ĐỜI SỐNG

Giới khoa học tìm cách giữ cho buồng trứng của phụ nữ hoạt động lâu hơn

Hồng Trâm • 22-07-2024 • Lượt xem: 2508
Giới khoa học tìm cách giữ cho buồng trứng của phụ nữ hoạt động lâu hơn

Tháng 3 vừa qua, đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden ra mắt sáng kiến bảo vệ sức khỏe phụ nữ của Nhà Trắng trong đó nêu bật một câu hỏi nghiên cứu "Điều gì sẽ xảy ra nếu ta có thể trì hoãn thời kỳ mãn kinh và nguy cơ sức khỏe liên quan đến nó?".

Câu hỏi trên thu hút nhiều sự chú ý trong vài năm gần đây. Các nhà khoa học nghiên cứu về tuổi thọ và sức khỏe phụ nữ nhận ra rằng hệ thống sinh sản của phụ nữ không chỉ đơn thuần là cơ quan sinh sản. Đặc biệt, buồng trứng dường như còn liên quan đến hầu hết mọi khía cạnh sức khỏe của nữ giới.

Khi phụ nữ vào tuổi trung niên thì buồng trứng sẽ ngừng thực hiện chức năng chính, đánh dấu thời kỳ mãn kinh khiến quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn và nhiều cơ quan khác như tim hay não yếu dần. Nhìn chung phụ nữ sống lâu hơn nam giới, nhưng họ lại phải sống chung với bệnh tật.

Giám đốc Cơ quan Dự án nghiên cứu nâng cao về y tế Renee Wegrzyn (đơn vị phụ trách sáng kiến của bà Jill) cho biết: “Buồng trứng là cơ quan duy nhất ở người mà chúng ta chấp nhận một ngày nào đó sẽ bị hỏng”. Nhưng chính sự suy giảm chức năng buồng trứng khiến chúng trở thành đối tượng nghiên cứu đầy hứa hẹn. Giới khoa học cho rằng việc kéo dài chức năng của buồng trứng có khả năng làm thay đổi tiến trình sức khỏe lẫn tuổi thọ.

Đảm bảo buồng trứng khỏe mạnh rất quan trọng với sức khỏe nữ giới

Theo Tiến sĩ Jennifer Garrison (Viện nghiên cứu Lão hóa Buck): “Nếu không nghĩ đến chức năng buồng trứng trong quá trình lão hóa thì bạn gần như đã đánh mất cơ hội cải thiện tình hình”.

Mối liên hệ giữa buồng trứng với lão hóa

Bà Garrison chỉ ra buồng trứng hoạt động như trung tâm điều khiển của một mạng lưới tín hiệu phức tạp trong cơ thể phụ nữ. Cơ quan này liên kết và ảnh hưởng đến hầu hết cơ quan khác thông qua hormone như estrogen, progesterone... 

Giới khoa học vẫn chưa biết chính xác buồng trứng thực hiện thực hiện vai trò “trung tâm điều khiển” như thế nào, nhưng chắc chắn là khi buồng trứng ngừng hoạt động thì hàng loạt vấn đề sẽ phát sinh. Ví dụ như hội chứng buồng trứng đa nang ở phụ nữ trẻ làm tăng nguy cơ mắc bệnh về trao đổi chất, bệnh tim, vấn đề sức khỏe tâm thần.

Trứng cạn kiệt dẫn đến thời kỳ mãn kinh, quá trình trao đổi chất của buồng trứng gần như dừng lại làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, bệnh tim, loãng xương và bệnh liên quan đến tuổi tác. Phụ nữ bước vào giai đoạn này càng sớm thì nguy cơ mắc càng cao và tuổi thọ càng ngắn. Nguy cơ mắc bệnh mãn tính của trường hợp bước vào thời kỳ mãn kinh sớm do buồng trứng bị phẫu thuật cắt bỏ càng cao hơn. Tuy nhiên, Giám đốc Tổ chức nghiên cứu mãn kinh Mỹ Stephanie Faubion cho biết, dù buồng trứng ngừng rụng trứng do bước vào thời kỳ mãn kinh, chúng vẫn có thể bảo vệ phần nào sức khỏe tổng thể.

Trì hoãn mãn kinh có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh

Liên hệ giữa buồng trứng với sức khỏe lẫn tuổi thọ mang tính tương quan, giới khoa học chưa xác định được buồng trứng có phải nguyên nhân gây ra tình trạng lão hóa hay không, hay có yếu tố nào khác đẩy nhanh quá trình lão hóa dẫn đến rối loạn chức năng buồng trứng. Nhiều nghiên cứu phát hiện như thói quen hút thuốc, cân nặng, căng thẳng, di truyền… đều góp phần gây mãn kinh sớm.

Làm cách nào trì hoãn mãn kinh, kéo dài tuổi thọ?

Thử nghiệm ở động vật cho thấy kéo dài thời gian buồng trứng hoạt động có thể cải thiện sức khỏe và tăng tuổi thọ. Chẳng hạn ở chuột, cá thể già được cấy ghép buồng trứng của cá thể trẻ sẽ sống lâu hơn.

Hiện tại, giới khoa học đang thử nghiệm nhiều cách nhằm khiến buồng trứng ở người hoạt động lâu hơn. Công ty Oviva Therapeutics bắt đầu thử nghiệm - chủ yếu với chuột và mèo - loại dược phẩm hormone ức chế mullerian (AMH, điều chỉnh số lượng nang trứng trưởng thành trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt) để xem liệu có thể giảm số lượng nang trứng trưởng thành thay không.

Giám đốc điều hành Oviva Daisy Robinton mô tả AMH như “miếng vải bọc” xung quanh buồng trứng. Mức AMH quyết định kích thước lỗ trên miếng vải. Nếu lỗ lớn (mức AMH thấp) thì số trứng thoát ra nhiều và ngược lại. Mất đi ít trứng cho phép dự trữ buồng trứng được duy trì, buồng trứng hoạt động được lâu hơn.

Một thử nghiệm lâm sàng khác do Đại học Columbia thực hiện cũng cố gắng giảm tốc độ rụng trứng ở phụ nữ 35 - 45 tuổi. Họ thử nghiệm một loại thuốc ức chế miễn dịch tên rapamycin, để xem thuốc ảnh hưởng ra sao đến dự trữ buồng trứng. Rapamycin ảnh hưởng đến số lượng trứng trưởng thành mỗi tháng và được chứng minh có tác dụng kéo dài thời gian buồng trứng hoạt động ở chuột.

Khi thử nghiệm ở người, Tiến sĩ dẫn đầu nghiên cứu S.Zev.Williams ghi nhận hai kết quả: một số phụ nữ vẫn bị suy giảm chức năng buồng trứng như thông thường và số còn lại có sự thay đổi. Nhóm nghiên cứu không biết ai uống rapamycin hay giả dược.

Nhiều nhà khoa học chống lão hóa khác cũng đang thử nghiệm rapamycin, nhưng hầu như chưa thể xác định liệu loại thuốc này có kéo dài tuổi thọ của con người hay không vì thử nghiệm chưa đủ lâu (nhiều thập kỷ).

Tag: