ĐỜI SỐNG

Giáo sư Việt Nam được vinh danh với công nghệ 6G

Thiện Thuật • 16-01-2023 • Lượt xem: 857
Giáo sư Việt Nam được vinh danh với công nghệ 6G

Giáo sư Dương Quang Trung sinh năm 1979, sinh ra và lớn lên tại phố cổ Hội An tỉnh Quảng Nam. Ông tốt nghiệp trường Trung học phổ thông Trần Quý Cáp, Hội An. Sau đó, ông theo học tại Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh và tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Viễn thông. Tiếp đó ông nhận được học bổng toàn phần của chính phủ Hàn Quốc để hoàn thành chương trình thạc sĩ và năm 2012 nhận học bổng toàn phần ngành Hệ thống Viễn thông tại Thụy Điển để hoàn thành bằng Tiến sĩ.

Hành trình nghiên cứu khoa học của giáo sư Dương Quang Trung

Kể từ năm 2005, ông đã xuất bản hơn 400 cuốn sách, chương sách, bài báo và bài báo hội nghị. Ông từng giành được giải thưởng Bài báo nghiên cứu tốt nhất tại Hội nghị của Hội Kỹ sư Điện và Điện tử Quốc tế (IEEE) và tham gia đội ngũ biên tập viên của 7 tạp chí khoa học thuộc IEEE kể từ năm 2013 đến nay.

Đầu năm 2013, Giáo sư Dương Quang Trung được nhận vào ngạch Giáo sư tại Trường đại học Queen's Belfast, không phải trải qua giai đoạn sau tiến sĩ.

Năm 2017, ông giành được giải thưởng Newton danh giá của Vương quốc Anh và được liệt kê là một trong những tác giả của Scopus được trích dẫn nhiều nhất trong tất cả các lĩnh vực khoa học.

Vào tháng 8 năm 2020, ông được bổ nhiệm làm giáo sư thực thụ tại Đại học Queen's Belfast. Đây là một trong những trường hợp bổ nhiệm nhanh nhất trong lịch sử gần 200 năm của trường.

GS. Dương Quang Trung hiện nay là giáo sư kiêm chủ nhiệm ngành Viễn thông tại Đại học Queen's Belfast. Ông còn giữ vị trí danh dự là chủ nhiệm nghiên cứu (Research Chair) về công nghệ 6G tại Viện hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh.

Các lĩnh vực nghiên cứu chính của ông bao gồm: Các mạng truyền thông không dây; bảo mật lớp vật lý và quyền riêng tư; tối ưu hóa thời gian thực, máy học, phân tích dữ liệu lớn; ứng dụng công nghệ IoT để quản lý thiên tai, nông nghiệp thông minh, hiểm họa khí tượng thủy văn, chăm sóc sức khỏe, chất lượng không khí, chất thải nhựa...

Sứ mệnh chinh phục mạng 6G

Hàng năm, Học viện Kỹ thuật Hoàng gia lựa chọn một số nhà khoa học uy tín đang theo đuổi các đề tài đột phá có tác động lớn đến đời sống… để bổ nhiệm họ vào các vị trí giám đốc nghiên cứu, nghiên cứu viên cao cấp và hỗ trợ tài chính cho các dự án này. Để được công nhận là giám đốc nghiên cứu là một vinh dự lớn. Các ứng viên từ hàng trăm trường đại học và viện nghiên cứu trên khắp Vương quốc Anh phải trải qua hàng loạt vòng xét duyệt vô cùng khắt khe.

Năm 2020, Viện chỉ bổ nhiệm 4 giám đốc nghiên cứu các dự án về kháng sinh, giảm thiểu việc sử dụng năng lượng - khí thải, đây đều là những vấn đề thách thức toàn cầu. Đặc biệt, Giáo sư Dương Quang Trung đang nghiên cứu về mạng 6G, một mạng công nghệ chưa từng ra đời.

Thế giới đang ở giai đoạn đầu của mạng 5G, vì vậy có lẽ 6G sẽ đến với nhân loại vào những năm 2030. Chỉ một số quốc gia hàng đầu đang sử dụng 5G cho mục đích thương mại. Trung Quốc vẫn dẫn đầu về 5G. Ở Đông Nam Á, Thái Lan đã trở thành quốc gia đầu tiên cung cấp dịch vụ 5G thương mại vào tháng 3 năm 2020, trong khi các quốc gia còn lại hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm. Theo khảo sát của ABI Research cho thấy thời gian tới sẽ đến lượt những thị trường mới nổi bùng nổ 5G với tốc độ tăng trưởng hằng năm 26%.

Nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới, trong đó có Giáo sư Dương Quang Trung và cộng sự, đang vạch ra những phác thảo đầu tiên về mạng 6G tiếp theo. Ông cho biết: “Các mạng viễn thông phải được nghiên cứu lý thuyết từ rất lâu trước khi áp dụng vào thực tế. Chẳng hạn, để có mạng 5G đang áp dụng thì nghiên cứu đã nhen nhóm từ những năm 2010.

Mỗi thập kỷ lại có một thế hệ mạng mới ra đời nhằm đáp ứng những nhu cầu mới trong sản xuất và đời sống. Nhóm nghiên cứu dự đoán rằng các ứng dụng công nghệ trong thập kỷ tới sẽ tạo ra một nền tảng mạng đáp ứng đủ mạnh.

Chẳng hạn vào những năm 2030, công nghệ 6G có thể tạo ra một tương lai mang lại lợi ích cho việc chẩn đoán, phẫu thuật y tế từ xa, sử dụng xe tự lái, công nghệ thực tế ảo và tăng cường cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe, giải trí.

Do đó, 6G sẽ không chỉ tập trung vào tốc độ dữ liệu nhanh hơn mà còn cải thiện khả kết nối, liên kết số lượng lớn các thiết bị tự động. 6G sẽ đáp ứng các nhu cầu cụ thể của thiết bị Internet vạn vật (IoT) bằng cách đạt được các mục tiêu kép là duy trì độ tin cậy cực cao của 5G (99,999%) và giảm thiểu các kết nối  chậm giữa thời gian truyền và nhận dữ liệu tương ứng.

Giải thưởng Best Paper Award

Giáo sư Dương Quang Trung đã chia sẻ sự bất ngờ và vui mừng trên trang cá nhân khi hai công trình liên quan đến công nghệ 6G giành được vinh danh tại hội nghị IEEE GLOBECOM 2022 vào tháng 12 năm 2022 tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil.

Hai công trình của giáo sư Dương Quang Trung được trao giải Best Paper Awards tại hội nghị IEEE GLOBECOM 2022 gồm: Ứng dụng lý thuyết trò chơi trong nghiên cứu tối ưu hóa tích hợp mạng vệ tinh - mặt đất cho mạng 6G và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết bài toán về băng thông rộng cho mạng 6G. Đây là lần thứ ba, giáo sư Dương Quang Trung được trao giải thưởng Best Paper Award tại hội nghị IEEE GLOBECOM (2 lần trước là: năm 2016 tại Washington DC, Mỹ và năm 2019 tại Hawaii, Mỹ).

GLOBECOM là Hội nghị lớn nhất của ngành Viễn thông với lịch sử hơn 65 năm và hầu như chỉ tổ chức tại Mỹ. Mỗi năm có khoảng 3.000 công trình nghiên cứu của các chuyên gia trên thế giới đăng ký tham gia hội nghị. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 35% công trình được chấp nhận công bố và trình bày tại hội nghị. Tại sự kiện năm 2022, 16 bài báo được chọn làm Best Paper Awards trong tổng số trên 1.100 bài báo được chấp nhận.