ĐỜI SỐNG

Giải pháp cho 'góc khó' trong nhà

Bài và ảnh: Hà Thành • 11-10-2023 • Lượt xem: 976
Giải pháp cho 'góc khó' trong nhà

Góc khó là những góc… khó xử lý trong ngôi nhà. Đó là những nơi không tiện dụng, không thuận mắt, không hợp lý… Không kiến trúc sư nào muốn thiết kế ra góc khó, và cũng không chủ nhà nào muốn có góc khó trong ngôi nhà mình, trong không gian sống của mình. Tuy vậy, vì nhiều lý do, góc khó vẫn hiện diện và tồn tại. Đi tìm giải pháp cho góc khó là một việc song hành cùng quá trình thiết kế và cũng có nhiều điều thú vị.

Góc khó - Khó mà tránh

Có kiến trúc sư nói vui rằng: Góc khó thì… khó mà tránh. Bởi bất kể mọi điều kiện thuận tiện như thế nào thì vẫn có góc khó, cách này hay cách khác, kiểu này hay kiểu kia. Thực vậy, một ngôi nhà hoàn chỉnh, hoàn thiện là tập hợp của rất nhiều yếu tố liên quan, và không thể tránh khỏi những “va chạm”, xung đột”. Từ đó hình thành nên những nơi, chỗ bất cập, bất tiện, xấu xí, khó xử lý… mà ta có thể gọi là góc khó. Nguyên nhân để tạo nên những góc khó trong ngôi nhà thì có rất nhiều, có thể do hình đất không thuận lợi (méo mó, không vuông vắn); do vấn đề kết cấu, do vấn đề kỹ thuật hay việc tổ chức không gian (từ khâu thiết kế) mà nảy sinh những góc khó… Một trong những nguyên nhân cũng hay gây ra những góc khó, ấy là… phong thủy. Phong thủy có ý nghĩa như thế nào, có cần thiết hay không là một câu chuyện khác, nhưng thực tế cuộc sống là phong thủy có mặt và đóng vai trò khá quan trọng đối với nhiều người, ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều ngôi nhà; đặc biệt bởi vấn đề hướng.

Góc khó cũng có thể xuất hiện sau trong quá trình kê sắp đồ đạc nội thất hay trong quá trình sử dụng; sinh hoạt, mà vì lý do nào đó phải điều chỉnh, hoán đổi không như dự kiến ban đầu.

Một hộp kỹ thuật sát tường biên, được kết hợp với mảng trần thành một cái “cổng” dẫn lên lầu, được nhấn mạnh bằng cả màu sắc

Chiếc cột chịu lực nằm giữa nhà, được hóa giải liền vào hệ vách ngăn cách phòng khách và phòng bếp

Góc khó – khó mà tránh. Sự tồn tại của góc khó là một thực tế… khách quan!? Vậy thì khi có góc khó phải làm thế nào để làm cho góc khó đỡ thô, đỡ chướng, đỡ xấu, hay liệu có thể làm… biến mất góc khó được không, bằng cách nào?

Nhiều kiểu góc khó

Kiểu nhiều nhất, và cũng khó nhất là do hình đất méo mó, không vuông vắn, hoặc diện tích quá nhỏ phạn gạn, tận dụng hết mức. Việc này làm cho thiết kế khó, thi công khó và sử dụng cũng khó nốt. Chẳng ai thích một góc phòng nhọn hoắt, hay mặt tiền bị vát chéo, một chiếc cầu thang vẹo vọ hổng giống ai… Tuy vậy thực tế kiểu này cũng có không phải là ít. Một biến thể khác có thể gây nên góc khó là việc cố ý tạo hình, tạo khối kiến trúc mà phải “trả giá” bằng các góc khó

Với những nhà xây trên đất vuông vắn, không méo mó thì sao? Nhiều kiến trúc sư đã chân thành chia sẻ rằng, khi làm phương án sơ bộ với khách hàng, chưa thể nhìn thấy hết những góc khó, chưa thể nghĩ ra hết những phương án xử lý các góc khó này. Chỉ khi triển khai thiết kế kỹ thuật, tính toán chi tiết các kích thước, các mối liên quan mới có thể biết cụ thể nó khó như thế nào, hướng xử lý ra sao. Chuyện cũng rất thật là nhiều khi đưa phương án ra, khách hàng rất thích rồi, với kiến trúc sư coi như “thắng thầu” rồi; nhưng khi khách hàng rời văn phòng thiết kế ra về thì tác giả mới toát mồ hôi để nghĩ cách xử lý các góc khó, có khả năng ảnh hưởng rất tiêu cực đến chất lượng không gian, chất lượng thẩm mỹ công trình – mà khách hàng không nhìn thấy, chưa nhận ra.

Thang có mặt bằng vuông. Riêng góc này để lộ cho thoáng nên vuốt cong góc trên mặt bằng. Nếu mặt bằng thang vuông ở góc này sẽ lộ một “tam giác” rất vô duyên và khó xử lý tay vịn.

Đây là “góc khó” thường gặp ở những chỗ cua vế thang. Với vị trị trụ thang sát nhau thì tay vịn rất khó uốn liền. Cách xử lý là ngắt thành từng khúc rời, đẹp và khỏe khoắn

Một chuyện khác hay xảy ra, nhưng ở chiều hướng ngược lại, là khách hàng tự đem lại những góc khó cho ngôi nhà của mình. Thiết kế đang triển khai ngon trớn, bỗng khách hàng a-lô bảo rằng: Vừa đi xem thầy về, có sự thay đổi, cái cửa phải chuyển ra chỗ này, cái thang phải xoay chiều ngược lại, cái bếp phải chỉnh hướng ra chỗ khác… Ngoài chuyện mất thời gian tính toán, chỉnh sửa, vẽ lại; thì khả năng “nảy” ra những góc khó là rất cao; bởi không theo tổng thể ban đầu.

Gần đây, thị trường nhà chung cư (cao tầng) phát triển khá mạnh, phù hợp với khả năng kinh tế của nhiều người. Số người tìm đến với nhà chung cư ngày càng nhiều và đây cũng là một thị trường khá lớn và sôi động cho các văn phòng thiết kế. Tuy nhiên, mảng công trình này cũng là nơi nhiều góc khó nhất. Một trong những nguyên nhân chính là hệ thống dầm cột kết cấu rất lớn ở trong các căn hộ. Mỗi tòa nhà khác nhau, mỗi căn hộ vị trí khác nhau trên mặt bằng có những góc khó khác nhau. Bên cạnh đó, việc bị ấn định hệ thống kỹ thuật và không được phép hoặc can thiệp hoặc can thiệp được rất ít cũng góp phần tạo ra những góc khó đối với mỗi chủ nhà (có những nhu cầu rất khác nhau).

Một căn hộ chung cư: Nếu tinh ý nhìn kỹ, sẽ thấy chiều sâu trong lòng chiếc tủ cánh kính ở giữa chỉ bằng một nửa phần hồi tủ. Lý do là có một chiếc cột chịu lực bên trong mà tủ đã bọc lại.

Cột lồi ở góc tường trong căn hộ chung cư, được che phủ bằng một hệ vách nhẹ kết hợp chiếu sáng trang trí

Tìm giải pháp cho góc khó

Cũng lại có kiến trúc sư nói rằng: Góc khó mấy cũng có giải pháp - miễn là phải giải quyết tốt trên tổng thể và các mối quan hệ: công năng, thẩm mỹ, kỹ thuật; tránh việc xử lý kiểu vá víu. Mỗi dạng góc khó có những cách xử lý khác nhau, mỗi vị trí góc khó trong không gian có cách xử lý khác nhau, phụ thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể, phụ thuộc cả và kinh nghiệm, thói quen và sự sáng tạo của người thiết kế. Có những góc khó được giấu đi một cách khéo léo, có những góc khó được trang trí làm giảm yếu tố “xấu xí”, lại có những góc khó được nhấn mạnh – làm nổi bật bằng nhiều thủ pháp. Có những góc khó xử lý đơn giản, nhanh gọn và không tốn kém, nhưng ngược lại cũng có góc khó rất tốn kém cả thời gian, công sức và tiền bạc.

Một cách xử lý rất đơn giản với hộp kỹ thuật trong phòng vệ sinh bằng cách phối hợp với cabin tắm đứng.

Tuy góc khó là cái chẳng ai muốn, như đã nói ở phần đầu, thì nhiều kiến trúc sư cũng thừa nhận rằng, đi tìm giải pháp cho góc khó là một công việc dẫu hơi “lắt nhắt” nhưng cũng rất thú vị, và phần nào cũng thể hiện được cả năng lực và kinh nghiệm thiết kế. Việc nhìn được trước, chủ động và phải giải quyết trên cơ sở tổng thể là những yếu tố quan trọng để biến góc khó thành… không khó.

Những mảng khối của hệ kết cấu lồi ra trên mặt tường được “hòa nhịp” cùng với hệ thống bàn và kệ, tạo nên sự  khớp nối tự nhiên.

Cũng là hộp kỹ thuật trong phòng vệ sinh, được xây bằng luôn khoang tắm đứng, tránh cảm giác bị nhô ra ở góc phòng.

Để tận dụng diện tích, tường cạnh thang xây đơn, và bị lộ dầm khu thang. Cách xử lý là: Trên tường đôi, dưới tường đơn.

Góc khó bởi phong thủy: Hướng bếp không trùng với hướng bệ bếp sát tường của căn hộ chung cư. Và bếp được đặt trên một đảo bếp giữa nhà.

Một góc khó do kê sắp đồ đạc – là góc chết, hốc trong góc phòng, được trang trí đơn giản bằng lọ hoa.