ĐỜI SỐNG

Giải pháp nào nâng tầm đội ngũ cầm còi Việt Nam?

DDVN • 23-08-2022 • Lượt xem: 273
Giải pháp nào nâng tầm đội ngũ cầm còi Việt Nam?

Cần khẩn trương xây dựng kế hoạch phát triển công tác trọng tài, tiến tới thành lập Học viện Trọng tài với các giảng viên hàng đầu thế giới và châu lục. Đó là những biện pháp có thể làm sớm thay đổi chất lượng trọng tài Việt Nam.

Var không phải là cách giải quyết rốt ráo

Mới đây, khi Báo Thanh Niên đặt câu hỏi tại sao chất lượng trọng tài (TT) trong nước lại chưa xứng với sự phát triển của bóng đá Việt Nam và V-League còn xảy ra quá nhiều sai sót từ đội ngũ TT, Trưởng ban Trọng tài Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Dương Văn Hiền đã đề cập đến vấn đề công nghệ.

Ông Hiền nói: “V-League quá khắc nghiệt. Trong bối cảnh giải đấu chưa có VAR, dư luận sẽ tạo ra những áp lực khủng khiếp lên đội ngũ TT, dù ai cũng biết họ chỉ là con người, không thể tránh được sai sót. Ban TT nếu đứng ra bảo vệ thì cũng bị nói. Ở Việt Nam áp lực đối với TT rất kinh khủng. TT hễ được phân công làm nhiệm vụ ở các trận đấu có CLB Hà Nội hay HAGL đều rất áp lực. Chỉ 1 sai sót thôi sẽ bị đánh giá là bênh đội Hà Nội hay ép HAGL. Ban TT đã nhiều năm yêu cầu lắp đặt VAR vì cách tốt nhất để cải thiện và nâng cao chất lượng TT là sớm đưa VAR vào giải vô địch quốc gia”.


Trọng tài tốt sẽ là một trong những yếu tố tạo nên nền bóng đá tốt

Ông Hiền nói có phần đúng nhưng chưa đủ. VAR quả thật là phương tiện đắc lực giúp TT quán xuyến tốt hơn công việc của mình ở mỗi trận đấu. Nhưng VAR không phải là tất cả. Để sử dụng và vận hành VAR, vẫn cần đến yếu tố con người, mà ở đây bắt buộc phải có lực lượng TT vừa giỏi về chuyên môn vừa giỏi về kỹ thuật. Vậy, Ban TT có cam kết sẽ cung cấp đủ số lượng TT đủ năng lực để được Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đào tạo trở thành TT VAR? Khi số lượng TT Việt Nam còn thiếu trầm trọng mà chính Trưởng ban TT VFF mới đây cũng vừa phát biểu, vì không đủ người nên Ban TT không thể cử TT giỏi đi thực hiện các nhiệm vụ quốc tế theo lời mời từ Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) hay Đông Nam Á (AFF), khi giải quốc nội đang diễn ra căng thẳng.

Trước khi bóng đá Việt Nam có công nghệ hỗ trợ, điều mấu chốt và cần thiết là Ban TT cần xây dựng một kế hoạch đồng bộ, cụ thể về chiến lược phát triển TT Việt Nam. Và để xây dựng được đề án này, nội bộ Ban TT phải là một khối thống nhất, phát huy được chất xám và công sức của từng thành viên để hoạch định chính sách lâu dài, bền vững, ổn định cho công tác phát triển, nâng tầm TT. Trên thực tế, hiện tại việc sử dụng TT tại hệ thống thi đấu chuyên nghiệp ở Việt Nam còn ăn đong, giật gấu vá vai. Cứ TT nào của V-League bị kỷ luật là bị đẩy xuống hạng nhất. Hoặc khi TT V-League bị kỷ luật, lại vội vã đẩy TT hạng nhất lên theo kiểu giải pháp tình thế. Đề án phát triển TT Việt Nam cần vạch rõ lộ trình ngắn hạn, dài hạn; mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn, trong đó đào tạo được bao nhiêu TT cấp quốc gia, bao nhiêu TT chuẩn FIFA.

Đừng để học viện trọng tài mãi nằm trên giấy

Ý tưởng thành lập Học viện TT Việt Nam đã được đề xướng từ cách đây nhiều năm nhưng vẫn chưa thể thực hiện được vì vấp phải nhiều vướng mắc. Trưởng ban TT VFF Dương Văn Hiền nói: “Khó nhất vẫn là việc tìm kiếm học viên, liệu có ai sẵn sàng đăng ký làm TT chuyên nghiệp như các nước phát triển Nhật Bản, Hàn Quốc? TT ở các nước này nhận lương hằng tháng, mỗi trận làm nhiệm vụ lại có chi phí riêng. Trong khi đại đa số TT Việt Nam đều chỉ coi nghề TT là nghề tay trái. VFF chỉ trả cho TT tiền nhiệm vụ từng trận. Không phải chúng tôi không nghĩ đến việc lập học viện TT. Thậm chí, Ban TT từng tính đến kết hợp các trường ĐH TDTT, đưa TT vào học các khóa “tu nghiệp” bồi dưỡng ngắn hạn 1 - 2 tháng kiểu học phần. Phương án đưa ra đã lâu, nhưng vướng ở chỗ đa số TT làm ở cơ quan nhà nước, tranh thủ cuối tuần mới đi làm nhiệm vụ. Muốn họ bỏ ra 1 - 2 tháng để đi học rất khó. Nếu thúc đẩy được lực lượng TT theo chuyên nghiệp, họ sẽ có thể an tâm bỏ tất cả để theo nghề được. Khi đó, giữa 2 mùa giải và giữa 2 giai đoạn, chúng tôi có thể đưa các TT vào học viện để tập huấn chuyên môn. Nhưng đến nay, việc thành lập học viện TT vẫn chưa thể thành hiện thực”.

Một cựu giám sát TT có uy tín tại Việt Nam nói: “Học viện TT không phải được xây dựng để đào tạo lại đội ngũ TT hiện có mà là để đào tạo lực lượng TT cho tương lai gần của bóng đá Việt Nam. Vì thế, nếu học viện chỉ mãi là ý tưởng trên giấy thì TT Việt Nam sau này sẽ chỉ càng thiếu và yếu đi mà thôi. Theo tôi, một mình Ban TT không thể quán xuyến được kế hoạch xây dựng Học viện TT Việt Nam mà vì đây là vấn đề quan trọng nên VFF phải vào cuộc. Hoạch định chiến lược phát triển TT dựa vào nhiều yếu tố. Trong đó, kinh phí, cơ sở vật chất là những yếu tố cần thiết đầu tiên mà chỉ VFF mới có đủ thẩm quyền để đứng ra lo liệu, giải quyết. Những yếu tố tiếp theo, thuộc về kỹ thuật và lúc này cần đến vai trò của Ban TT hay bộ phận chuyên môn của VFF. Học viện TT Việt Nam cần mời những giảng viên giỏi không chỉ trong nước mà còn của FIFA, AFC, AFF để các khóa đào tạo chính quy đảm bảo chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ở các giải quốc nội và quốc tế.

Theo Nhật Duy - Tiểu Bảo/Thanhnien.vn