tự nhiên để chống lại nguy hiểm. Và vì thế, khi học được cách giữ cho cảm xúc tốt hơn, tinh thần sẽ trở nên ổn định và kiểm soát được adrenalin dư thừa, khi đó sẽ cải thiện được tình trạng sợ hãi khi giao tiếp trước đám đông một cách hiệu quả.

Làm sao để có được tự tin hơn khi giao tiếp

Kiểm soát hơi thở là điều cần thiết với người mắc chứng glossophobia để giúp nhịp tim ổn định và làm cho lượng máu đến não bộ được cải thiện rõ rệt. Hãy hít thở đều mỗi khi bắt đầu cảm thấy lo lắng nhằm lấy lại bình tĩnh. Đây sẽ là biện pháp tốt nhất cho bạn ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào khi cảm thấy bất an.

Thông thường với người ngại nói trước đám đông hay có suy nghĩ ý kiến của mình sẽ không được đề cao, thế nhưng đây chỉ là suy nghĩ chủ quan của họ. Hãy mạnh dạn hơn và cố gắng phát biểu ý kiến của mình, nếu quan điểm chưa xác đáng, chúng ta sẽ nhận được những lời góp ý chân thành, những phản hồi tích cực để cải thiện ý tưởng một cách hiệu quả nhất. Chuẩn bị một bình nước kế bên và uống một ngụm nhỏ trước khi phát biểu, điều này sẽ giúp bạn bình tĩnh tự tin hơn rất nhiều.

Cảm giác lo lắng khi phải phát biểu trước đám đông là điều rất nhiều người gặp phải, vì thế hãy học cách làm quen và thích nghi với nó. Trong tiêu đề của một bài báo trên Forbes có nội dung như sau: "Hãy làm cho adrenalin trở thành bạn của bạn để giúp não bộ và cơ thể hoạt động tốt hơn". Khi đã biết cách kiểm soát tốt adrenalin, chắc chắn bạn sẽ đủ mạnh dạn để phát biểu trước mọi người bất cứ lúc nào.